Doanh nghiệp Việt trước bài toán chiến lược đón sóng FDI
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, thông tin về việc hàng loạt các "ông lớn" công nghệ quốc tế bắt đầu triển khai dự án tại Việt Nam đã có tác động sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để tự tin đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới này? Câu trả lời ít nhiều sẽ được ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse gợi ý thông qua những chia sẻ dưới đây.
Ông đánh giá như thế nào về làn sóng dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp quốc tế đang hướng đến Việt Nam trong thời gian qua?
Nhu cầu dịch chuyển nhà máy sản xuất của nhiều doanh nghiệp quốc tế không phải chỉ đến khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới xuất hiện. Từ thời gian trước đó Trung Quốc đã được ví như "công xưởng của thế giới" khi chiếm 80% chuỗi cung ứng quốc tế. Việc quá phụ thuộc vào một thị trường gia công truyền thống khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, huống hồ nếu họ bị áp mức thuế cao bởi chiến tranh thương mại thì lợi thế giá rẻ sẽ không còn. Điều này càng thúc đẩy họ phải tìm đến một "bến đỗ" mới an toàn hơn. Trong số các thị trường được các doanh nghiệp này hướng tới có Việt Nam, tuy nhiên cần phải nhìn nhận thực tế là Việt Nam cũng không phải là sự lựa chọn duy nhất của họ bởi bên cạnh chúng ta còn có Indonesia, Malaysia, Myanmar… cũng đều tham gia vào công cuộc rải thảm đỏ cho doanh nghiệp đầu tư.
Thậm chí tôi cho rằng với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì việc dịch chuyển nhà máy của doanh nghiệp không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Bởi vậy, điều Việt Nam có thể đón nhận được ngay trong thời gian này là việc dịch chuyển đơn hàng sản xuất, điều này sẽ dễ dàng hơn với chúng ta rất nhiều.
Theo ông, trước làn sóng "di cư" của nhiều doanh nghiệp quốc tế thì thách thức nào đang đặt cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất như Sunhouse?
Bên cạnh quá trình chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân công… thì việc doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị cho tương lai để làm chủ về công nghệ, làm chủ dây chuyền sản xuất là điều cần thiết. Bởi nếu không làm được điều đó thì Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế, là bến đỗ tạm thời mà thôi. Tại Sunhouse, chúng tôi hiểu rằng muốn quản trị được chất lượng sản phẩm thì Sunhouse phải sản xuất được linh kiện chính trong sản phẩm và sở hữu thành công công nghệ gốc tạo ra sản phẩm. Đó là lý do khiến tôi quyết định đầu tư vào 3 nhà máy sản xuất vi mạch, nhà máy ép khuôn nhựa và nhà máy lắp ráp.
Trước đây ông đã từng nhắc đến nhiều lần về việc Việt Nam đang trở thành bến đỗ mới cho doanh nghiệp quốc tế và Sunhouse đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng để tham gia vào cuộc cạnh tranh trong tương lai. Cụ thể Sunhouse đã chuẩn bị được những gì?
Tự phát triển năng lực bản thân là mục tiêu tôi đang đặt ra cho Sunhouse. Việc chuẩn bị năng lực để thích ứng với điều kiện kinh doanh mới sẽ bao gồm các hạng mục cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân sự chuyên môn cao. Bắt đầu với việc bắt tay cùng các chuyên gia đầu ngành đến từ Hàn Quốc, Sunhouse đã đầu tư vào các nhà máy sẽ là bước khởi đầu để Sunhouse tiến gần hơn đến tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, tự tin tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó nhà máy vi mạch với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD được xây dựng và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG… Hiện nay, nhà máy này đã hợp tác thành công với các công ty lớn chuyên cung cấp sản phẩm mạch điện tử cho nhà máy Samsung Việt Nam trong việc gia công bản mạch điện tử.
Hay như nhà máy sản xuất bóng đèn được chúng tôi trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị từ các phòng lab uy tín nhất thế giới để kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Hiện tại các loại bóng Panel, LED UFO của chúng tôi đều phục vụ xuất khẩu cho thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là những thành tựu bước đầu giúp chúng tôi gia tăng sức mạnh nội lực trong cuộc cạnh tranh trên thương trường cũng như thu hút nhà đầu tư.
Bài toán đường dài nào đang được ban lãnh đạo đặt ra cho Sunhouse trong vòng 5 năm tới, thưa ông?
Việc kiện toàn bộ máy sản xuất về mạch, nhựa, cơ khí, khuôn sẽ giúp Sunhouse kiện toàn được năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để nâng tầm thương hiệu theo hướng bền vững. Bên cạnh quá trình đầu tư vào công nghệ, con người, việc tập trung vào chiến lược kinh doanh chất lượng sẽ giúp chúng tôi cung cấp ra thị trường những dòng sản phẩm chất lượng tốt hơn đến tay người tiêu dùng. Điều này sẽ không chỉ dừng lại ở việc nâng cao vị thế của Sunhouse tại thị trường nội địa mà xa hơn nữa là quá trình mở rộng thị trường quốc tế vốn có tiêu chí khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Được thành lập từ năm 2000, Công ty cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE là thương hiệu trong lĩnh vực Gia dụng nhà bếp, đồng thời đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng khác như máy lọc nước, điện tử điện lạnh, thiết bị chiếu sáng... SUNHOUSE luôn nỗ lực không ngừng để phát triển doanh nghiệp, chuẩn bị năng lực thích nghi với các điều kiện kinh doanh mới, đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn và thân thiện với môi trường.