Doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng
Sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel khiến tình hình ở khu vực Trung Đông thêm căng thẳng, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam đang hồi hộp theo dõi diễn biến xung đột cũng như những tác động sau đó nhằm tìm giải pháp ứng phó.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết hiệp hội lẫn các DN dệt may đang theo dõi sát những diễn biến ở khu vực Trung Đông. Hiện vẫn chưa có tín hiệu hay thông báo gì bất thường từ các khách hàng, đối tác làm ăn ở khu vực này.
"Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Trung Đông rất nhỏ nên nếu khu vực này có biến động, DN cũng bị ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu xung đột vũ trang Iran và Israel nổ ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường đi của hàng hóa sang châu Âu, dẫn đến thời gian vận chuyển, giao nhận có thể kéo dài hơn so với bình thường, chi phí cũng sẽ bị đội lên" - ông Giang phân tích.
Để chủ động ứng phó với tình hình, ngành dệt may sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là đa dạng hóa thị trường, khách hàng và các mặt hàng xuất khẩu. "Nếu khách hàng Trung Đông giãn thời gian nhập hàng hoặc chậm thanh toán, chúng tôi sẽ chuyển hướng sang thị trường khác. Riêng thị trường châu Âu vẫn tiềm ẩn thách thức. DN, hiệp hội một mặt theo sát diễn biến thế giới, mặt khác trao đổi thông tin thường xuyên với các đối tác châu Âu để kịp thời nắm bắt thông tin và chủ động ứng phó" - ông Giang nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - cũng cho biết công ty xuất khẩu hàng sang thị trường Trung Đông không nhiều nhưng từ đầu năm đến nay đơn hàng vẫn giảm do khách hàng lo ngại tình hình bất ổn. "Chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ với các khách hàng ở thị trường này để chờ hồi phục" - ông Thứ nói.
Theo ông Thứ, xung đột tại Trung Đông có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu. Bởi lẽ, giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất sẽ tăng, cước vận chuyển cũng sẽ tăng và người tiêu dùng trên thế giới có thể thắt chặt chi tiêu trở lại do lo ngại bất ổn.
Ngay cả tình huống tốt nhất là các bên kiềm chế, xung đột không leo thang nữa thì kinh tế thế giới cũng hồi phục chậm, sức mua trên thế giới giảm. Rất có thể trong vài tháng tới, giá cả nhiều mặt hàng đầu vào sản xuất sẽ tăng, gây khó khăn cho các DN.
Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất New GBI, cho biết thời gian gần đây, nhiều DN đã mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Đông, đặc biệt là thị trường Dubai rất tiềm năng với nhiều công trình xây dựng cao cấp. Tuy nhiên, xung đột khu vực đang căng thẳng khiến các DN lo lắng về an toàn của hàng hóa trong quá trình vận chuyển bằng đường biển, cũng như cước vận tải có thể nóng trở lại.
Theo ông Lành, khi khu vực này trở nên căng thẳng, các DN gỗ phải lựa chọn hãng tàu "thân thiện" với các nước Trung Đông để hàng hóa vận chuyển được thông suốt, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu cước phí tàu biển tăng trở lại, DN buộc phải chịu, tìm cách hạ giá thành sản phẩm hoặc chuyển hướng sang các thị trường khác an toàn hơn.
Người lao động