MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt đầu có doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản

20-10-2014 - 11:53 AM | Doanh nghiệp

9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873.

10h15 phút, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã tiếp tục trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 4 năm 2011-2014; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa VIII.

Theo đánh giá, những khó khăn, tác động không thuận của tình hình thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, vận tải hàng không, khai thác thủy hải sản, sụt giảm mạnh về số lượng tiêu thụ, xuất khẩu hoặc về giá một số hàng hóa như cao su (9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su giảm 2,4% khối lượng và giảm 21,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2013), than đá (xuất khẩu giảm 35,9% giá trị, 34,2% khối lượng so với cùng kỳ năm 2013.), cà phê (giá xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2014 giảm 3,59%)... tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống nông dân.

Cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873).

Bắt đầu có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản và sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.

Có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013.

Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy... Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.

Báo cáo cũng đánh giá, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch .

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07%, đến tháng 7/2014 là 4,11%).

Tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại.

Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, vì vậy cần đánh giá sâu sắc, thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.

Báo cáo đã ghi nhận một số đề xuất về cải cách giáo dục chưa hợp lý, sinh viên ra trường không tìm được việc làm gây bức xúc trong nhân dân. An toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về môi trường... vẫn là nỗi lo lắng thường xuyên của mỗi gia đình; vẫn còn không ít trường hợp lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng tạp chất, chất cấm trong sản xuất, kinh doanh hàng ăn uống, nông sản gây ảnh hưởng sức khỏe nhân dân.

Tình hình vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản. Một số loại tội phạm gia tăng đáng kể, như tội phạm mạng, tội phạm buôn bán người, tội phạm đánh bạc, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Chất lượng điều tra, công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn còn một số hạn chế chưa được kịp thời khắc phục.

Khánh Nhi – Trịnh Hường (lược ghi)

hanhle

Tài chính Plus

Trở lên trên