MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CII: Năm 2016 dự kiến lãi 850 tỷ, vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động tài chính

04-01-2016 - 11:05 AM | Doanh nghiệp

Theo ông Lê Quốc Bình, một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng với những dự án quy mô lớn và dài hạn bắt buộc phải có những sản phẩm tài chính đi kèm nếu như muốn có lãi.

Năm 2015 là một năm tương đối "ồn ào" đối với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM. Nhân dịp đầu năm chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc công ty xung quanh những sự kiện đã qua và kế hoạch kinh doanh năm tới.

Năm 2015 đã kết thúc. Trước đây công ty công bố thông tin về việc lỗ quý 4 năm nay. Vậy kết quả kinh doanh ước tính cả năm 2015 của CII như thế nào thưa ông?

Lỗ quý 4/2015 là một sự kiện rất bất ngờ và đáng tiếc đối với CII. Mặc dù vậy, tổng kết cho cả năm 2015, CII vẫn đạt được lợi nhuận và tăng trưởng rất ấn tượng. Công ty vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận với tỷ lệ tương đối cao, tăng trưởng lợi nhuận so với năm 2014 gần bằng 3 con số (100%) hoặc hơn, EPS trên 3.000 đồng/cổ phiếu và các chỉ số tài chính được cải thiện, tiền mặt dồi dào.

Có ý kiến cho rằng mức lợi nhuận ấn tượng năm 2015 của CII chủ yếu là từ các hoạt động tài chính, trong khi hoạt động kinh doanh chính chưa thực sự khởi sắc, ông nghĩ gì về điều này?

CII là một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng với những dự án quy mô lớn và dài hạn. Nếu bạn không có những sản phẩm tài chính đi kèm thì bạn sẽ không tồn tại được chứ chưa nói là làm ăn có lãi.

Sản phẩm tài chính sẽ xoay chuyển được rất nhiều vấn đề, biến những khoản đầu tư dài hạn trở nên ngắn hạn hơn, biến những khoản lợi nhuận sẽ được thu hồi trong nhiều năm sắp tới thành những khoản lợi nhuận tức thời. Qua đó chứng minh được với cổ đông, với nhà đầu tư về hiệu quả đầu tư vốn của CII.

Quan trọng là sản phẩm tài chính chỉ có thể xây dựng được trên nền tảng bạn phải có dự án tốt, có tính khả thi cao và CII đang có những dự án như thế.

Tóm lại, để có được lợi nhuận cao, trước tiên bạn phải có dự án tốt và nếu may mắn, bạn chuyển hóa các dự án ấy thành các sản phẩm tài chính thì sẽ là điều tuyệt vời.

Vậy CII có gì để bước vào năm 2016?

Đầu tiên là chuyện nợ nần, trong năm 2016 dư nợ của CII sẽ giảm trên 2.000 tỷ đồng. Các năm trước CII toàn đi vay thêm để bổ sung vốn hoạt động, nhưng năm nay sẽ ngược lại. Đây cũng sẽ là năm đầu tiên Tổng Giám đốc và bộ phận tài chính được thảnh thơi (cười).

Tiếp theo là chuyện cổ tức, năm nay có thể là năm mà CII trả cổ tức cao nhất trong các năm. Nếu tôi có đủ thẩm quyền quyết định thì tôi trả cổ tức 20% luôn, tiền của cổ đông thì trả cho cổ đông thôi. Khi nào có dự án mới, cơ hội mới thì lại gọi vốn từ cổ đông, mang tiền đi gửi ngân hàng lãi suất có vài % trong khi cổ đông đi vay lãi suất cao thì dã man quá. Tôi luôn tin rằng: Doanh nghiệp chơi đẹp với cổ đông thì chẳng bao giờ cổ đông quay lưng với doanh nghiệp khi doanh nghiệp cần vốn đầu tư.

Thứ ba là câu chuyện lợi nhuận: Năm 2016 CII đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế khoảng 850 tỷ, EPS khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu (nếu mua được cổ phiếu quỹ) hoặc khoảng 3.500 đồng/cổ phiếu (nếu không mua được cổ phiếu quỹ).

Ông có cho rằng kế hoạch nói trên quá tham vọng?

Hôm nay mới là 4/1 của năm nhưng CII đã vững tâm là có thể hoàn thành kế hoạch rồi.

Trong năm 2015, đối tác MPTC sẽ hoán đổi toàn bộ trái phiếu để lấy cổ phiếu CII B&R (LGC). Việc này đồng thời giúp CII giảm 1.000 tỷ đồng tiền nợ và mang lại cho công ty khoảng 430 tỷ đồng tiền lãi do chênh lệch giá vốn và giá hoán đổi.

