Bầu Đức tính bán King Air 350, tậu phản lực cơ Legacy 600
Sau 7 năm sử dụng, bầu Đức đang có ý định bán chiếc máy bay riêng đầu tiên King Air 350 cho 1 doanh nghiệp nhà nước, trong khi đang hoàn tất mua máy bay phản lực Legacy 600.
- 25-02-2015Tổng công ty Quản lý bay sẽ mua lại máy bay cũ của bầu Đức
- 22-09-2014Cao ốc của bầu Đức tại Myanmar đã xây đến đâu?
- 25-06-2014Bầu Đức: 'Vàng trắng cao su, phụ thuộc một thị trường sẽ chết!'
Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết đang hoàn tất kế hoạch mua lại máy bay cũ King Air 350 của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, để phục vụ cho một trong các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Kế hoạch này sẽ trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong thời gian tới.
Dự tính VATM sẽ thành lập một công ty con chuyên hoạt động bay hiệu chỉnh với phương tiện là 3 chiếc máy bay thân nhỏ, trong đó có chiếc King Air 350 mua lại của bầu Đức. Bay hiệu chỉnh là máy bay chở theo thiết bị đặc chủng để đến từng sân bay kiểm tra tín hiệu thu - phát từ đài dẫn đường với thiết bị đặt trên máy bay.
Hoạt động bay hiệu chỉnh trước đây được VATM thuê lại của công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco). Hãng này sắm riêng một chiếc King Air 200 để cung cấp dịch vụ bay hiệu chỉnh, khảo sát, tìm kiếm cứu nạn...
Tháng 11-2013, chiếc King Air 200 của Vasco đã gặp sự cố không bung được càng, phải hạ cánh bằng bụng xuống sân bay Buôn Ma Thuột. Sự cố khiến chiếc máy bay bị hư hỏng nặng, không khắc phục được và bị xoá sổ khỏi đội máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam. Như vậy hiện nay, máy bay King Air 350 của bầu Đức là chiếc máy bay độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
So với máy bay của bầu Đức, chiếc King Air của Vasco đời cũ hơn vì được sản xuất từ năm 1989, có serie 200. Còn máy bay của bầu Đức được sản xuất năm 2005 và có serie 300, được bầu Đức mua với giá khoảng 7 triệu USD. Vào thời điểm thuộc sở hữu của bầu Đức, chiếc King Air 350 đã được 3 năm tuổi và đến nay, chiếc máy bay này đã chẵn 10 năm tuổi. Có rất ít thông tin để đồn đoán bầu Đức có thể bán lại máy bay với giá bao nhiêu vì loại máy bay này không phổ cập ở Việt Nam và cũng ít thông tin trên thị trường máy bay cũ thế giới.
Một chuyên gia hàng không am hiểu về hoạt động mua sắm máy bay cho biết mức độ khấu hao của máy bay rất khác nhau, tuỳ thuộc vào từng loại. Hơn nữa, máy bay là loại phương tiện giao thông không có thọ mệnh kỹ thuật mà chỉ có thọ mệnh kinh tế. Nghĩa là không có quy định một loại máy bay được khai thác bao nhiêu năm rồi thải loại.
Một chiếc máy bay để được cho phép cất cánh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo dưỡng, trung tu, đại tu theo tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất. Chỉ đến khi máy bay quá già, chi phí bảo dưỡng cao, không còn hiệu quả kinh tế, hoặc không đáp ứng được chỉ tiêu kỹ thuật an toàn của nhà chức trách hàng không thì nó được bán với giá sắt vụn.
Đối với máy bay thân lớn, thời gian khai thác hiệu quả là 30 năm nhưng đối với máy bay nhỏ dùng cho hoạt động hàng không chung hoặc máy bay tư nhân như King Air, thời gian sử dụng hiệu quả của nó là khoảng 50 năm.
Như vậy, máy bay cũ của bầu Đức không đến mức quá mất giá.
Trước đó, có thông tin bầu Đức đang hoàn tất các thủ tục để mua chiếc máy bay phản lực Legacy 600. Đây là loại máy bay phản lực 2 động cơ, thân rộng hơn chiếc King Air 350, với nội thất sang trọng chở được tối đa 13 người, có vận tốc cao nhất 834 km/h, hoạt bay ở độ cao 12.000 m và chặng bay tối đa hơn 6.000 km. Máy bay được trang bị 2 động cơ AE3007A-1E của Rolls Royce, được sản xuất bởi nhà chế tạo máy bay Embraer (Brasil). Giá bán của Legacy 600 trên thị trường hiện nay là 27,5 triệu USD.
Theo T. Hà
Người lao động