Doanh nghiệp thu nghìn tỷ từ bán dự án điện hưởng giá FIT cho đối tác ngoại
Các dự án hưởng giá FIT cao hơn nhiều so với giá mua điện bình quân của EVN và được duy trì trong 20 năm. Tập đoàn Xuân Thiện và Trungnam Group thu nghìn tỷ đồng từ bán các dự án điện mặt trời, điện gió được hưởng giá FIT cho đối tác ngoại.
Còn nhiều vướng mắc nhưng tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn
Trong xu hướng phát triển chung của toàn cầu, Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong các năm gần đây. Một trong các động lực không thể không kể đến là chính sách và mức giá ưu đãi (FIT - Feed-in Tariff, được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ) dành cho dự án điện mặt trời, điện gió.
Các mức giá ưu đãi từ 1.644 đồng/kWh đến 2.223 đồng/kWh tùy loại hình năng lượng và thời điểm đi vào vận hành (COD). Tất cả đều có thời gian áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Nguồn: tổng hợp
So với giá điện bình quân ở quanh vùng 1.000 - 1.200 đồng/kWh giai đoạn trước 2021 thì các mức giá trên rất ưu đãi. Ngay cả trong năm 2022, dưới tác động của giá than, giá khí tăng cao, giá điện bình quân cũng chỉ lên 1.800 đồng/kWh. Theo số liệu của EVNGENCO3 ( HoSE: PGV ), giá điện toàn thị trường bình quân tháng 8 ở mức 1.511 đồng/kWh.
Đơn vị: đồng/kWh - Nguồn: Tổng hợp từ EVNGENCO3
Hầu hết các chủ đầu tư sử dụng từ 70-80% vốn vay để thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời. Vì vậy, việc công suất không duy trì ổn định và bị cắt giảm sẽ khiến chủ đầu tư gặp khó trong vận hành cũng như trả lãi vay.
Như, điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam đã đi vào hoạt động hơn 22 tháng, được EVN huy động công suất của toàn dự án để hòa lưới điện quốc gia. Từ ngày 31/8, Công ty mua bán điện (thuộc EVN) ra thông báo dừng khai thác với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450 MW. Điều này đồng nghĩa với việc toàn hệ thống của dự án chỉ được vận hành khoảng 60% công suất thiết kế. Chủ đầu tư cho biết việc này dẫn tới mất khả năng cân đối trả nợ vay.
Sau khi các quyết định trên hết hiệu lực, Chính phủ vẫn chưa ra chính sách mới cho dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp hoặc sẽ triển khai trong tương lai. Hiện có 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3,5 GW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng sau thời điểm được hưởng giá FIT nên chưa có giá bán điện và 5 dự án/phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện.
Để gỡ khó, Bộ Công Thương có đề nghị EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Song mới đây, EVN phản hồi giải pháp này không khả thi. Việc đàm phán sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN.
Dù vậy, theo dự thảo quy hoạch điện VIII, tiềm năng phát triển của năng lượng tái tạo rất lớn, đặc biệt là điện gió. Tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời vào năm 2045 đạt 58,5 GW đến 76 GW và điện gió từ 66,2 GW đến 120,5 GW theo 3 kịch bản, tỷ trọng đóng góp từ 44% - 51% tổng công suất điện toàn hệ thống.
Thu nghìn tỷ từ bán dự án
Áp lực nợ vay kèm nhu cầu vốn lớn cho dự án năng lượng tái tạo mới trong tương lai, nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm đến giải pháp bán toàn bộ hoặc một phần dự án được vận hành thương mại (COD) trước thời hạn, hưởng giá ưu đãi để có nguồn tiền tái đầu tư.
Vào tháng 6, EDP Renewables (EDPR) - Tập đoàn sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới công bố đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Xuân Thiện để mua lại hai dự án điện mặt trời ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, có tổng công suất 200 MWac (255 MWdc).
Hai dự án trên của Tập đoàn Xuân Thiện đi vào hoạt động thương mại từ tháng 4/2020 nên có hợp đồng mua bán điện (PPA) hưởng giá FIT với EVN trong thời gian 20 năm. Thương vụ trị giá khoảng 284 triệu USD (khoảng 6.500 tỷ đồng) kèm điều khoản trả thêm tùy vào tình hình hoạt động.
Tập đoàn Xuân Thiện của ông Nguyễn Văn Thiện được xem là “ông lớn” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với các dự án hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo thống kê của Người Đồng Hành, tổng công suất dự án điện mặt trời mà tập đoàn đã và đang đầu tư đạt đến hơn 3.070 MWp, sản lượng khoảng 5,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 57.000 tỷ đồng. Trong đó, cụm dự án Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Đắk Lắk 1 với tổng công suất 1,13 GW đã đi vào vận hành được hưởng giá ưu đãi, tương đương 6,6% tổng công suất điện mặt trời cả nước hiện tại.
Tập đoàn còn dự án Xuân Thiện Đắk Lắk giai đoạn 2 với 10 nhà máy, công suất 1.936 MWp, sản lượng 3,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 33.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch đưa vào vận hành từ cuối 2021 và đầu năm 2022 nhưng đến nay chưa có thông tin.
Các doanh nghiệp bán dự án năng lượng tái tạo hưởng giá FIT để có nguồn vốn tái đầu tư.
Tháng 4 năm ngoái, thương vụ bán 49% vốn dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc công suất 204 MW của Trungnam Group cho Công ty cổ phần kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) được công bố đã hoàn tất. Cũng trong năm này, tập đoàn công bố bán 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam cho Công ty Hitachi Sustainalbe Energy - thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).
Cả 2 dự án đều được hưởng giá FIT. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng và điện gió Trung Nam có tổng đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, công ty mẹ Trungnam Group ghi nhận khoản lãi đột biến 2.104 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 132,6 tỷ năm 2020 trong khi doanh thu giảm.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc tập đoàn cho biết việc bán vốn các dự án đã COD nhằm có dòng tiền tốt phát triển dự án và chỉ bán với tỷ lệ mà tập đoàn vẫn nắm quyền chi phối. Đây là cách thức các nhà phát triển dự án đã làm, tập đoàn bán ra được lợi nhuận ngay lập tức và dùng vốn để phát triển dự án tiếp theo.
Mới đây, theo Bloomberg, tập đoàn năng lượng tái tạo đang lên kế hoạch chào bán 500 triệu USD trái phiếu trong 3 năm tới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng xem xét niêm yết cổ phiếu của công ty trên các sàn chứng khoán tại Việt Nam để huy động vốn cho cho các dự án năng lượng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Tâm cho biết tập đoàn sẽ cần có một nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án trên đến năm 2030. Còn theo Phó Tổng giám đốc Đỗ Tú Anh, các dự án của Trungnam Group sẽ bao gồm các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, giúp sản lượng năng lượng tái tạo có thể gấp 3 lần cho đến năm 2026 từ mức 1,6 GW hiện tại.
Người đồng hành