MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vận tải ‘chóng mặt’ vì giá xăng dầu tăng

Sau 3 tuần được hoạt động trở lại vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ (từ ngày 13/10), mặc dù doanh nghiệp vận tải các địa phương chưa chạy hết công suất, nhưng tình trạng các bến xe “đìu hiu”, xe chạy tuyến thưa thớt khách, thu không đủ bù chi đã và đang khiến các nhà xe “nản lỏng”. Cộng thêm giá xăng dầu vừa tăng “phi mã” lên cao nhất trong 7 năm qua, càng khiến các doanh nghiệp “lao đao”.

Khó chồng khó

Từ ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.430 đồng/l lên 23.110 đồng/l, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít lên 24.330 đồng/l, mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và đạt ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đã khiến doanh nghiệp vận tải thêm rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất, vừa chịu tác động của dịch bệnh, vừa chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu.

Đại diện doanh nghiệp vận tải Hà Sơn – Hải Vân (Lào Cai), doanh nghiệp có hơn 70 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh Hà Nội - Lào Cai chia sẻ, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu từ ngày 26/10 vừa qua đã gây nhiều khó khăn cho nhà xe. Mặc dù hiện nay, các địa phương đã bước đầu kiểm soát được dịch COVID-19 và trở lại trạng thái bình thường mới thích ứng an toàn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với hàng loạt khó khăn về trả lãi vay ngân hàng, trả lương người lao động trong bối cảnh hoạt động cầm chừng.

Doanh nghiệp vận tải ‘chóng mặt’ vì giá xăng dầu tăng - Ảnh 1.

oanh nghiệp vận tải ‘chóng mặt’ vì giá xăng dầu tăng. Ảnh: TTXVN.

D“Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 20% doanh thu vận tải. Với giá xăng dầu hiện tại đã làm tăng thêm khoảng 10% chi phí cho doanh nghiệp. Bình quân trước đây, chi phí xăng dầu của doanh nghiệp khoảng 4 tỷ đồng/tháng, nay tăng thêm khoảng 400 triệu đồng/tháng, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh, khó càng thêm khó, trong khi doanh nghiệp đang hoạt động với 20% tần suất và chưa thể điều chỉnh giá vé…”, đại diện nhà xe Hà Sơn - Hải Vân cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty Taxi Mai Linh miền Bắc, dịch COVID-19 đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc. Nếu giá xăng dầu vẫn giữ nguyên, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Song, điều này sẽ khiến số lượng hành khách sụt giảm mạnh hơn.

Không ít doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng phản ánh, để duy trì hoạt động hiện nay, các doanh nghiệp đều đang phải điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, giảm chi phí, hạn chế tối đa điều chỉnh giá cước vận tải… để giữ hợp đồng với khách hàng từ trước. Ngay cả trong các đợt bùng phát dịch COVID-19, hầu hết doanh nghiệp đều đã “lao đao” trước nhiều chi phí phòng chống dịch, nhưng vẫn phải giữ nguyên giá cước vận tải. Nay giá xăng dầu đầu vào tăng sẽ khiến doanh nghiệp chịu không nổi. Vì chi phí xăng dầu chiếm tới 40% giá thành vận tải, xe hàng hóa chạy đường càng dài, quay vòng nhiều lần, càng đội thêm chi phí phát sinh…

Gỡ khó cách nào

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, trước thực tế này, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí, nhằm hạn chế tăng giá vé, cước vận tải; đồng thời, cân đối thu chi để xây dựng giá vé, cước phù hợp với chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải vốn đang “bết bát”.

Vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, việc điều chỉnh giảm thu loại thuế này trong bối cảnh hiện nay sẽ không gây xáo trộn nhiều các tác động dây chuyền đến các lĩnh vực liên quan.

Bên cạnh đó, có thể giảm thuế phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp. Song, vấn đề này không dễ vì có thể tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực. Đơn cử, nếu giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ, phí BOT… sẽ liên quan đến lợi ích kinh tế của nhà đầu tư.

Còn theo ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần huy động nguồn ngân sách hay nguồn thu từ quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát giá nhiên liệu trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.


Theo Vân Sơn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên