MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thủy điện ở miền Trung làm ăn ra sao?

Lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp đã tác động không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp thủy điện ở miền Trung, khiến bức tranh lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp nhóm này không đạt như kỳ vọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, phần lớn doanh nghiệp thuỷ điện ở miền Trung đều ghi nhận kết quả kinh doanh giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Theo CTCP Thủy điện A Vương (AVC), lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Thủy điện A Vương ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 380,3 tỷ đồng, tổng lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 232,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 14,6% và 15% so với lũy kế 6 tháng đầu năm 2022.

Trong bối cảnh khó khăn, năm 2023, Thủy điện A Vương đặt mục tiêu tài chính khá khiêm tốn với tổng doanh thu ở mức 521,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 133,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 97% và 378% so với thực hiện năm 2022.

Tại ngày 30/6/2023, Thủy điện A Vương ghi nhận tổng tài sản hơn 1.910 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với số tại ngày đầu năm. Đáng chú ý, nợ phải trả của AVC giảm 58,3% còn 53,7 tỷ đồng, trong đó, toàn bộ là nợ ngắn hạn.

CTP Thủy điện A Vương là chủ của Công trình thủy điện A Vương thuộc xã Macooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Nhà máy này có tổng công suất  210MW gồm 2 tổ máy, điện lượng bình quân hàng năm là 737,35 triệu KWh.

Dự án Thuỷ điện A Vương có tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 8/2003, phát điện tổ máy 1 ngày 11/10/2008 và phát điện tổ máy 2 vào ngày 28/12/2008.

Doanh nghiệp thủy điện ở miền Trung làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Dự án Thuỷ điện A Vương. Ảnh: X.H.

Tiếp theo, BCTC của CTCP Thủy điện Miền Trung (EVNCHP) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 tổng doanh thu của EVNCHP đạt 395 tỷ đồng, giảm 20,43% tương ứng 101,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của CHP đạt 137 tỷ đồng, giảm 38,6% tương ứng 86,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo giải trình của EVNCHP, doanh thu công ty giảm là do lưu lượng nước bình quân về hồ thủy điện A Lưới 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 15,91 m/s, cao hơn so với lưu lượng trung bình nhiều năm (12,22 m/s), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Do đó tổng sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm nhà máy A Lưới đạt 272 triệu kWh giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu đạt hơn 295 tỷ đồng, giảm 20% tương ứng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 51% kế hoạch năm 2023.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của EVNCHP đạt hơn 3.101  tỷ đồng, giảm 158 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Trong đó, chủ yếu là tài sản dài hạn, ghi nhận hơn 2.504 tỷ đồng, trong khi đó tài sản ngắn hạn hơn 597 tỷ đồng. Nợ phải trả của CHP đến cuối kỳ báo cáo ở mức hơn 1.245 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2023.

Năm 2004, CTCP thủy điện Miền Trung được thành lập trên cơ sở Hợp đồng liên danh giữa 4 đơn vị: Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện Lực Hà Nội (EVNHaNoi) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nay chuyển giao cho Tổng Công ty phát điện 1 (EVNGENCO1) để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện A Lưới.

Doanh nghiệp thủy điện ở miền Trung làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Nhà máy thủy điện A Lưới. Ảnh: TTXVN.

Công trình thuỷ điện A Lưới được khởi công xây dựng vào ngày 30/6/2007 và vận hành phát điện vào ngày 21/5/2012. Công trình này có công suất 170MW, tại Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, với sản lượng điện lượng bình quân 649 triệu kWh/ năm.

Ngoài thủy điện A Lưới, CTCP thủy điện Miền Trung còn là chủ đầu tư của Nhà máy điện mặt trời Cư Jút. Nhà máy có công suất là 50MWac, điện năng sản xuất hàng năm dự kiến: 94,71 triệu kWh. Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất khoảng 62ha tại thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông.

Một ông lớn khác làm thủy điện ở miền Trung là CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), theo BCTC giữa niên độ cho giai đoạn tài chính 6 tháng kết thúc ngày 30/6 năm 2023, với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.549 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 804 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế hơn 738 tỷ đồng, tăng 11,8%.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VSH đạt hơn 9.942 tỷ đồng, tăng 232 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 1.591 tỷ đồng, riêng các khoản thu ngắn hạn ghi nhận 1.327 tỷ đồng.Tài sản dài hạn của công ty hơn 8.352 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thủy điện ở miền Trung làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ điện ở miền Trung đều ghi nhận kết quả kinh doanh giảm. Ảnh: T.V.

Nợ phải trả của VSH đến cuối kỳ báo cáo ở mức 4.894 tỷ đồng, tăng 211 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Trong đó, nợ ngắn hạn của công ty ghi nhận 1.052 tỷ đồng, tăng hơn 485 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2022; nợ dài hạn ở mức 3.842 tỷ đồng, giảm 274 tỷ đồng so với hồi cuối năm (chủ yếu là vay dài hạn chiếm 3.641 tỷ đồng).

Theo giới thiệu, CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tiền thân là Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn trực thuộc Công ty Điện Lực III, được khởi công xây dựng vào ngày 15/9/1991. Nhà máy chính thức đưa vào sản xuất và hoà lưới điện quốc gia vào tháng 12/1994. Với công suất 66MW và sản lượng điện hàng năm theo thiết kế 300 triệu KWh.

Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn là nhà máy thuỷ điện có quy mô lớn đầu tiên ở miền Trung và Tây Nguyên, góp phần giải quyết nhu cầu về điện cho vùng lõm và ổn định chất lượng điện cho hệ thống điện Quốc gia.

Đến nay, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh sở hữu 3 nhà máy thủy điện gồm: Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn, Nhà máy Thuỷ điện Sông Hinh, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum với tổng công suất là 356 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 1,8 tỷ kWh/năm vào lưới điện Quốc gia.

Theo Thành Vân

Nhà Đầu Tư

Trở lên trên