MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vận tải cần được hỗ trợ mạnh

Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ, bổ sung cho các loại hình vận tải đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), gần như tất cả lĩnh vực vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, trong đó hàng không bị ảnh hưởng lớn nhất và đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo.

Gánh nặng trả nợ

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay đã làm các doanh nghiệp (DN) vận tải thiệt hại nặng nề, lượng khách sụt giảm khiến doanh thu giảm khoảng 60%. Trong năm 2021 này dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi vốn tích lũy của các DN đều đã mang ra để duy trì hoạt động trong suốt một năm qua.

Doanh nghiệp vận tải cần được hỗ trợ mạnh - Ảnh 1.

Hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch Covid-19

"Một trong những vấn đề khiến các DN vận tải lo lắng nhất là áp lực phải trả nợ sau 2 năm liên tiếp điêu đứng vì dịch Covid-19. Đây là lúc họ cần sự tiếp sức của nhà nước hơn lúc nào hết. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các DN vận tải có được bước đệm để tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi" - bà Hiền nói.

Ông Nguyễn Duy Ninh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh (chủ sở hữu nhà xe Ninh Quỳnh), cho rằng năm 2020, dù đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại nhưng DN vẫn còn gắng gượng được nhờ vốn tích lũy. "Nhưng với tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp như hiện nay, chẳng biết năm nay chúng tôi sẽ ra sao. Vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát ở Quảng Ninh, Hải Dương khiến tuyến đi Hải Phòng, Quảng Ninh của chúng tôi đã phải dừng chạy. Tuyến chính là Hà Nội - Lạng Sơn thì gần như đã tê liệt cả năm qua kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện" - ông Ninh than thở.

Cũng theo ông Ninh, một trong những vấn đề khiến các DN vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau 2 năm liên tiếp điêu đứng vì dịch Covid-19. Doanh thu giảm sút thảm hại cộng với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì các DN vận tải sẽ khó lòng trụ vững. Càng chạy sẽ càng lỗ, đừng nói đến có dư ra để trả nợ ngân hàng.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (TP Hải Phòng), cũng cho biết DN này chỉ duy trì 20% số xe nhưng hành khách cũng rất thưa thớt, thậm chí có chuyến chỉ lác đác 2-3 khách. Nếu tình trạng trên vẫn không được cải thiện, DN của ông sẽ buộc phải tính đến việc dừng hoạt động một số tuyến.

Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, việc tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho các DN là cần thiết. Và trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, đơn vị trong ngành và theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ DN trong ngành.

Cụ thể, đối với vận tải hàng không - lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét cho phép tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ/cất cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.

Còn với lĩnh vực vận tải đường bộ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xem xét tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 đến hết ngày 31-12-2021; kéo dài đến hết năm 2021 đối với Thông tư số 74/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các ôtô kinh doanh vận tải hành khách (ôtô chở người, các loại xe buýt vận tải 10 hành khách công cộng) được giảm 30%, ôtô tải kinh doanh vận tải (ôtô tải, ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo) được giảm 10%.

Bên cạnh đó, tiếp tục có thêm những giải pháp để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất - kinh doanh như: giảm thuế GTGT về 0%, giảm 50% thuế thu nhập, giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng…

Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa cũng được đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ.

"Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng những gói hỗ trợ như hoãn nợ, giãn nợ cho DN ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như đã thực hiện trong năm 2020 cần tiếp tục thực hiện trong năm 2021.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên