MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 lý do cốt tử khiến khởi nghiệp tại Việt Nam dễ thất bại

21-09-2015 - 15:10 PM | Doanh nghiệp

Founder nhiều 'ảo tưởng' và thị trường vốn hạn hẹp là những điểm yếu chết người với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Quốc gia 90 triệu dân, gần 40 triệu người dùng Internet, một thị trường rộng lớn với nhu cầu cao,… Đây là một trong những lý do chúng ta thường nghe nói tới khi câu hỏi “tại sao startup có thể bùng nổ tại Việt Nam” được đặt ra.

Những lý luận trên hoàn toàn đúng. Thị trường Việt Nam quả là những tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, nó có đủ để các startup tại Việt Nam tồn tại và lớn mạnh? Câu trả lời có thể không khả quan như vậy.

Theo ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập của Seedcom, một công ty đầu tư khá nhiều vào các startup tại Việt Nam, có hai bài toán lớn cho các startup mà tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa có lời giải. Đó là người sáng lập thiếu kinh nghiệm và khả năng tiếp cận vốn rất hạn chế.

Khi trào lưu khởi nghiệp nở rộ, người ta nhận thấy những người sáng lập (founder) tại Việt Nam rất thiếu kỹ năng. Họ đa phần chưa có góc nhìn về kinh doanh, nên chưa có cái nhìn thấy đáo.

“Thông thường, các founder biết về lập trình thì không có khả năng bán hàng, không biết về marketing. Ngược lại, những người biết làm marketing lại chẳng biết gì về lập trình”, ông Huân cho biết.

Trong khi đó, ở những quốc gia mà startup phát triển mạnh mẽ, như Mỹ chẳng hạn, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Môi trường ở các công ty này giúp họ hiểu một công ty vận hành như thế nào. Sau quá trình trải nghiệm thực tế tại công ty đó, những founder Mỹ cũng đã có khá nhiều kỹ năng.

Trái lại ở Việt Nam, cơ hội va chạm nhìn thực tế sản phẩm, triển khai sản phẩm không có nhiều. Vì vậy không lạ nếu các founder Việt Nam mang trong mình suy nghĩ có phần “ảo tưởng”.

Vấn đề thứ hai, cũng rất dễ thấy, đó là vấn đề vốn. Ở thung lũng Silicon, nơi đã có rất nhiều Startup thành công và quay trở lại hỗ trợ ngược những startup mới bắt đầu, không khó để tìm kiếm những nhà đầu tư thiên thần. Đó là những nhà đầu tư hiểu khách hàng, hiểu thị trường, hiểu vấn đề của startup, chịu lắng nghe startup và biết đâu là vấn đề thực tế. Ở Việt Nam thì rất khó để tìm kiếm những nhà đầu tư như vậy.

Thị trường Việt Nam từ trước đến nay phát triển chủ yếu là thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường tài nguyên. Những doanh nhân thành công ở thế hệ trước này có cái nhìn rất khác. Họ không nắm rõ về khởi nghiệp, họ không thể đầu tư vào một doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở “tiềm năng, ý tưởng” mà lại được định giá trên trời.

“Trong khi xây một tòa nhà, đầu tư vào dự án bất động sản cho thấy dòng tiền, doanh thu ngay thì đối với những DN thế hệ trước, startup là một khái niệm mơ hồ. Thêm vào đó, những DN này đều là những người gạo cội trong lĩnh vực của họ, nhiều quan hệ trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, tài chính hơn. Vì vậy, không có gì lạ nếu họ chọn những lĩnh vực thế mạnh của mình thay vì startup”, ông Huân nhận định.

Như vậy, nghịch lý ở đây là những người giàu có nhất Việt Nam lại không mấy quan tâm tới khởi nghiệp. Tính ra ở Việt Nam, chỉ có một vài cái tên thành công trong ngành công nghệ có thể quan tâm tới khởi nghiệp như Lê Hồng Minh (VNG), Nguyễn Ngọc Điệp (Vật giá),… Tuy nhiên, đây cũng không phải những doanh nhân quá giàu có để sẵn sàng trở thành những nhà đầu tư thiên thần cho các startup. Trong khi đó, vai trò của nhà đầu tư thiên thần lại rất quan trọng trong giai đoạn thai nghén startup, trước khi có sự tham gia của các quỹ đầu tư.

Nhắc tới các quỹ đầu tư, đây cũng có thể coi là vấn đề khó khăn nhất cho startup tại Việt Nam. Hiện nay, trước làn sóng khởi nghiệp, đã có một số quỹ đầu tư tham gia vào các startup tại Việt Nam, cả trong và ngoài nước như IDT (Việt Nam), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Singapore), IDG, 500 Startup (Mỹ),…

Tuy nhiên, nhìn chung thì số lượng quỹ đầu tư chưa nhiều và số tiền bỏ ra cho các startup Việt Nam cũng rất hạn chế. Việc không thể tiếp cận nguồn vốn ảnh hưởng rất lớn tới việc duy trì hoạt động của startup. Đây cũng là điều dễ hiểu khi khả năng thoái vốn khỏi các startup Việt hiện nay là gần như bằng không.

“Một quỹ đầu tư khi tham gia vào bất kỳ dự án nào luôn có kế hoạch rút vốn. Họ có thể đầu tư vào một doanh nghiệp trong dài hạn như 5 năm hay 7 năm, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là thoái vốn. Tuy nhiên,tại Việt Nam chưa có khoản đầu tư vào công ty công nghệ nào mà các quỹ đầu tư có thể rút tiền ra.

Trên thế giới, cách đơn giản nhất để thu hồi tiền về đó là IPO startup. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có công ty công nghệ nào IPO, kể cả với những công ty được xem là thành công. Vậy làm sao để các quỹ đầu tư thu hồi lại tiền vốn của họ và trả lại cho những nhà đầu tư? Đó là một câu hỏi khó”, ông Huân nhận định.

Với hai hạn chế rất lớn trên của startup Việt, dù thị trường có tiềm năng phát triển tới đâu, cũng rất khó để startup Việt Nam nghĩ rằng mình có thể phát triển như startup tại Mỹ.

Nói như vậy không có nghĩa là thị trường hết cơ hội. Theo ông Huân, startup công nghệ tập trung vào lĩnh vực Internet, thị trường ứng dụng trên di động, thị trường phần mềm vẫn có cơ hội phát triển. Đây là thị trường không cần nhiều vốn, rộng lớn và có thể thấy được dòng tiền ngay. Trước mắt Việt Nam chỉ nên tập trung vào những thị trường như vậy. Thực tế cũng đã chứng minh một số công ty công nghệ thành công như JoomlArt đã đủ sức làm việc cho cả thị trường nước ngoài.

“Đầu tiên, startup phải nghĩ tới việc tồn tại đã, tồn tại càng lâu càng tốt, làm sao để vừa ra mắt đã có thể sống được, rồi từ từ phát triển lên. Còn nếu trông chờ vào tiền của nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư thì rất mơ hồ”, ông Huân cho biết.

 

Theo Trang Lam

Trí Thức Trẻ/Cafebiz

Trở lên trên