MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 tháng đầu năm của ngành than: Nhiều đơn vị vẫn lỗ cả trăm tỉ đồng

10-10-2015 - 09:12 AM | Doanh nghiệp

Trận mưa kinh hoàng cuối tháng 7 và đầu tháng 8.2015, đã làm cho các mỏ của TKV tê liệt sản xuất, thiệt hại trên 1.200 tỉ đồng. Bằng nỗ lực vượt khó, trong 9 tháng đầu năm TKV vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn 13 đơn vị sản xuất trong ngành liên tục báo lỗ từ vài chục tỉ đến cả trăm tỉ đồng; thất thoát trong quản lý sản xuất, chi phí giá thành cao là trở ngại của TKV.

120.000 lao động có thu nhập ổn định

Trận mưa lịch sử này đã khiến hơn 30.000 thợ mỏ phải nghỉ chờ việc và ảnh hưởng đến kế hoạch, sản lượng tiêu thụ của tập đoàn. Tiếp đó, sản lượng than tồn kho lớn (hơn 10 triệu tấn than nguyên khai trong 2 quý đầu năm) do thiếu sức cạnh tranh về giá bán so với các đơn vị nhập khẩu, khai thác ngoài ngành đã đẩy ngành than vào một giai đoạn khó khăn.

Báo cáo của TKV 9 tháng đầu năm cho thấy, doanh thu trên 80.000 tỉ đồng (bằng 70,7% và đạt trên 105,2% so thời điểm năm 2014); thu nhập của 120.000 LĐ bình quân đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 109% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước trên 9.000 tỉ đồng và lợi nhuận dự kiến hơn 500 tỉ đồng; tai nạn LĐ giảm đáng kể về số vụ và người thiệt mạng...

Một trong những giải pháp bảo đảm ổn định sản xuất, việc làm và thu nhập cho NLĐ trong giai đoạn khó khăn kể trên là do tiên lượng trước sức ép về giá bán cạnh tranh (than nhập khẩu)do giá thành sản xuất của các đơn vị còn khá cao dẫn tới than tồn kho lớn đã được giải quyết đáng kể trong quý III này. Theo lãnh đạo TKV, việc tái cơ cấu trong các đơn vị thực hiện quyết liệt; các giải pháp điều hành mới được triển khai tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Nhiều dự án lớn đầu tư như điện, khoáng sản... bước đầu có doanh thu cao và đưa vào vận hành khai thác.

Còn nhiều đơn vị báo lỗ

13 đơn vị báo cáo lỗ thấp nhất từ 20-100 tỉ đồng theo kế hoạch chỉ là bước đầu, bởi cơ chế của ngành than theo đuổi hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Ngoài Cty than Uông Bí đang dư trên bãi 370.000 tấn than phẩm cấp kém, thì theo giải trình của lãnh đạo Cty than Hồng Thái, 9 tháng qua đơn vị vẫn đạt được sản lượng đề ra, nhưng vẫn phải chịu lỗ 22 tỉ đồng do than khai thác xấu, dẫn đến giá bán thấp, tồn kho. Chưa dừng lại tại đây, đơn vị này đang đứng trước thách thức trong 2 năm tới không biết làm gì, khi diện khai thác tại dự án Tân Yên kết thúc sẽ khiến cho cả nghìn LĐ ở đây gặp khó khăn. Điều đáng bàn, là trước đó hơn 2 năm, chính Cty than Hồng Thái đã được TKV cho tách riêng ra khỏi Cty than Uông Bí.

Đơn vị lỗ lớn nhất theo báo cáo là Cty Cromite Thanh Hóa - mỗi năm tiêu tốn cả trăm tỉ đồng, khi Cty gần như không sản xuất được gì. Theo ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV của KTV: “Họ có làm gì đâu mà có lãi”!. Không có nguyên liệu sản xuất dẫn đến đơn vị này mỗi năm cho nghỉ việc cả trăm LĐ. “Sắp tới tập đoàn sẽ giải quyết dứt điểm việc chuyển đổi hay giải tán đối với Cty này” - vị lãnh đạo tập đoàn nói.

Phương kế trước mắt nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí quản lý, thiết chặt kỷ cương về khai thác, quản lý tài nguyên, chế biến tiêu thụ nhằm đưa hòn than có giá thành cạnh tranh, lãnh đạo TKV trù tính sẽ thí điểm hợp nhất 3 mỏ lộ thiên lớn nhất ngành than là Cao Sơn - Đèo Nai - Cọc Sáu; hợp nhất và sắp xếp lại một số đơn vị khai thác và khu vực địa giới khai thác nhằm tăng tính hiệu quả, giảm chi phí giá thành.

 

Theo TRẦN NGỌC DUY

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên