MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm chuyến bay do... hành khách?

16-07-2014 - 08:59 AM | Doanh nghiệp

Sau 3 ngày thực hiện giám sát, tổ giám sát của Cục Hàng không cho rằng vẫn chưa xác định được các nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm, hủy chuyến, nhưng “yếu tố hành khách cũng tác động lớn đến chậm, hủy chuyến”.

Theo ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không VN, tổ trưởng tổ giám sát, việc chưa xác định nhóm nguyên nhân là do các hãng hàng không còn hạn chế cung cấp thông tin cho các cảng vụ, Cục Hàng không, nguyên nhân đưa ra chậm và thiếu chính xác. Hiện chỉ mới Vietjet Air làm khá tốt khâu thông tin, trong khi Cục chưa nhận được nhiều thông tin đầy đủ từ các hãng còn lại.

 

Giá dịch vụ ăn uống tại sân bay Tân Sơn Nhất giảm

Bà Trần Thụy Minh cho biết sau hiệp thương giữa cảng vụ và các doanh nghiệp kinh doanh tại cảng, giá dịch vụ ăn uống tại cảng đã giảm. Chiều qua, Công ty dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) gửi đăng ký giá sản phẩm với Cảng vụ miền Nam, theo đó một tô phở, mì, bún miến là 65.000 đồng, thực tế đã giảm xuống 55.000 đồng, chai nước tinh khiết còn 12.000 đồng...


Bên cạnh những nguyên nhân được xác định ban đầu như kỹ thuật, thời tiết, yếu tố thương mại, ông Cường nhận định qua khảo sát thực tế, yếu tố hành khách cũng tác động lớn đến chậm, hủy chuyến. “Đã xảy ra việc máy bay chậm giờ do không tìm thấy hành khách. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, tiếp viên dùng loa gọi những hành khách cuối cùng. Nếu vẫn không tìm thấy, máy bay sẽ phải dừng lại để gọi và tìm khách vì khách đã gửi hành lý lên máy bay. Nếu không tìm được, chuyến bay sẽ phải thực hiện cắt chỗ và tìm trả lại hành lý, công đoạn này mất rất nhiều thời gian. Nhiều người có trình độ nhưng ý thức chấp hành lại sơ đẳng, ví dụ máy bay chưa hạ nhưng đã có người đứng lên lấy hành lý, việc này có thể gây nguy hiểm và tiếp viên phải yêu cầu dừng để lập biên bản, kéo dài thời gian hạ cánh”, ông Cường nói.

Bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, lại đổ lỗi chậm, hủy chuyến một phần do sự tham gia của các hãng hàng không giá rẻ, thu hút một lượng khách, trong đó có rất nhiều người mới đi máy bay lần đầu. “Dù số lượng thống kê chưa lớn, nhưng có lý do chậm chuyến do hành khách, bởi với các hãng giá rẻ có những khách chưa đi máy bay bao giờ, hiểu biết quy định về an ninh, an toàn rất hạn chế. Nhiều hành khách không chấp hành quy định, tranh cãi… cũng khiến cho chuyến bay chậm giờ”, bà Minh cho hay.

Nhiều chuyến bay chậm giờ

Theo thống kê của Vietjet Air, việc chậm chuyến của hãng này do nguyên nhân khách hàng chiếm khoảng 1%, như thiếu giấy tờ tùy thân, đi lạc trong sân bay, nhầm cửa, hành lý xách tay sai quy định. Hành khách không tuân thủ nội quy an toàn, quá khích khi máy bay chậm chuyến, như chuyến bay TP.HCM - Vinh phải hạ cánh Nội Bài do thời tiết, hành khách kiên quyết không chịu xuống máy bay suốt 2 giờ, một chuyến bay TP.HCM - Vinh khác của hãng này hủy do thời tiết, hành khách đã đập phá và hành hung tại khu vực check in.

Khảo sát thực tế hôm qua tại cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất cho thấy nhiều chuyến bay đã chậm giờ khởi hành, giờ hạ cánh. Chuyến bay Hà Nội - TP.HCM trưa qua của Vietjet cũng đã chậm 30 phút do máy bay từ Cam Ranh về chậm, thời gian đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng tiếp tục bị lùi lại do thời tiết xấu và ùn ứ điểm đỗ tại Tân Sơn Nhất. Vietnam Airlines và Jestar Pacific cũng chậm chuyến TP.HCM - Quy Nhơn do lỗi kỹ thuật, TP.HCM - Phú Quốc do máy bay về chậm… Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết sân bay này có 47 vị trí bến đỗ nhưng hiện chỉ khai thác được 38 bến…, tần suất khai thác giờ cao điểm thường xuyên vượt quá quy định, việc chậm chuyến, dồn chuyến cũng gây tắc nghẽn thêm.

Vietjet Air đã che giấu nguyên nhân vụ hạ cánh nhầm ở Cam Ranh

Giao Chính phủ quy định chế tài chậm bay, hủy chuyến

Chiều 15.7, Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) cho ý kiến về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng không dân dụng VN. Theo Ủy ban Pháp luật, luật hiện hành còn thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm duy trì các điều kiện vận chuyển hàng không, trong đó có việc duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ; thiếu các quy định xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến... Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị TVQH giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy; hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc quy định việc kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy. Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban TVQH nhất trí với đề nghị trên của cơ quan thẩm tra.

Theo quan điểm của thường trực Ủy ban Pháp luật, nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay nước ta bị nâng rất cao thời gian qua là do giá thuê mặt bằng cao và doanh nghiệp đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung quy định một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do nhà nước định giá bao gồm: giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do VN quản lý; giá dịch vụ hàng không khác; giá thuê mặt bằng tại cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình, đặc biệt với dịch vụ “an ninh hàng không tăng cường”. “Thêm dịch vụ tăng cường an ninh hàng không, nghe rất phản cảm, trong khi luật giá đã nói rất đầy đủ rồi. Nếu cứ quy định thêm thì giá cả cứ tăng lên nữa, nghe nó không thuận”, Chủ tịch QH nêu quan điểm. Theo lý giải của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, việc đưa thêm các loại dịch vụ do nhà nước định giá chính là nhằm để kiểm soát giá cả dịch vụ, mặt hàng tại sân bay.

Bảo Cầm

Theo Mai Hà

thanhhuong

Thanh niên

Trở lên trên