MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị ngân hàng giảm lãi, giảm phí, nới lỏng điều kiện vay vốn

17-03-2020 - 09:46 AM | Doanh nghiệp

Lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3 - 4 - 5/2020, doanh thu xuất khẩu giảm đáng kể là những ảnh hưởng doanh nghiệp thuỷ sản phải chịu trước dịch COVID-19.

Tính tới thời điểm này, đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn 3 tháng và vẫn đang ảnh hưởng lớn tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Thủy sản cũng là một trong các ngành kinh tế bị tác động ngày càng rõ nét hơn như: tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu bị gián đoạn hoặc đình trệ.

Để giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để ứng phó với tình hình. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tham gia tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Ngày 5/3/2020, tại cuộc họp với VASEP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hiệp hội chuẩn bị các đề xuất, kiến nghị cụ thể về nhu cầu tín dụng, lãi suất, đầu tư từ các DN hội viên thủy sản để Bộ sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngay sau cuộc họp này, VASEP đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thủy sản, tất cả các DN đều cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài đang đẩy DN vào tình trạng khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vốn cho sản xuất kinh doanh và điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi

Lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3 - 4 - 5/2020, doanh thu XK cũng đã giảm đáng kể.

Đối với một số thị trường châu Á như: hàng hóa XK đi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bị chậm chễ do thời gian xuất hàng kéo dài. Riêng tại Hàn Quốc, một số khách hàng đã từ chối thực hiện đơn hàng mới, khách hàng cũ cũng giảm lượng nhập do dịch bệnh.

Hiện nay nhiều DN đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng lớn trong khi các ngân hàng lại đưa ra rất nhiều tiêu chí khó thực hiện. Ví dụ như, yêu cầu phải tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, chứng từ giải ngân đảm bảo tính pháp lý và phương án kinh doanh rõ ràng. Ngoài ra, còn có một số quy định khác như: dùng hàng hóa hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp cho khoản dư nợ vay chưa có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng cũng chỉ mở hạn mức tín dụng theo hợp đồng có thời hạn 1 năm và cho vay với lãi suất cao đối với các NHTM và các khoản vay trung - dài hạn: 7%/năm với Ngân hàng thương mại lớn, 10,5%/ năm với Ngân hàng TM nhỏ; lãi suất vay VNĐ từ 6% - 8,5%, lãi suất vay USD từ 4% - 4,5%. Phần lớn các DN đề xuất, mức lãi suất phù hợp VND trong giai đoạn khó khăn nay nên từ 3% - 6,5% và mức lãi suất phù hợp với USD là từ 1,5% – 2,8%.

Ngoài ra, so với các năm trước, hiện nay cũng phát sinh thêm nhiều khoản phí mà DN phải gánh thêm như:  Phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin phí gởi hồ sơ (đặc biệt là phí báo có nước ngoài, trong nước DN)...

DN cũng phải cam kết nguồn ngoại tệ về đúng ngân hàng đã cấp vốn, tương ứng hoặc nhiều hơn số vốn mà Ngân hàng đó đã giải ngân, phải có hợp đồng đầu ra nhiều hơn số tiền đề nghị cấp vốn tại thời điểm đề nghị cấp vốn, thủ tục khác…

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tất cả các DN đều đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi (nhỏ hơn 5%/năm) cho các DN sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 1/2/2020.

Các DN thủy sản cũng đề xuất các Ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay như: chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp; dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để cấp thêm hạn mức tín chấp để DN dễ tiếp cận nguồn vốn; Cho vay dự trữ  hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng; Chấp nhận cho vay chiết khấu các bộ hồ sơ thanh toán quốc tế qua các điều kiện và hình thức thanh toán quốc tế: L/C., D/P., TTr...

Về cơ cấu thời hạn trả nợ

Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: kỳ hạn trả nợ kỳ hạn so với đăng ký lên 3 tháng; các món vay thời hạn từ 60 ngày lên 120 ngày; các món vay thời hạn từ 180 ngày lên 240 ngày; tăng thời hạn trả nợ ngắn hạn thêm 2-3 tháng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lúc khó khăn khi vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng (thời gian cần cho vòng quay vốn).

Gia hạn nợ: Những khoản vay đến hạn do các trường hợp ảnh hưởng này nên được gia hạn; gia hạn nợ khi dòng tiền về không kịp để đáo hạn; gia hạn nợ tới hạn DN trả không kịp thêm 30 ngày;

Không tính lãi phạt: Không tính lãi phạt trong thời gian được gia hạn và có thể trả chậm không tính lãi phạt;

Phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống: Hiện nay, phí chuyển tiền ngoài hệ thống ngân hàng đang rất cao, chuyển tiền tiền trong nước cùng hệ thống thì phí giao dịch tại quầy là như nhau. Các DN đề xuất miễn phí chuyển khoản trong hệ thống, giảm phí chuyển khoản ngoài hệ thống (đề nghị giảm 50%). Do hiện nay hạn chế sử dụng tiền mặt nên DN tăng cường thanh toán bằng hình thức chuyển khoản và miễn phí các khoản tiền nước ngoài vào tài khoản của DN;

Phí dịch vụ thanh toán

Các DN đề xuất miễn phí báo tiền về thuộc TT/TTR (điện chuyển tiền) và giảm phí đối với các phương thức còn lại. Các dịch vụ khác cũng giảm phí để hỗ trợ trong thời gian khó khăn hiện nay; Miễn phí dịch vụ nộp tiền và rút tiền mặt khi giao dịch tại Ngân hàng để giảm chi phí cho doanh nghiệp; giảm phí dịch vụ: kiểm tra, vận chuyển, thanh toán bộ chứng từ xuất khẩu do tình hình SXKD đang khó khăn; bỏ phí báo có; giảm (50%) phí dịch vụ thanh toán...

Bên cạnh việc cần thiết phải giảm các thủ tục, quy trình, điều kiện tiếp cận vốn, giảm lãi vay, miễn, giảm phí, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, các DN cũng đề xuất thêm các chính sách miễn, giảm thuế, các loại phí, lệ phí, gia hạn nộp thuế… cho doanh nghiệp trong năm 2020...

Ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị ngân hàng giảm lãi, giảm phí, nới lỏng điều kiện vay vốn… - Ảnh 1.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên