MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cạnh tranh bằng chiến lược

20-04-2013 - 18:02 PM | Doanh nghiệp

"DN hoạt động theo kiểu cứ thành lập DN, xin giấy phép, mở cửa hàng và đánh bạc với số phận theo phương thức “năm ăn năm thua” là điều không nên."

Trong khó khăn, nhiều DN đã bộc lộ những yếu kém của mình, nhất là không chú trọng đến xây dựng chiến lược phát triển. Do vậy, việc nắm bắt xu thế thị trường, am hiểu tiêu chí trong lĩnh vực DN kinh doanh là điều cần thiết.

Đánh bạc với số phận

Theo ông Trịnh Đình Long, chuyên gia tư vấn chiến lược DN và xây dựng thương hiệu, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp phát triển DN AMICA, khi đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều, thị trường càng trở nên khốc liệt. Làm thế nào để một công ty có thể vượt lên, bứt phá, tạo lợi thế cạnh tranh với DN khác được xem là sự sống còn của DN đó.

Nói cách khác, xây dựng chiến lược DN là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để DN phát triển. Bởi nghiên cứu cho thấy, giám đốc các DN lớn hàng năm phải dùng đến 40% thời gian để nghiên cứu chiến lược kinh doanh. Việc nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh cũng là cách thức để DN vươn lên trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Tuy nhiên, đứng trên cương vị là người “chèo lái” DN, ông Bùi Việt Phong, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và XNK Hapaco – Hà Nội nhìn nhận, đa phần các DN Việt Nam đều là DN vừa và nhỏ. Phần lớn những DN này thời gian qua đã không xây dựng chiến lược cho mình ngay từ ban đầu. Khi gặp khó khăn, yếu kém đã bộc lộ rõ, con số gần 60.000 DN phá sản trong năm 2012 là bằng chứng rõ nhất. Ông Phong chia sẻ thêm, DN hoạt động theo kiểu cứ thành lập DN, xin giấy phép, mở cửa hàng và đánh bạc với số phận theo phương thức “năm ăn năm thua” là điều không nên.

“Việc xác định chiến lược phát triển của DN vừa và nhỏ Việt Nam rất yếu kém. Kinh nghiệm khi tiếp xúc với các bạn hàng là DN vừa và nhỏ, tập đoàn lớn đã cho tôi nhận thấy điều này. Bởi những DN lớn vẫn có chiến lược ngay cả lúc khó khăn”, ông Phong cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt - Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Reenco Sông Hồng, tiêu chí để “làm” bất động sản có rất nhiều, ví dụ như mối quan hệ, vốn liếng, am hiểu về Luật Đất đai, nhạy bén thị trường… Điều quan trọng, do không chú ý đến các tiêu chí đó nên nhiều DN bất động sản không xây dựng được chiến lược phát triển theo cách bền vững. Ông Điệp dẫn chứng, quá trình đầu tư tràn lan, phát triển “nóng”, các nhà đầu tư không cần biết đến thị trường, không dựa vào quy luật cung - cầu nên DN bất động sản mới rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.

Trang bị kiến thức

Theo bà Lê Hồng Anh, Giám đốc phát triển thị trường Công ty CP GMO Runsystem, một công ty không có chiến lược giống như con thuyền không có bánh lái, khiến DN không có định hướng. Việc nghiên cứu thị trường để có chiến lược phát triển phù hợp trong giai đoạn này là điều quan trọng mà các DN cần lưu tâm. Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, muốn phát triển, tiến lên, DN phải liên doanh, hợp tác. Tức là, nếu DN không có vốn cần phải có chiến lược hợp tác về tài chính, không am hiểu về luật pháp DN phải có luật sư, không có đầu ra DN phải có sự liên kết với các DN cùng mảng. Có làm được như vậy, DN  mới tồn tại được.

Về xây dựng thương hiệu cho DN, ông Điệp nhìn nhận, bất kỳ ngành hàng nào cũng cần có uy tín bởi uy tín dựa trên nền tảng chất lượng hàng hóa, sản phẩm được xã hội công nhận. Nhưng để có thương hiệu, DN cần đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh. “Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chúng tôi đã nắm bắt được tình hình, tái cấu trúc lại DN, xây dựng chiến lược phát triển, cơ cấu lại cổ đông có tiềm lực kinh tế, thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Reenco Sông Hồng đã chuyển hướng sang lĩnh vực xây lắp để vượt qua khó khăn, cơ cấu lại hạng mục đầu tư năm 2013 và những năm tiếp theo”, ông Điệp cho biết.

Với kinh nghiệm vượt qua khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua, một số DN cho rằng, năng lực tài chính DN là rất quan trọng, khi khó khăn DN nào trường vốn cộng với có chiến lược dài hạn khắc phục khó khăn thì DN đó không chỉ vượt qua mà còn tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực của DN trong việc tìm hướng đi phù hợp, cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành. Chính sách hỗ trợ đồng bộ sẽ giúp các DN có định hướng tốt hơn. 

Theo Phan Thu

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên