MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vận tải hành khách TP.HCM khó khăn chồng chất vì xăng dầu tăng giá

10-03-2022 - 16:16 PM | Doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải hành khách đang phải loay hoay tìm phương án để duy trì hoạt động. Ảnh minh hoạ: Lý Tuấn - Nhà đầu tư

Trước ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải hành khách đang phải loay hoay tìm phương án để duy trì hoạt động. Ảnh minh hoạ: Lý Tuấn - Nhà đầu tư

Chưa kịp phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, việc giá xăng dầu tăng nhanh đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP.HCM phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp phải loay hoay tìm phương án để duy trì hoạt động.

Chia sẻ với phóng viên Nhadautu.vn , ông Phan Văn Thất, Giám đốc Công ty xe khách Tân Quang Dũng (hoạt động tại Bến xe An Sương, TP.HCM) cho biết, việc xăng dầu liên tục tăng giá thời gian qua đã khiến cho doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc cân đối thu chi và cân nhắc các phương án phù hợp để duy trì hoạt động. Trong đó, phương án duy nhất hiện tại công ty đưa ra là tăng giá cước ở mức thấp nhất để có thể giữ chân khách hàng.

"Để duy trì hoạt động bắt buộc chúng tôi phải tăng giá cước để bù cho giá xăng dầu đang tăng như hiện nay. Tuy nhiên, việc tăng giá này đã khiến lượng khách sụt giảm đáng kể, doanh thu của công ty cũng theo đó bị ảnh hưởng. Hiện, chúng tôi đang đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng, cũng như cạnh tranh trên thị trường. Hy vọng trong thời gian tới, nhà nước sẽ có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn", ông Thất bày tỏ.

Tương tự, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cũng cho biết, với tình hình giá xăng dầu tăng phi mã như hiện tại, các doanh nghiệp taxi chỉ có hai phương án một là tăng giá cước, hai là chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, dù chọn bất kỳ phương án nào thì ít nhiều doanh nghiệp cũng bị thiệt hại.

"Nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho tài xế, nhưng nếu hỗ trợ tiền xăng doanh nghiệp phải chịu lỗ và cũng không biết lấy tiền đâu ra để hỗ trợ, bởi, doanh nghiệp cũng vừa chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, bây giờ khó khăn lại càng thêm chồng chất", ông Hỷ chia sẻ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vinasun cũng cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp taxi đang tính đến phương án tăng giá cước, nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, bởi lo ngại nếu tăng giá cao sẽ mất khách. Hiện, các doanh nghiệp vẫn đang xem xét, trông chờ giá xăng dầu diễn biến thế nào trước khi có quyết định chính thức.

"Xăng dầu đối với các phương tiện vận tải là máu huyết vì thế nếu muốn hoạt động thì cần phải có xăng dầu. Hiện nay, trong cơ cấu giá thành nhiên liệu chiếm từ 25-30%, do đó, nếu xăng dầu vẫn tiếp tục tăng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn. Nếu xăng dầu tăng thì giá cước tăng, kéo theo các loại hàng hóa khác cũng tăng theo. Hệ lụy là người dân chịu hết", ông Hỷ nói.

Trong khi đó, hôm nay (ngày 10/3), Grab Việt Nam cũng đã tiến hành điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.

Theo Grab Việt Nam, với dịch vụ gọi xe ô tô GrabCar, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại TP.HCM và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.

Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ tại TP.HCM được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo; tại Hà Nội là 34.300 đồng cho 2 km đầu tiên và cho 2 km đầu tiên và 11.800 đồng mỗi km tiếp theo.

Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2 km đầu tiên, dao động từ 430-590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.

Ở các tỉnh thành khác, dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc, phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ Grabcar 4 chỗ.

Grap Việt Nam cho biết, giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác, đồng thời có thể bị điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.

Về vấn đề này, thông tin với báo giới, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Đồng thời, việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.

Trong khi đó đánh giá chung về tình hình hiện nay, TS. Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp vận tải kể cả vận tải hàng hoá lẫn vận tải hành khách, không chỉ ở TP.HCM mà trên cả nước đều đang chịu tác động tiêu cực bởi giá nhiên liệu tăng. Do đó, để đảm bảo duy trì hoạt động các doanh nghiệp này buộc phải tăng giá cước, tuy nhiên việc tăng giá đột ngột và không phù hợp với mặt bằng chung của thị trường sẽ khiến cho doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn như sụt giảm hành khách, hàng hoá vận chuyển, cũng như mất nhiều thời gian để thương lượng với đối tác,...

"Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải nói chung, đòi hỏi Nhà nước cần vào cuộc, sớm áp dụng các biện pháp như giảm thuế, phí với mức giảm trên 50%, thậm chí mạnh hơn để hạn chế giá nhiên liệu tăng vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Còn đối với các doanh nghiệp vận tải trước mắt cần tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ điều chỉnh cước vận chuyển theo mức độ tăng của giá xăng dầu. Dù lỗ nhưng doanh nghiệp cũng cần phải chấp nhận hoạt động để giữ khách hàng, đơn hàng, cũng như có kinh phí để trang trải các khoản vay ngân hàng, chi phí lương cho nhân viên", TS. Lê Bá Chí Nhân nói.

Có thế thấy, trong kỳ điều hành giá mới đây vào ngày 1/3 của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 giá 26.070 đồng, xăng RON 95 là 26.830 đồng, dầu diesel là 21.310 đồng một lít.

Ở thời điểm hiện tại giá xăng dầu tiếp tục tăng nhẹ, cụ thể tại ngày 10/3, giá xăng E5RON92 có giá 26.077 đồng/lít, xăng RON 95 không cao hơn 26.834 đồng/lít, dầu diesel là 21.310 đồng/lít.

Đáng chú ý, ngày 11/3 tới đây là kỳ điều hành giá xăng dầu của chu kỳ mới, Bộ Công Thương cho hay, mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng từ 27 - 44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022.

Theo Lý Tuấn

Nhà đầu tư

Trở lên trên