MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng với rủi ro phạt thuế

09-12-2013 - 15:52 PM | Doanh nghiệp

Những điểm DN hay vấp phải nhất thường liên quan đến việc thu thập, lưu trữ hồ sơ, chứng từ cho mục đích thuế, đặc biệt là những DN kinh doanh thương mại ở phạm vi nhỏ.

Liên quan đến vấn đề rủi ro phạt thuế đối với doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Tuấn đưa ra lời khuyên: các DN buộc phải nâng cao tính tuân thủ các quy định về thuế, thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát; lưu trữ hồ sơ chứng từ, hạch toán kế toán tốt… từ đó có thể giúp phòng, chống được những rủi ro bị phạt thuế rất cao trong tương lai.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Công ty Deloitte Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.

DN thường phàn nàn về các quy định của ngành Thuế khó tuân thủ. Với tư cách nhà tư vấn về thuế, ông có lời khuyên gì cho các DN?

Thông qua các dịch vụ tư vấn, chúng tôi thường đưa ra khuyến nghị đồng thời hướng dẫn DN hiểu đầy đủ, chính xác những quy định hiện tại về thuế, phòng tránh những rủi ro bị truy thu, phạt thuế. Tất nhiên, không thể kỳ vọng tất cả các quy định đó đều được tuân thủ tốt ở mỗi đối tượng, hay các DN đều có cách hiểu để thực hiện như nhau. Chính bản thân trong hệ thống quản lý thuế, cơ quan thuế, cùng một quy định nhưng ở các địa phương khác nhau cũng có cách hiểu, cách vận dụng các quy định khác nhau.

Điều đầu tiên và cơ bản nhất là DN cần phải nắm được những quy định về thuế và tất cả các sắc thuế đang áp dụng cho DN. Khi đã nắm được rồi, lãnh đạo DN cũng phải thông qua việc thực hiện tại các bộ phận liên quan như kế toán, tài chính, xuất nhập khẩu… và phải đưa ra các quy trình để thực hiện và tuân thủ các quy định về thuế.

Có điều gì mới, thay đổi mà ông khuyến nghị DN cần chú ý?

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế mới, thời gian hồi tố để cơ quan thuế kiểm tra, truy thu thuế kéo dài 10 năm, phạt 5 năm. Bên cạnh đó, với cơ chế quản lý mới, trên cơ sở đánh giá rủi ro về tuân thủ thuế, cơ quan thuế thường lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hình thức “quay vòng”, dựa trên tờ khai, báo cáo tài chính DN nộp, tính chất bất thường của nghiệp vụ, hoặc các thông tin thu thập được từ nguồn khác.

Đối với DN có rủi ro cao và khả năng truy thu thuế lớn, cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện việc thanh tra thuế định kỳ hàng năm. DN ít rủi ro hơn có thể theo chu kỳ 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm, mới thanh tra một lần. Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng đã đưa ra khung phạt thuế rất cao, lên tới 20% số thuế bị truy thu và lãi chậm trả lên tới 25,55%/năm. Trường hợp bị coi là trốn thuế thì mức xử phạt có thể gấp 3 lần số thuế bị truy thu.

Với cơ chế quản lý và hệ thống xử phạt hiệu quả của cơ quan thuế như trên, các DN buộc phải nâng cao tính tuân thủ các quy định về thuế, thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát; lưu trữ hồ sơ chứng từ, hạch toán kế toán tốt… từ đó có thể giúp phòng, chống được những rủi ro bị phạt thuế rất cao trong tương lai.


DN cần đưa ra quy trình để thực hiện và tuân thủ quy định về thuế

Theo ông, những vướng mắc thông thường mà DN hay gặp phải trong quá trình nộp thuế phải tuân thủ là gì?

Những điểm DN hay vấp phải nhất thường liên quan đến việc thu thập, lưu trữ hồ sơ, chứng từ cho mục đích thuế, đặc biệt là những DN kinh doanh thương mại ở phạm vi nhỏ. Trong nhiều trường hợp, đối tác hoặc bản thân nhân viên của DN có thể đi mua hóa đơn để hợp thức hóa khoản tiền mua sắm ở bên ngoài. Khi cơ quan thuế vào kiểm tra, có thể DN đối tác đó bỏ trốn hoặc đang có vấn đề với cơ quan thuế. Theo đó, những hóa đơn, chứng từ như vậy sẽ không được chấp nhận, được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT), không được khấu trừ chi phí cho mục đích tính thuế thu nhập DN…

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng bị vướng ở khâu hoàn thuế GTGT. Thực ra, quy định không phải quá chặt chẽ mà chỉ yêu cầu mức độ tuân thủ cao của DN. Tuy nhiên, cái vướng ở đây thường là DN có thể không lưu trữ đủ các hồ sơ, chứng từ có liên quan, hoặc các hóa đơn đầu vào không đầy đủ tính hợp lý, hợp lệ dẫn tới cơ quan thuế có thể loại ra. Hơn nữa, hiện thu ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo theo kế hoạch của năm, đang bị bội chi. Cho nên, các quy định liên quan đến giảm thu ngân sách thường được cân nhắc rất kỹ...

Nhưng, phương thức kiểm soát hoàn thuế mới được cho là sẽ giúp “lọc” được nhiều DN có ý định chiếm đoạt tiền hoàn thuế?

Với các hồ sơ hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn, tăng cường công tác kiểm tra trước hoàn sau thay vì hoàn trước kiểm tra sau. Theo đó, khi DN gửi bộ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế sẽ kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì mới cho hoàn, hoặc yêu cầu DN thực hiện bù trừ số được hoàn với nghĩa vụ thuế khác đang còn nợ hoặc sẽ phát sinh trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tập trung hơn vào nhóm đối tượng xin hoàn thuế GTGT là các DN kinh doanh thương mại bởi các DN này có đầu vào nhiều nhưng bán hàng không tốt, dẫn đến thuế GTGT đầu vào phát sinh lớn, cần được hoàn. Trong trường hợp này, cơ quan thuế sẽ xử lý theo hướng không cho các DN hoàn mà hối thúc để DN tăng cường bán hàng đầu ra, tạo ra thuế GTGT đầu ra để khấu trừ đầu vào, thay vì hoàn tiền cho các DN.

Theo ông, những quy định mới về thuế có tạo thuận lợi hơn cho DN?

Thực ra, các văn bản thuế càng ban hành sau càng mang lại nhiều lợi ích hơn cho DN. Thông qua đó, cơ quan Nhà nước cũng có những mục tiêu riêng để tăng cường tính quản lý. Vấn đề ở đây là DN muốn có thêm lợi ích từ những thay đổi của chính sách thuế và giảm thiểu những rủi ro về vấn đề thủ tục thì phải thực hiện tốt việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách… Đặc biệt, mức phạt mới trong Luật Quản lý thuế sửa đổi tăng lên rất cao, buộc DN phải tự có những cách thức hợp lý để tăng cường tính tuân thủ, giảm thiểu phần thuế bị truy nộp, bị phạt trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trường Sơn


thunm

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên