Doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cung cấp sản phẩm ví như “vàng trắng” chốt ngày trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ cao
Với 33 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ phải chi khoảng 70 tỷ đồng thanh toán cổ tức đợt này.
Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã: SKH) thông báo ngày 10/10 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 21,12% (1 cổ phiếu được nhận 2.112 đồng). Ngày thanh toán dự kiến vào 30/10/2024.
Với 33 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sanest Khánh Hòa sẽ phải chi khoảng 70 tỷ đồng thanh toán cổ tức đợt này.
Về cơ cấu, cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% vốn của SKH là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa – đơn vị sở hữu các thương hiệu yến sào Sanest, Sanvinest, nước giải khát Sanna.
Ngoài SKH, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% vốn của CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (mã SKV). SKV là đơn vị sản xuất các sản phẩm yến sào mang thương hiệu Sanvinest, Sanest, trong khi SKH chuyên sản xuất sản phẩm yến sào Sanest.
Trên thị trường, cổ phiếu SKH hiện dừng ở mức 29.900 đồng/cp.
Tiềm năng “tỷ đô” từ yến sào
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa), khởi công xây dựng Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào tại xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trên mặt bằng rộng 50.000 m2 và các công trình kiến trúc quy mô lớn.
Từ xa xưa, yến sào được ví như "vàng trắng" bởi là món ăn cao lương mĩ vị của kho tàng ẩm thực Việt Nam, xếp vào hàng "Bát trân nhất phẩm" chỉ có vua chúa mới được thưởng thức.
Ngày nay, yến sào là mặt hàng có giá trị kinh tế rất lớn trong ngành nông nghiệp. Với sản lượng yến sào Việt Nam hiện đạt khoảng 200 tấn mỗi năm, giá trị thu về chỉ tính riêng việc bán sản phẩm thô đã có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Nếu đẩy mạnh việc chế biến các sản phẩm tinh chế, dẫn xuất có thể đem lại giá trị lớn hơn nhiều. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi yến sào Việt Nam luôn được khách hàng quốc tế đánh giá có chất lượng tốt nhất.
Đáng chú ý, tổ yến và các sản phẩm tổ yến từ Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, việc thị trường Trung Quốc đón nhận là cơ hội rất lớn cho ngành yến sào của Việt Nam. Giá trị cốt lõi là việc truy suất nguồn gốc, đảm bảo uy tín, nâng cao giá trị xuất sang Trung Quốc - một thị trường tiềm năng và am hiểu về yến sào.
Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2020, sản lượng tổ yến của Việt Nam dự kiến đạt 350-400 tấn, giá trị thu về ước tính có thể lên tới hàng tỷ USD.
Nhịp sống thị trường