MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xi măng tăng giá bán, kỳ vọng tiêu thụ phục hồi quý cuối năm

04-11-2021 - 15:23 PM | Doanh nghiệp

Tăng giá nguyên vật liệu đầu vào như than, dầu... khiến nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh giá bán. Tiêu thụ nội địa quý cuối năm kỳ vọng hồi phục mạnh, ngành xi măng có thể vượt mốc 100 triệu tấn năm nay. Quý III vừa qua, lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh khiến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xi măng kém sắc.

Điều chỉnh tăng giá xi măng và kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ trong quý IV

Một số doanh nghiệp điều chỉnh giá có thể kể đến như Xi măng Hà Tiên 1 ( HoSE: HT1 ), đơn vị vừa thông báo tăng 80.000 đồng/tấn xi măng Vicem Hà Tiên, tương đương mức tăng 5%, cho chủng loại bao 50 kg trên tất cả tỉnh, thành cả nước kể từ 1/11. Công ty cho biết giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt là nguồn cung than đá khan hiếm, giá than tăng. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao. Mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm trong sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí.

Xi măng Bỉm Sơn ( HNX: BCC ) tăng khoảng 6% giá bán xi măng bao và rời, tương ứng thêm 80.000 đồng/tấn từ ngày 20/10 với lý do tương tự là không bù đắp được tốc độ gia tăng của nguyên vật liệu đầu vào.

Xi măng Vicem Hoàng Mai ( HNX: HOM ) cũng tăng 50.000 đồng/tấn giá bán đối với tất cả chủng loại xi măng, thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 25/10. Giá bán trước đó khoảng 1,25 triệu đồng/tấn. Nhiều đơn vị khác cũng thay đổi giá bán, mức điều chỉnh tùy vào từng loại và thương hiệu sản phẩm. Trong đó, mức tăng thấp nhất là 50.000 đồng/tấn và cao nhất là 100.000 đồng/tấn sản phẩm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng nội địa quý cuối năm sẽ hồi phục mạnh sau 3 tháng sụt giảm sâu vừa qua. Với đà phục hồi chung của nền kinh tế và các hoạt động đầu tư xây dựng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, kế hoạch tiêu thụ từ 104 đến 107 triệu tấn xi măng trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Năm ngoái, tiệu thụ nội địa và xuất khẩu lần lượt đạt 62,12 triệu tấn và 38,02 triệu tấn.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) dự báo tiêu thụ xi măng trong nước sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh từng bước được khống chế, hoạt động xây dựng phục hồi và các công trường xây dựng được hoạt động trở lại. Xuất khẩu cũng thuận lợi do Trung Quốc gia tăng nhập khẩu nhiều loại vật liệu, trong đó có xi măng, clinker, sắt thép, tạo thêm đầu ra trong những tháng cuối năm cho ngành sản xuất này.

Doanh nghiệp xi măng tăng giá bán, kỳ vọng tiêu thụ phục hồi quý cuối năm - Ảnh 1.

Xuất khẩu clinker và xi măng sang Trung Quốc theo tháng. Ảnh: VNDirect

Báo cáo của Chứng khoán VNDirect cho biết sản lượng và giá bán xi măng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 8 và 9 tăng trưởng mạnh so với giai đoạn từ tháng 5 đến 7 trước đó, cùng thời điểm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Trung Quốc bị yêu cầu cắt giảm công suất do thiếu điện.

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn cung xi măng tạm thời từ quốc gia láng giềng, VNDirect cho rằng đây sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, tối thiểu đến hết quý IV.

Tiêu thụ giảm, nhóm xi măng kinh doanh ảm đạm trong quý III

Trái với kỳ vọng hồi phục trong quý cuối năm, nhóm doanh nghiệp xi măng vừa trải qua quý III ảm đảm khi tiêu thụ tại thị trường nội địa đã giảm sâu trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và các công trình, dự án lớn bị đóng băng.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thông tin tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước ở mức 11,77 triệu tấn, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Vicem tiêu thụ 3,96 triệu tấn, giảm 20,8% so với cùng kỳ và bằng 71,5% kế hoạch. Lũy kế 9 tháng, lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa đi ngang so với cùng kỳ, ở mức 45,58 triệu tấn. Lượng xi măng xuất khẩu đạt khoảng 31,89 triệu tấn, tăng 19%; riêng VICEM đã xuất khẩu khoảng 14,45 triệu tấn.

Tiêu thụ và giá giảm sâu khiến kết quả sản xuất kinh doanh quý III của hầu hết các doanh nghiệp ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề.

Doanh nghiệp xi măng tăng giá bán, kỳ vọng tiêu thụ phục hồi quý cuối năm - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng

Doanh nghiệp xi măng lớn phía Nam là Xi măng Hà Tiên 1 ( HoSE: HT1 ) chịu tổn thất nặng nề nhất ở đợt dịch này. Tiêu thụ xi măng giảm 55% so với quý III năm ngoái, nên doanh thu thuần giảm 48% còn gần 1.039 tỷ đồng. Lỗ sau thuế gần 20 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi 148 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp kể từ năm 2013.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 12% còn 5.040 tỷ đồng; lãi trước thuế giảm 64% xuống 376 tỷ đồng. Lãi sau thuế theo đó giảm 69% về gần 317 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty hoàn thành 62% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo BCTC quý III, doanh thu Xi măng Bỉm Sơn ( HNX: BCC ) giảm 16% về 878 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 11% xuống 8%. Lỗ sau thuế hơn 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 21 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu ở mức 3.126 tỷ đồng, giảm 2%; lợi nhuận sau thuế tăng 10% lên 89 tỷ đồng.

Xi măng Vicem Bút Sơn ( HNX: BTS ) cũng không ngoại lệ khi ghi nhận doanh thu quý III giảm 15% về còn 657 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 39% xuống 50 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm ít khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 11 tỷ đồng.

Nhờ khoản lợi nhuận khác 3,6 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế còn âm 7,6 tỷ, cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 12 tỷ đồng. Đơn vị cho biết việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam (địa bàn tiêu thụ cốt lõi, chiếm hơn 50$ sản lượng tiêu thụ) đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của công ty. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ tại các địa bàn lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh…cũng giảm do khó khăn trong vận chuyển xi măng, ảnh hưởng bởi việc kiểm soát phương tiện vận tải.

Lũy kế 9 tháng, Vicem Bút Sơn ghi nhận doanh thu 2.126 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm từ 48 tỷ xuống 25 tỷ đồng. Công ty hoàn thành 66% mục tiêu về doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Doanh nghiệp xi măng tăng giá bán, kỳ vọng tiêu thụ phục hồi quý cuối năm - Ảnh 3.

Đơn vị: tỷ đồng


Với Xi măng Vicem Hoàng Mai ( HNX: HOM ), doanh thu tăng 8% đạt gần 472 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương đương cùng kỳ khoảng 500 triệu đồng. Sau 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 7% và giảm 15%, ở mức 1.352 tỷ và hơn 1 tỷ đồng.

Tương tự Vicem Hải Vân ( HoSE: HVX ) cũng ghi nhận kết quả kém khả quan với khoản lỗ 1,2 tỷ đồng trong quý III. Theo đó, lợi nhuận 9 tháng còn 404 triệu đồng, giảm 90% so với cùng kỳ.

Xi măng La Hiên ( HNX: CLH ) là trường hợp cá biệt khi báo lãi tăng trưởng trong quý III. Cụ thể, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế hơn 11 tỷ đồng, tăng 28% nhờ tiết giảm chi phí. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 2% lên 506 tỷ đồng; lãi trước thuế tăng 24% đạt gần 41 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty thực hiện 81% kế hoạch doanh thu và vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nửa tháng qua, nhiều cổ phiếu nhóm xi măng đã có những nhịp điều chỉnh sau đợt tăng giá mạnh mẽ từ tháng 9. Trong đó, cổ phiếu HT1giảm giá từ vùng đỉnh 25.600 đồng/cp xuống 22.750 đồng/cp, giảm 11%. Hay mã BCC của Xi măng Bỉm Sơn giảm từ 26.500 đồng/cp về 23.400 đồng/cp, tương đương mức giảm 12%. Thị giá cổ phiếu của Xi măng Vicem Bút Sơn vẫn duy trì ở vùng đỉnh quanh 12.700 đồng/cp. Trong khi đó, HOM của Xi măng Vicem Hoàng Mai đang tạo đỉnh tại mức giá 10.300 đồng/cp, gấp 3 lần đầu năm.

Doanh nghiệp xi măng tăng giá bán, kỳ vọng tiêu thụ phục hồi quý cuối năm - Ảnh 4.

Ảnh: Tradingview


Theo Thảo Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên