MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xuất khẩu quay về chinh phục “sân nhà”

Trong bối cảnh sức mua tại các thị trường đối tác chưa phục hồi, đơn đặt hàng giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm cách đẩy mạnh cung ứng cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, con đường chinh phục "sân nhà" cũng có nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược bán hàng cũng như lựa chọn kênh phân phối, quảng bá sản phẩm.

Sau khi xuất khẩu thành công các sản phẩm cà phê nông sản của mình đến hơn 10 thị trường trên thế giới, công ty Meet More Coffee đã quyết định đẩy mạnh hoạt động tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, vì thương hiệu còn khá mới với người tiêu dùng trong nước, chi phí quảng bá và tiếp thị sản phẩm là một vấn đề không nhỏ.

"Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi đang tập trung vào e-commerce - sàn thương mại điện tử", ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, cho biết.

Doanh nghiệp xuất khẩu quay về chinh phục “sân nhà” - Ảnh 1.

Thị trường nội địa vẫn đang là "điểm tựa" cho nhiều doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Với ngành hàng thủy sản, nhờ sự thay đổi thói quen tiêu dùng những năm gần đây của người dân, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn sản phẩm đông lạnh vốn trước đây chỉ dành cho xuất khẩu để cung ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên thách thức chính không phải từ chất lượng hay mẫu mã sản phẩm, mà lại đến từ khâu phân phối.

"Doanh nghiệp phải bố trí nguồn lực để phân phối đến tận mạng lưới những siêu thị nằm trên nhiều tỉnh, thành, mà đối với doanh nghiệp không đủ nguồn lực hoặc có mạng lưới thì không thể làm đầy đủ được", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay.

"Mục tiêu đến năm 2030, thương mại hiện đại sẽ chiếm từ 38% - 42%. Đây chính là lợi thế để các doanh nghiệp xuất khẩu vốn có tiềm năng lớn về vốn, về công nghệ, kiến thức marketing và chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ quan tâm, kết nối với thị trường trong nước", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nhận định.

Thị trường nội địa vẫn đang là "điểm tựa" cho nhiều doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, để tận dụng tốt hơn tiềm năng này, các doanh nghiệp cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng trong nước, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch marketing đa nền tảng.

Theo Linh Chi

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên