CII: Không thiếu cách chuyển thặng dư vốn thành lợi nhuận!
Theo dự thảo chế độ kế toán mới, giá trị các khoản đầu tư được xác lập theo giá thị trường nên khoản thặng dư vốn cũng sẽ được hạch toán vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 8/12/2014, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) cho biết các đơn vị tham gia đấu giá cổ phần của CII B&R (LGC), trái phiếu hoán đổi LGC đã gửi thư chào giá chính thức cho CII.
Việc bán đấu giá cổ phần và trái phiếu hoán đổi của LGC nằm trong kế hoạch tái cơ cấu toàn diện CII, trong đó tách mảng cầu đường cho LGC thực hiện.
Theo thống kê của CII, đã có nhà đầu tư chào mua toàn bộ 20 triệu cổ phiếu LGC và 1.200 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu hoán đổi với giá chào mua vượt khá cao so với giá khởi điểm 16.500 đồng. Với giả định việc thương thảo thành công, ước lợi nhuận CII sẽ đạt được trong thương vụ này ở vào khoảng 1.600 tỷ đồng.
>> CII sẽ hiện thực hóa khoản lợi nhuận nghìn tỷ?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình – Tổng Giám đốc CII xung quanh kế hoạch chào bán nói trên cũng như những lợi ích mà cổ đông CII sẽ được hưởng trong thời gian tới.
Xin ông cho biết cụ thể hơn lộ trình bán đấu giá cổ phiếu LGC và trái phiếu hoán đổi của CII?
Ngày 15/12/2014, CII và nhà đầu tư chính thức bắt đầu thương thảo các hợp đồng có liên quan. Bạn biết đấy, tổng giá trị của các hợp đồng khá lớn, vào khoảng 1.800 tỷ đồng, nên chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành việc thương thảo trong 4 tuần.
Sau khi hoàn tất thương thảo, HĐQT của CII sẽ xem xét để phê duyệt chính thức trước khi triển khai thực hiện. Song song đó, CII phải hoàn thành một số điều kiện tiên quyết thì giao dịch mới thực hiện được.
Tóm lại, CII đang nỗ lực để việc hoàn tất thương vụ có thể diễn ra trong quý 01/2015.
1.600 tỷ đồng lợi nhuận như CII công bố bao gồm cả khoản thặng dư vốn do nắm giữ cổ phiếu LGC. Như vậy, nếu loại bỏ khoản thặng dư này, lợi nhuận thuần của CII qua thương vụ nói trên khoảng bao nhiêu?
Đứng dưới góc nhìn của “dân tài chính” như chúng tôi, lợi nhuận là lợi nhuận và được tính theo phương pháp NAV (Net Asset Value). Do vậy, chúng tôi không phân biệt đâu là lợi nhuận hạch toán, đâu là lợi nhuận do thặng dư vốn. Ngoài ra, (1) theo dự thảo chế độ kế toán mới, giá trị các khoản đầu tư được xác lập theo giá thị trường nên khoản thặng dư vốn cũng sẽ được hạch toán vào lợi nhuận của doanh nghiệp; (2) Đối với “dân tài chính”, thiếu gì cách để có thể chuyển khoản thặng dư vốn thành lợi nhuận của doanh nghiệp nắm giữ cổ phần (cười).
Khoản lợi nhuận này có làm thay đổi cục diện của CII?
Tôi không cho rằng khoản lợi nhuận nói trên làm thay đổi cục diện của CII. Với chúng tôi, chẳng có gì ngạc nhiên khi có nhà đầu tư chào mua với giá cao như vậy. Bởi vì, với các nhà đầu tư dài hạn, đầu tư vào CII B&R là đầu tư vào một thị trường cơ sở hạ tầng giao thông đầy tiềm năng của Việt Nam, một thị trường hấp dẫn nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.
Khi chúng tôi bắt tay vào việc tái cấu trúc, rất nhiều nhà đầu tư, cổ đông không tin rằng chúng tôi có thể tổ chức đấu giá thành công, riêng chúng tôi thì ngược lại, chúng tôi có niềm tin mãnh liệt trong câu chuyện này. Đến nay, chúng tôi đã đi được 75% của chặng đường và hoàn toàn hy vọng sẽ về đích theo đúng kế hoạch.
Giá trị của CII như vậy không chỉ đơn thuần là giá trị được hạch toán trên sổ sách, mà còn là giá trị vô hình mà công ty đã gầy dựng trong thời gian qua, với kinh nghiệm trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cổ đông CII được lợi gì qua thương vụ này? Ông có tính đến chuyện chia thêm cổ tức cho cổ đông CII sau kết quả đạt được hay không?
CII là của cổ đông mà, do vậy tất yếu cổ đông sẽ là người được hưởng lợi trong thương vụ này. CII có lãi bao nhiêu thì cũng là của cổ đông CII. HĐQT, Ban điều hành, CBCNV của CII đều là những người làm công ăn lương nên lợi nhuận đều là của cổ đông hết, chúng tôi chỉ hy vọng là cuối năm, với các thành quả đạt được trong năm 2014, cổ đông sẽ tăng tiền thưởng cho chúng tôi nhiều hơn các năm trước một tí (cười).
Tôi nhớ là bạn đã từng hỏi tôi về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm 2014 và tôi cũng đã nói rằng tôi tin tưởng là sẽ thực hiện được. Đến nay, CII đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trong 9 tháng, chúng tôi còn một quý 04/2014 và chắc chắn sẽ tiếp tục là một quý có lãi cao. Do vậy, không có lý do gì mà không tăng cổ tức cho cổ đông. Về phía cá nhân, tôi sẽ kiến nghị HĐQT trình ĐHĐCĐ mức chi cổ tức cho năm 2014 vào khoảng 14% đến 15%.
Có ý kiến cho rằng, CII hiện đang quá mải mê với “cổ cánh” mà chưa thực sự tập trung vào kinh doanh cốt lõi, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Có lẽ đây không phải là ý kiến của nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp. CII đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển nhiều dự án mới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản (tại các vị trí tốt). Danh mục của CII càng ngày càng tăng thêm cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của CII vẫn đang được tập trung rất cao.
Để phát triển các dự án này, đòi hỏi phải có các nguồn vốn lớn. Vậy thì bạn sẽ huy động vốn từ đâu? Nếu không “cổ cánh” thì sẽ không có nguồn vốn mới để triển khai thực hiện dự án. Không lẽ nhận dự án về rồi đi bán cho nhà đầu tư khác? Làm vậy thì CII không còn là CII nữa rồi, sẽ trở thành “nhà môi giới dự án” hay nói một cách dân dã là làm “cò” mất rồi. Rõ ràng và chắc chắn rằng CII không thể đi theo con đường này được.
Cái hay và chuyên nghiệp của CII nằm ở chỗ, chúng tôi biết cách phát triển dự án, quản lý đầu tư, khai thác dự án tốt nhưng đồng thời có bộ phận huy động “cổ cánh” tốt. Tôi cho rằng điều này đã tạo nên thương hiệu cho CII.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Hồng Minh
Tài chính Plus