Ngoài ra, CII đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng một khoản vốn góp tại một công ty con cho nhà đầu tư khác (nhà đầu tư này liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài). Hợp đồng sẽ ký trước ngày 15/1 này và mang về cho CII 150 tỷ đồng lợi nhuận.

Các dự án của CII B&R đã đi vào khai thác ổn định, nguồn thu vững chắc và tăng trưởng tốt. CII nắm giữ 51% của CII B&R nên cũng sẽ hưởng khoảng 160 tỷ đồng lợi nhuận từ Công ty này.

CII E&C ít nhất cũng đóng góp được 100 tỷ lợi nhuận.

Bên cạnh đó, chậm nhất đến quý 3/2016, CII sẽ tổ chức đấu giá một khoảng đầu tư nữa (hiện nay đã xong bước bước định giá và danh sách ngắn các nhà đầu tư tham gia đấu giá). Mặc dù chưa có kết quả đấu giá nhưng CII có niềm tin rằng CII sẽ thu ít nhất (tôi lưu ý với bạn là thu được ít nhất nhé) 200 tỷ đồng lợi nhuận từ việc đấu giá này.

Cộng hết các khoản này, CII đã có 1.040 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2016. Bạn đã ngạc nhiên chưa? Đó là chưa tính đến 02 thương vụ mà CII đang đàm phán, nếu thành công, thì CII sẽ có thêm 200 tỷ đồng lợi nhuận nữa. Con số 1.240 tỷ đồng lợi nhuận đang là mục tiêu phấn đấu của CII vào lúc này.

Có vẻ như lợi nhuận của CII lại đến từ hoạt động tài chính?

Thực tế là chúng tôi đang hiện thực hóa lợi nhuận các khoản đầu tư của mình qua các sản phẩm tài chính mà thôi. Như tôi đã nói, một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng với những dự án quy mô lớn và dài hạn bắt buộc phải có những sản phẩm tài chính đi kèm nếu như muốn có lãi.

Thương vụ “rối rắm” với MPTC mang lại cho CII khá nhiều lợi nhuận. Vậy bản chất của thương vụ này là gì? Và liệu có còn thương vụ nào tương tự dành cho CII không thưa ông?

Đúng là nhìn có vẻ rất “rối rắm” nhưng bản chất của nó thì lại rất đơn giản, cụ thể như sau:

- CII gom các dự án có nguồn thu từ giao thông thành một gói.

- Dòng tiền của từng dự án được chiếc khấu về hiện tại với suất chiết khấu là 10%/năm.

- CII bán ra 49% vốn đã đầu tư vào đây và thu về khoảng 450 tỷ đồng lợi nhuận.

May mắn cho CII là MPTC trả thêm cho CII 500 tỷ đồng tiền thương hiệu để phát triển các dự án trong tương lai. Do vậy CII có 950 tỷ đồng lợi nhuận.

Rất đơn giản phải không bạn? Về thương vụ tương tự, có lẽ là không còn nữa vì “bài” này đã cũ và nhiều người biết để làm theo rồi nên tính hấp dẫn không còn nhiều. CII đã làm theo hướng mới rồi, mỗi năm một cái mới bạn ah (cười).

Năm 2015 là một năm khá ồn ào với CII và cá nhân ông. MPTC, Tuấn Lộc, rồi tâm thư… Sau những ồn ào đó, điều gì lắng đọng lại ở ông và cá nhân ông muốn nói gì với nhà đầu tư?

Cho cả năm 2015, lắng đọng lại trong tôi chỉ có một chữ “buồn”.

Một năm 2015 với rất nhiều thành công cho CII (tái cấu trúc, tăng trưởng lợi nhuận, phát triển dự án mới …) nhưng đi kèm với nó là những nỗi đau mà mình không thể bày tỏ cùng ai được, kể cả HĐQT, người thân, bạn bè.

Tôi chỉ mong cổ đông hiểu giúp tôi, trong năm 2015, bên cạnh trọng trách tổ chức kinh doanh tốt cho CII, tôi phải gánh nặng thêm những việc (những việc mà nếu tôi vô tâm tôi được quyền không làm những việc đó) để giữ gìn giá trị tài sản cho cổ đông như chống thâu tóm, ứng phó với lượng lớn cổ phiếu mới (có giá rẻ) ra thị trường, cổ đông lớn thoái vốn … và, trong một góc độ nào đó, đây là lý do dẫn đến những sự kiện “ồn ào” trong năm 2015.

Tôi mong Nhà đầu tư hãy nhìn vào kết quả năm 2015, triển vọng năm 2016 và các năm tới của CII để có quyết định đúng đắn với khoản đầu tư của mình.

Xin chân thành cảm ơn ông, chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên