MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động dù có nhu cầu

Tại các phiên giao dịch việc làm gần đây, thị trường lao động đang có những diễn biến trái chiều. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động cao, nhưng số doanh nghiệp tuyển dụng được lao động không nhiều.

Không dễ tuyển dụng lao động

Anh Nguyễn Văn Bình (Bắc Từ Liêm) đến phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội tìm kiếm việc làm sau 3 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Anh Bình cho biết: "Thời gian qua, tôi thường tìm kiếm việc làm trên mạng, nhưng quá trình trao đổi, tìm hiểu thông tin hạn chế, chưa kể nguy cơ lừa đảo cao. Khi biết Sàn giao dịch việc làm có phiên liên kết các tỉnh thành, tôi đến tìm hiểu và trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng".

Doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động dù có nhu cầu- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Bình và bạn đến tham gia tìm hiểu vị trí việc làm tại Phiên giao dịch việc làm Hà Nội.

Anh Bình học chuyên ngành điện và nộp hồ sơ xin việc tại Công ty Cơ khí quận Long Biên, Hà Nội. Sau vòng phỏng vấn hồ sơ, anh đã được chấp nhận, công ty cho biết còn một vòng phỏng vấn kỹ thuật, nếu vượt qua anh sẽ được tuyển dụng. Nếu trúng tuyển, mức lương khởi điểm thử việc của anh Bình là 8 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền hỗ trợ ăn trưa, phụ cấp xăng xe. Nếu tăng ca, tiền lương của anh có thể cao hơn. Nếu được ký hợp đồng chính thức, mức lương cơ bản của anh có thể đạt 13-15 triệu đồng/tháng. "Về kinh nghiệm, tôi tin có thể đáp ứng được, nhưng về công nghệ mới phải đến trực tiếp thử tay nghề mới biết được mức độ đáp ứng đến đâu...", anh Bình chia sẻ.

Bà Dương Minh Anh, chuyên viên nhân sự tại Hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam, phụ trách dự án siêu thị địa bàn Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đơn vị có nhiều cơ sở kinh doanh, mỗi nơi đều có nhu cầu tuyển dụng. Trong đó, riêng tổng nhu cầu tuyển dụng siêu thị Aeon Xuân Thuỷ sắp khai trương là hơn 400 nhân sự. Tùy từng vị trí sẽ có mức lương cơ bản khác nhau. Lao động phổ thông sẽ nhận 14 tháng lương trong năm,và có cơ hội điều chỉnh lương hàng năm. Mức bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, được đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Từ này đến cuối năm 2024, đơn vị sẽ tổ chức các ngày hội tuyển dụng để thu hút người lao động, với khoảng 400 - 500 nhân sự.

“Bên cạnh thông tin tuyển dụng từ phía sàn việc làm, đơn vị cũng đăng tuyển qua các kênh fanpage của doanh nghiệp, hợp tác tuyển dụng tại các trường cao đẳng, đại học hoặc thông qua chính những nhân viên đang làm việc để họ giới thiệu người quen ứng tuyển”, bà Dương Minh Anh chia sẻ.

Ông Trịnh Ngọc Thọ, Phó Giám đốc kinh doanh Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội, thuộc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel cho biết, công ty hiện đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho 5 vị trí khác nhau, như: Giám đốc kinh doanh, kỹ thuật viên, nhân viên kinh doanh… với mức lương từ 12 - 17 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập khoảng 22 – 25 triệu đồng/tháng. Do yêu cầu mở rộng hoạt động, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ cần tuyển dụng số lượng lớn lao động có trình độ cao thông qua nhiều kênh từ online đến trực tiếp.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc khá lớn. Riêng tháng 6/2024, có 7 doanh nghiệp lĩnh vực may mặc tại Hà Tĩnh đăng ký nhu cầu tuyển dụng hơn 3.600 lao động phổ thông.

Tuy nhiên, dù đã đưa ra mức lương và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động, số lượng lao động đến nộp hồ sơ, đăng ký tuyển dụng hạn chế, dẫn đến tình hình lao động việc làm tại Hà Tĩnh quý II/2024 có chiều hướng giảm so với quý trước. Theo đại diện các doanh nghiệp tham gia các phiên tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm đang gặp khó khăn, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Thiếu nguồn lao động chất lượng cao

Từ góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thị trường lao động trên địa bàn Thủ đô đang khởi sắc. Với việc phục hồi kinh tế xã hội, dự báo trong những cuối năm, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng.

Doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động dù có nhu cầu- Ảnh 2.

Người lao động đến tìm hiểu thông tin việc làm tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội.

Bên cạnh đó, nửa cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tập trung vào ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, các sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí, kích cầu được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho người dân chi tiêu nhiều hơn. Tiêu dùng gia tăng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, nhất là ở các nhóm ngành thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, du lịch, vận tải, lưu trú ăn uống... cần nhu cầu tuyển dụng lao động cao.

Ngoài ra, các công trình trọng điểm luôn được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công... Từ đó, có thể tăng tuyển dụng lao động trong ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đánh giá, nguồn nhân lực trên địa bàn Hà Nội khá dồi dào, nhưng nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang thiếu lao động, đặc biệt ở khối sản xuất. Nguyên nhân một phần do số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường ở thời điểm này chưa nhiều. Dự kiến, quý III, IV/2024, tình trạng thiếu lao động sẽ được cải thiện do nguồn cung tốt hơn.

Ông Nguyễn Tây Nam đánh giá thời gian gần đây, thị trường lao động cũng ghi nhận tình trạng các doanh nghiệp khá chật vật trong việc tìm kiếm lao động. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp không tuyển được là do thiếu lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thay đổi xu hướng tuyển dụng, cần nhiều hơn lao động có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, trong khi lao động này thị trường Việt Nam khá thiếu. Hiện nay cơ hội nghề nghiệp rộng mở, lao động phổ thông có thể chọn bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online, chạy grab... miễn là có thu nhập cao. Vì thế, để doanh nghiệp tuyển dụng được lao động cần có mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn.

Theo Tổng cục Thống kê, hết tháng 6, lực lượng lao động cả nước từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến hết quý II/2024 đạt 28,1%, cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao. Đáng chú ý, số lao động có việc làm phi chính thức chung, bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ lệ cao, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để hạn chế tình trạng trên, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế; đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp.

Theo XM

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên