MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi DN: Cẩn trọng cung-cầu dòng tiền

29-08-2013 - 15:20 PM | Doanh nghiệp

Chủ trương đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi của DN là hợp lý, phù hợp theo thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN. Trong đó, đáng chú ý và gây xôn xao cộng đồng DN là việc đề xuất đánh thuế đối với các DN có thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm.

Không thể chạy theo thị trường

Việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo trên có vẻ như chạy theo giải pháp thị trường, trong dự thảo này chủ yếu nhắm vào đối tượng là các DN có số dư tiền gửi trong các NH. Điển hình như PV Gas có đến 17.700 tỷ đồng tiền mặt tính đến 30-6, Petrolimex có trên 8.200 tỷ đồng, Masan Group 6.400 tỷ đồng, Vingroup 6.000 tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ hơn 6.000 tỷ đồng, các DN khác như Kinh Đô, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, FPT... có từ 1.500-4.900 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản.

Nhưng đó chỉ là một số ít DN làm ăn hiệu quả, còn phần lớn các DN khác vẫn đang có chiều hướng thu hẹp sản xuất kinh doanh do lượng hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm chậm khiến tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng.

Trong khi thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán không ổn định, giá vàng thất thường, nên gửi tiết kiệm được xem là nơi đầu tư an toàn để có thể giúp DN trang trải tiền lương cho người lao động trước sức ép tăng giá ngày càng mạnh.

Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, thời điểm hiện tại Nhà nước đang sát cánh cùng DN giải quyết khó khăn về vốn, hàng tồn kho, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy đánh thuế để “cắt giảm” một phần thu nhập của DN là điều phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Thực ra, dự thảo này không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của các văn bản pháp luật. Quy định này đã được nêu cụ thể tại Nghị định 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN.

Dự thảo nêu trên chỉ áp dụng đối với các đối tượng là DN, còn Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng như các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ, cá nhân có thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm không phải nộp thuế.

Hơn nữa, việc đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi của DN tại các tổ chức tín dụng của Bộ Tài chính nhằm hướng DN chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, thay vì gửi vốn vào NH để lấy lãi như hiện nay. Đây cũng là cách để cơ quan chức năng đốc thúc các đơn vị, DN, tổ chức muốn trì hoãn nộp ngân sách, trì hoãn trả lương cho người lao động, trì hoãn nộp thuế để tranh thủ nguồn tiền gửi NH lấy lãi…

Tuy nhiên, đây chưa phải là một ý tưởng hay, đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN đang đấu tranh với khủng hoảng để tồn tại. Gửi tiền trong NH cũng là một cách để bảo toàn vốn. Nếu các DN bị đánh thuế lãi suất tiền gửi thì ngay lập tức họ sẽ phản ứng bằng cách rút tiền về hoặc chuyển đổi sang nắm giữ vàng hoặc ngoại tệ. Khi đó, hệ thống các NH sẽ đối diện với nhiều thách thức về nguồn vốn huy động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế…

Chưa đúng thời điểm

Chủ trương đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi của DN là hợp lý, phù hợp theo thông lệ quốc tế. Các quốc gia trên thế giới đều đã áp dụng hình thức thu thuế này. Tại Hoa Kỳ, việc đánh thuế được áp dụng theo 2 quy định là đánh thuế liên bang và đánh thuế từng tiểu bang.

Với liên bang mức thu từ 25-30% tổng số thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi vay vốn, mua bán ngoại tệ của DN gửi tiền. Còn mức thu ở các tiểu bang tùy thuộc vào quy định của mỗi bang.

Ở nước ta, nếu chủ trương này được thông qua, việc đánh thuế từ lãi tiền gửi của các DN cũng đóng góp một phần cho việc thu ngân sách đang bị thâm hụt. Nhưng việc đánh thuế này có thể gặp sự phản ứng từ phía DN, giống như đề xuất đánh thuế thu nhập đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) đưa ra trước đây. Điều cốt lõi vẫn là nền kinh tế của chúng ta chưa đủ điều kiện để áp dụng như các nước khác.  

Tôi cho rằng không nên áp dụng hình thức thu thuế trên, bởi nhìn vào lượng DN phá sản, ngừng hoạt động trong những năm qua, có thể thấy các DN đang phải vật lộn với quá nhiều thách thức. Chính vì vậy, Nhà nước mà ở đây là Bộ Tài chính cần có những chia sẻ nhất định đối với DN, tránh tâm lý “tận thu” đối với các DN, nhất là vào thời điểm khó khăn như hiện nay.

Bộ Tài chính cần có nghiên cứu một cách bao quát, đúng bản chất của phần lớn các DN để đưa ra biện pháp kích cầu khả dĩ hơn là thu thuế phần lãi từ số dư tiền gửi của DN. Nếu dự thảo này được thông qua nền kinh tế sẽ vẫn trì trệ, bởi tác động dây chuyền từ việc DN bị đánh thuế từ lãi tiền gửi gây ra.

Các DN có số dư tiền gửi tại các NH sẽ rút vốn hoặc chuyển đổi sang nắm giữ ngoại tệ, vàng để tránh khả năng trượt giá. Khi đó, cung cầu sẽ mất cân đối. Các NH sẽ thiếu vốn và gặp khó khăn trong việc “điều tiết” lượng tiền trong lưu thông. Các DN thiếu vốn sẽ không thể tiếp cận NH và buộc phải tìm đến tín dụng “đen” một cách bất đắc dĩ.

Như vậy, mục tiêu kích cầu, khơi thông thị trường như mong muốn của Bộ Tài chính sẽ không phát huy tác dụng và có thể gây cản trở đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo NGUYỄN VĂN

thunm

Sài Gòn đầu tư tài chính

Trở lên trên