Doanh nghiệp tìm mua vắc-xin: 'Rụng' dần theo cuộc chơi!
Hàng chục doanh nghiệp “hô hào” tìm được đối tác ở nước ngoài để đàm phán đưa vắc-xin về nước nhưng nhiều tháng nay “bặt vô âm tín”…
Bỏ cuộc giữa chừng
Đầu tháng 6/2021, ông Lê Văn Sơn-Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm trung ương Codupha ở TPHCM cho biết đã đàm phán với một đối tác ở nước ngoài để đưa 20 triệu liều vắc-xin AstraZeneca về Việt Nam. Đó là tin vui cho người dân trong nước khi thời điểm này vắc-xin ngừa COVID-19 đang quý như…vàng. Trước đó, ngày 9/6, Công ty CP Dược phẩm trung ương Codupha được Ngân hàng Viettinbank sẵn sàng bảo lãnh tài chính với hạn mức 192 triệu USD để nhập vắc- xin. 30 ngày sau khi có đầy đủ chứng thư thẩm định tài chính từ ngân hàng, ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩn trung ương Codupha ở TPHCM nói với Tiền Phong “chưa thể đàm phán được với các hãng sản xuất vắc-xin vì họ không làm việc với doanh nghiệp”.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân TPHCM
Tin vui “sống lại” khi ngày 26/7, Codupha nhận được thư “giới thiệu” do đích thân Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký gửi Công ty AstraZeneca và Công ty Hospital Trade. Trong thư ông Dương Anh Đức cho biết Codupha là đối tác hỗ trợ UBND TPHCM trao đổi với các nhà cung ứng đến vắc-xin phòng COVID-19 cho TPHCM. Đồng thời, yêu cầu Codupha chịu trách nhiệm đàm phán ký hợp đồng mua bán và thực hiện hồ sơ đề nghị Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu. Thế nhưng ngày 27/8 thông tin với Tiền Phong, đại diện Codupha cho biết “thương vụ thất bại”.
Còn với hãng dược Pfizer-BioNtech của Mỹ, trước đó Codupha cũng đã đàm phán để đặt mua 2 triệu liều vắc-xin của hãng này và ngân hàng Vietcombank cũng đã xác nhận cung ứng tín dụng 50 triệu USD cho công ty. Tuy nhiên, vẫn không có tín hiệu lạc quan. Đến nay Codupha cho biết đã bỏ cuộc vì không tìm được nguồn.
Không chỉ Codupha, Công ty Đầu tư và phát triển MCP ở quận 3, TPHCM cũng gửi thư đến đích danh ông Jonathan Selib, lãnh đạo cấp cao của Pfizer toàn cầu xin mua 20 triệu liều vắc-xin hãng này. Tuy nhiên, đến nay chưa có phản hồi nào từ Pfizer-BioNTech. Nhiều công ty thậm chí còn chắc như đinh đóng cột rằng vắc-xin COVID-19 sẽ về trong tháng 7 và đầu tháng 8/2021, đồng thời yêu cầu người tiêm “đặt cọc giữ chỗ”. Công ty CP Dược phẩm D.T tại quận 1, TPHCM còn gửi thông báo cho phóng viên rằng cuối tháng 7 vắc-xin Sputnik V sẽ về Việt Nam. Trước đó, công ty gửi báo giá đến các doanh nghiệp sẽ nhập 1 triệu liều vắc- xin Sputnik V của Nga với giá 39 USD/liều. Thế nhưng, đến nay không một liều vắc-xin Sputnik nào được nhập về.
Chỉ có đường “chính ngạch”
Pfizer & BioNTech vừa ký với Bộ Y tế để cung cấp thêm cho Việt Nam 20 triệu liều vắc-xin nữa ngoài số 31 triệu liều đã ký trước đó. Đại diện Pfizer Việt Nam cho biết, số vắc-xin này được Pfizer cam kết giao vào cuối năm nay. Như vậy, trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp nhận 51 triệu liều từ hãng này, trong đó có 31 triệu liều đã ký trước đó.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Pfizer Việt Nam cho biết, việc phân phối vắc-xin sẽ do Bộ Y tế chủ trì và Pfizer cam kết sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ giúp người dân Việt Nam sớm tiếp cận vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng. “Chúng tôi sẽ về từng đợt, đến cuối năm 2021 Pfizer sẽ giao đủ số vắc- xin cho Việt Nam. Hiện tại thông tin có 31 triệu liều đang về và Hải quan TPHCM làm thủ tục để giao vào 30/8 là chưa chính xác”- đại diện Pfizer thông tin.
Trước đó, vào tháng 6/2021, Pfizer & BioNTech đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép cung cấp vắc-xin phòng bệnh COVID-19. Theo đó, Pfizer và BioNTech sẽ cung cấp 31 triệu liều cho Việt Nam, các lô vắc-xin này sẽ lần lượt được đưa về trong quý 3 và quý 4 năm 2021. Lô vắc xin về Việt Nam lần đầu tiên này được phát triển bởi cả BioNTech và Pfizer dựa trên công nghệ mRNA độc quyền của BioNTech. BioNTech là chủ sở hữu giấy phép lưu hành ở Liên minh châu Âu và chủ sở hữu giấy phép sử dụng khẩn cấp hoặc tương đương ở Hoa Kỳ cùng với Pfizer, Canada và các quốc gia khác trước khi dự kiến nộp hồ sơ để được cấp phép lưu hành đầy đủ tại các nước này.
Bên cạnh Pfizer, sáng 27/8, AstraZeneca cho biết đã chuyển thêm hai lô vắc-xin phòng COVID-19 về TPHCM, với tổng số 1.442.300 liều. Đây là lần giao vắc-xin thứ 10 và 11 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 giữa VNVC và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Chờ 5 triệu liều Moderna đến lúc nào?
Ngày 15/6, UBND TPHCM phát hành thư giới thiệu Công ty Sapharco, Tập đoàn VinaCapital đàm phán với Công ty Zuellig Pharma là đại diện nhà sản xuất vắc-xin Moderna để mua 5 triệu liều cho TPHCM. Tuy nhiên, đến nay Công ty Sapharco vẫn đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng mua 5 triệu liều Moderna, các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng cho Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco để thương thảo và ký hợp đồng chính thức. “Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao trước 2 triệu liều vắc-xin dự kiến vào tháng 10/2021”- nguồn tin xác nhận nhưng các đơn vị vẫn chưa khẳng định có được vắc-xin trong tháng 10 hay không.
Tiền Phong