90% doanh nghiệp nhỏ chưa được bù lãi suất
DN lớn được hưởng lợi trong khi DN nhỏ và nông dân lại không với tới hai gói kích cầu tổng giá trị 9 tỷ USD Chính phủ đã áp dụng thông qua hình thức bù lãi suất 4%.
Về hiệu quả hai gói kích cầu tổng giá trị 9 tỷ USD Chính phủ đã áp dụng thông qua hình thức bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp (DN), nhiều ý kiến cho rằng: DN lớn được hưởng lợi trong khi DN nhỏ và nông dân lại không với tới.
Đó là nội dung chính tại hội thảo “Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ” do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng qua (23-7).
Cho tiền doanh nghiệp chưa chắc đã tốt
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội) nhận định: Lĩnh vực kích thích thì Chính phủ đã đánh trúng. Điểm quan trọng là chính sách phải nên uyển chuyển hơn. Có những lúc nên hỗ trợ bằng lãi suất nhưng cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu việc có thể có lúc áp dụng chính sách giảm thuế vì giảm thuế tùy thời điểm còn hiệu quả hơn là cho tiền DN.
Ông Nguyễn Thanh Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm, khẳng định: “Hai gói kích cầu đã trực tiếp giúp DN chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tương đương với việc được hỗ trợ 1% chi phí sản xuất. Đây là số tiền không nhỏ trong hoàn cảnh các DN xây dựng và chủ đầu tư khan hiếm tiền mặt để triển khai thi công các dự án”.
Buôn tài không bằng dài vốn
Giám đốc một xí nghiệp chuyên doanh máy công nghiệp tại Đông Anh (Hà Nội) lại đánh giá ở một góc nhìn khác: “Mục đích của gói kích cầu là kích thích sản xuất, tạo việc làm. Gói này hướng chủ yếu tới các DN vừa và nhỏ. Các DN này lại khó khăn, nếu có bất động sản thì đã mang thế chấp rồi, không đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi lãi suất nữa. Dàn máy công nghiệp của chúng tôi mới mua trị giá mười mấy tỷ đồng, nay đem ra thế chấp thì ngân hàng chỉ cho vay 500 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ như vậy liệu có đúng đối tượng hay không?”.
Vị giám đốc này ấm ức: “Tôi nhìn thấy nhiều DN lớn đã không bị ảnh hưởng vì suy thoái kinh tế, nay thấy lãi suất nhẹ quá, lại đủ điều kiện nên cứ vay để đầu tư vào chứng khoán và mua bán nhà đất. Tôi rất muốn duy trì DN để tạo công ăn việc làm cho lao động nhưng khó khăn quá nên đã phải lên kế hoạch bán DN”.
Ông Nguyễn Đức Thuận, ủy viên Trung ương Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi đã tiến hành một số cuộc khảo sát và đã có kết luận: 90% các DN nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ này. Nền kinh tế chúng ta phần lớn gồm các DN nhỏ và vừa. Đã có hàng trăm DN dạng này phá sản vì suy thoái kinh tế, vì lý do buôn tài không bằng dài vốn. Như vậy, gói kích cầu đã không đạt được một số mục tiêu như mong đợi”.
Ông Thuận đặt câu hỏi: “Vay thông thường đã khó, tại sao vay hỗ trợ lãi suất quy trình và điều kiện còn khó khăn hơn? “Kẻ nghèo, người khó” vốn đã nợ nần rồi, sao không quy định hỗ trợ lãi suất cho họ với cả các khoản vay trước đó?”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuật - TGĐ Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Foodinco: Nhiều doanh nghiệp vẫn phải gánh mức lãi suất 19%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại mới chỉ giải quyết việc hỗ trợ lãi suất đối với những hợp đồng vay mới từ sau ngày 1-2-2009, chứ không áp dụng đối với các hợp đồng vay vốn sản xuất kinh doanh vẫn còn hiệu lực ký trước ngày 1-2-2009.
Vì vậy, hiện nay vẫn còn nhiều hợp đồng đang phải đeo đẳng mức lãi suất ngất ngưởng 19%/năm. Như vậy, việc giảm lãi vay và hỗ trợ này chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp mới ra đời hoặc các doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn mới, còn các doanh nghiệp có hợp đồng vay vốn kinh doanh hàng hóa vật tư trước ngày 1-2-2009 thì có nguy cơ vỡ nợ.
Ngân hàng nhà nước nên có cơ chế cho các ngân hàng thương mại thống nhất đưa về mức lãi suất mới và hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các hợp đồng vay vốn trước ngày 1-2-2009.
Theo Mai Minh
PLTP.HCM