Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Tập đoàn Dầu khí
PVN là đơn vị trước tiên mà Ban Kinh tế Trung ương tiến hành làm việc. Nội dung chủ yếu xoay quanh báo cáo kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển tập đoàn này đến năm 2015 và 2025.
Theo báo cáo của PVN, năm 2012, tập đoàn này lần đầu tiên đạt kỷ lục về doanh thu - hơn 770.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 186.300 tỷ, vượt 51,48% so với kế hoạch năm. Tuy vậy, hoạt động của tập đoàn này cũng khiến dư luận đặt nhiều lo lắng. Đến hết năm 2011, dư nợ phải trả của PVN lên đến gần 287.000 tỷ đồng - đứng đầu danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tập đoàn Dầu khí đồng thời cũng lỗ lũy kế (đến hết 2011) là 2.390 tỷ đồng - đứng thứ 3 sau EVN và Vinalines.
Cùng những kết quả kinh doanh nêu trên, bản thân việc điều hành của lãnh đạo PVN trong thời gian qua cũng khiến dư luận đặt nhiều quan tâm. Trong một văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính trước đây, PVN đã đề xuất Bộ cho phép các cán bộ của mình được miễn không phải nộp thuế thu nhập cá nhân với các khoản: tiền thuê nhà nước sở tại, phí hành lý quá cước, học phí cho con và trợ cấp một lần, gồm cả tiền thuê nhà nước sở tại, phí hành lý quá cước, học phí cho con và trợ cấp một lần.
Trong thời gian luật pháp chưa thay đổi, PVN còn đề nghị cho phép đơn vị được trả thay phần thuế này cho cán bộ công nhân viên và khoản trả thay này được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp (được trừ trước khi xác định số thuế phải nộp). Chính những câu chuyện này khiến cho buổi làm việc giữa Ban Kinh tế trung ương và Tập đoàn Dầu khí, dự kiến diễn ra ngày 27/2 tới được dư luận hết sức chờ đợi.
Theo Hàn Phi
Vnexpress