MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lo “đói” nguyên liệu

13-08-2022 - 07:41 AM | Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gây ấn tượng khi ghi nhận mức lãi “khủng” nhờ hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá cá mạnh, song còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa trong nửa cuối năm.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7. Cụ thể, Vĩnh Hoàn đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 13% so với tháng 6/2022.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lo “đói” nguyên liệu - Ảnh 1.

Lạm phát và chiến sự Nga-Ukraine cũng là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam.

Nhìn chung, doanh thu các mặt hàng trong tháng 7 của công ty này đều tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu về cá tra đạt 798 tỷ đồng, tăng 44% và chiếm 66% tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong tháng. Đứng thứ hai là sản phẩm phụ, đạt 211 triệu USD, tăng 69%; sản phẩm chăm sóc sức khỏe đạt 73 triệu USD, tăng 22%...

Tính chung 7 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn thu về 8.646 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ cá tra đạt 5.753 tỷ đồng.

Có thể thấy thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Vĩnh Hoàn gây ấn tượng mạnh khi hầu hết đều có kết quả kinh doanh vượt trội, ghi nhận mức lãi “khủng” nhờ hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá cá mạnh. Trong đó, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp dẫn đầu trong số 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn khác là Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh mẽ từ mảng cá tra trong quý 2/2022. Trong kỳ, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Nam Việt ghi nhận mức lãi ròng gần 241 tỷ đồng, cao hơn 10 lần cùng kỳ. Đây cũng là một trong những mức lãi ròng cao nhất mà công ty này ghi nhận được trong kỳ báo cáo.

Tính chung nửa đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; trong đó, chủ yếu là sự tăng trưởng từ các mảng liên quan đến cá tra. Lợi nhuận sau thuế đạt 447 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ. Với kết quả này, Nam Việt đã đạt 51% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI (IDI) - một doanh nghiệp cá tra niêm yết nữa cũng ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng mạnh mẽ trong kỳ.

Cụ thể, trong quý 2/2022, doanh thu thuần của IDI đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 378 tỷ đồng, tăng 247% (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của công ty theo đó là 203 tỷ đồng, tăng hơn 18 lần cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của I.D.I đạt 2.727 tỷ đồng, tăng 45,6%. Lãi sau thuế của công ty là 390 tỷ đồng, tăng 18,5 lần so với cùng kỳ.

Nhiều công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao trong nửa đầu năm nay. Chẳng hạn như Công ty Thủy sản Biển Đông tăng 41%; Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%; Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%; Công ty Cổ phần Thủy sản NTFS tăng 87%...

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), điểm nổi bật với xuất khẩu cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 là sự tăng trưởng mạnh của thị trường Trung Quốc. Thị trường này tiêu thụ lượng cá tra nhiều nhất, chiếm 30% thị phần với gần 428 triệu USD, tăng gần 79% so với cùng kỳ. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất sang thị trường Trung Quốc là 2,45 USD/kg, tăng 37% so với mức 1,79 USD/kg cùng kỳ 2021.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng đột phá so với cùng kỳ như: Thái Lan tăng 90%, chiếm 4,4% thị phần; Mexico tăng 81% chiếm 3,7% thị phần; Hà Lan tăng 74%, Canada tăng 109%... Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng từ 28 - 66%.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lo “đói” nguyên liệu - Ảnh 2.

Tăng trưởng xuất khẩu cá tra sẽ giảm tốc trong quý 3/2022, đà tăng trưởng của các doanh nghiệp cá tra theo đó có thể gặp trở ngại.

Thị trường Mỹ chiếm 25%, đứng thứ 2 với 356 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với nửa đầu 2021. Giá cá tra phile xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trung bình 4,66 USD/kg, tăng 60% so với 2,93 USD/kg cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2022, giá cá tra đông lạnh xuất vào thị trường Mỹ cũng tăng lên mức 4,6 - 4,89 USD/kg.

Bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ và đang phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định nhu cầu cũng được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam. Ngoài ra, biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và chiến sự Nga-Ukraine cũng là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam, khi được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng bật trở lại sau thời gian dài đè nén bởi dịch COVID-19, giá các sản phẩm thủy sản cũng tăng theo xu hướng lạm phát giá trên thị trường thế giới.

Lạm phát và căng thẳng giữa Nga-Ukraine cũng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sau khi áp lệnh trừng phạt với Nga, quốc gia có nguồn cung cá thịt trắng hàng đầu, các nước như châu Âu, Mỹ, Anh rơi vào tình trạng thiếu cá thịt trắng và phải tìm kiếm thêm các nguồn cung khác. Đó là lý do giúp xuất khẩu cá tra tăng 83% trong 6 tháng đầu năm....

Kết quả này là tín hiệu vui cho ngành, song vẫn còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu ở mức cao vào thời điểm này. Theo VASEP, cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu cá tra sẽ giảm tốc trong quý 3/2022. Đà tăng trưởng của các doanh nghiệp cá tra theo đó có thể gặp trở ngại.

Trong đó, doanh nghiệp sẽ phải trả lời câu hỏi liệu có đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm. Thiếu nguyên liệu vẫn đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành cá tra cho rằng, có lẽ thiếu hụt nguồn cung tốt hơn rất nhiều so với việc dư thừa.

Đây có thể là khó khăn trong ngắn hạn của doanh nghiệp nhưng cũng là lý do thôi thúc mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuỗi giá trị của mình một cách bền vững.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cũng cho biết, dù giá xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn không được hưởng lợi. Nguyên nhân do chi phí chăn nuôi tăng cao trong 2 năm qua, hiện ở mức bình quân 25.000 - 27.000 đồng/kg cá nguyên liệu. Giá thành sản xuất cá nguyên liệu đang rất cao khiến nhiều người chăn nuôi đành treo ao. Trong khi đó, nửa đầu năm nay giá cước vận tải biển rất cao.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên