Doanh nghiệp thép đối diện với mối lo hàng nhập khẩu
Ngành sản xuất thép trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 7 - 8% trong năm nay.
- 05-06-2024Thép không gỉ cán nguội bị điều tra chống bán phá giá tại Hàn Quốc
- 24-04-2024Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
- 23-04-2024Trung Quốc xuất khẩu gần 26 triệu tấn thép trong quý I/2024
Đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên sự gia tăng nhanh chóng của các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài đang khiến lượng cung vượt xa cầu. Nhiều ý kiến cho hay, nếu không có biện pháp bảo vệ hợp lý và hỗ trợ ngành sản xuất thép trong nước một cách kịp thời, thị trường nội địa sẽ thuộc về các nhà sản xuất nước ngoài.
Nguy cơ mất thị trường
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm nay có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho hay, hiện nay sản xuất thép đang ở tình trạng cung vượt cầu, cùng đó là tình trạng gia tăng nhập khẩu càng làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép trong nước khốc liệt hơn. Đơn cử theo dữ liệu mới nhất từ cơ quan hải quan, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có lượng nhập khẩu HRC trong 1 năm lớn hơn lượng sản xuất trong nước.
Với lượng nhập khẩu như vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản xuất của 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước là Formosa và Hòa Phát đã sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021 do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành. Về mức giá, giá nhập khẩu hiện đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD vào cuối năm 2023.
Nhập khẩu tăng mạnh, giá bán thấp đã khiến thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Dự kiến đà nhập khẩu năm nay tiếp tục tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao.
Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trước đây, Việt Nam không làm được thép cán nóng vì vốn đầu tư quá lớn và công nghệ yêu cầu rất cao, nhưng từ khi Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát đầu tư vào sản xuất được mặt hàng này.
“Khi chưa làm được thép cán nóng thì việc phải nhập khẩu là đương nhiên, nhưng hiện nay chúng ta đã sản xuất được và sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên dòng hàng này vẫn tràn vào với số lượng lớn, đặc biệt thời gian gần đây có dấu hiệu bán dưới giá thành thì cần phải cân nhắc, bởi sẽ tác động lớn tới sản xuất trong nước, mất thị trường”, ông Phan Đăng Tuất nói.
Cần cơ chế phòng vệ
Mặc dù sản xuất thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngành thép còn có những điểm nghẽn mang tính dài hạn. Theo đó, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu thép cán, chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó, chủ yếu là thép cán nóng. Ngoài ra, Việt Nam vẫn nhập khẩu thép hình, một số sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, chiếm khoảng 20 - 25% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trước thực tế này, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật. Từ đó, ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.
Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chiến lược phát triển công nghiệp thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, gắn với các chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững. Trong thời gian, chưa có Chiến lược phát triển ngành thép thì có biện pháp quản lý đầu tư các dự án thép có quy mô lớn nhằm kiểm soát cân đối cung cầu, tránh lãng phí tài nguyên, vốn đất đai, bảo vệ môi trường giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sản xuất tiêu thụ xanh.
Mới đây, đại diện Bộ Tài chính cũng đã đồng tình với ý kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam về việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, đối với thuế xuất nhập khẩu điều chỉnh theo hướng tăng dần, đầu vào ở mức thấp còn với các sản phẩm tinh hơn sẽ áp thuế cao hơn góp phần tạo ra rào cản pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng. Mặt khác, xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.
Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Cũng trong ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Báo Tin tức