MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu ra bị tắc, vay vốn làm gì?

27-05-2013 - 06:59 AM | Doanh nghiệp

Tìm đầu ra cho sản phẩm mới là nguyện vọng và chiến lược kinh doanh hàng đầu của các DN sản xuất lúc này.

“Công cụ lãi suất không còn nhiều tác dụng nữa. Có nhiều DN hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 8%-9%/năm nhưng lại không có nhu cầu vay. Nhiều DN đã bị yếu đi rất nhiều, không có khả năng hấp thụ vốn nữa”.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã lưu ý như vậy cách đây vài ngày, bên lề kỳ họp Quốc hội. Dưới đây là một trường hợp cụ thể nhưng thể hiện tâm tư chung của nhiều DN mà báoPháp Luật TP.HCMmuốn chuyển đến Chính phủ và Quốc hội.

Chúng tôi đau khổ quá! Làm ông chủ mà bây giờ thất nghiệp, suốt ngày đi chơi. Ông chủ mà không biết làm gì thì người lao động của chúng tôi sẽ ra sao?

Chết trên đống tài sản

Tôi có mỏ đá và một dự án bất động sản đang dừng lại ở khu Nam TP.HCM.

Ba năm trước, có thời điểm người lao động công ty tôi lên đến gần 1.000 người. Việc thì làm không hết, ai cũng hối hả, khẩn trương. Suốt ngày nhà đầu tư trong, ngoài nước tới lui rầm rập. Giờ đây cả một dự án đồ sộ phải đóng cửa, để cỏ mọc đầy. Bên cạnh những khối bê tông cao vút là lác đác vài bảo vệ đứng, ngồi lơ đãng trông coi cho xong nhiệm vụ. Tài sản cá nhân tích lũy và vốn vay ngân hàng mấy ngàn tỉ đồng đổ vào dự án giờ thành quả là khối bê tông trơ trọi giữa trời, mặc mưa gió thăm hỏi hai năm nay.

Một năm nay, nếu mà tôi liều vay thêm vốn ngân hàng để đổ vào hoàn thiện tòa nhà thì càng chết nữa. Tôi tính sơ bộ: Cần khoảng 400 tỉ đồng để hoàn thiện nhưng nếu vay với lãi suất cao 20%/năm để làm cho xong thì phải ôm thêm cục nợ.

Thị trường bất động sản đóng băng trên mọi phân khúc, cho dù tôi có đưa ra giá hợp lý. Có ai hỏi mua căn hộ đâu? Hoàn thiện sản phẩm mà không bán được thì hoàn thiện làm gì? Giờ ngân hàng có cho vay lãi suất thấp tôi cũng không vay. Nói trái khoáy, bây giờ mà ngân hàng đến xiết nợ là tôi… vui lắm! Xiết xong trả lại cho tôi được đồng nào thì hay đồng nấy chứ bây giờ tôi như chết trên đống tài sản.

Cả công ty gần ngàn lao động giờ còn chục người ở lại… giữ hồ sơ, giấy tờ, sổ sách của công ty. Tôi khóc không thành tiếng!

Ăn không ngon, ngủ không yên

Hoạt động trong lĩnh vực tưởng bền vững là sản xuất thuốc thú y, cung cấp các chế phẩm cho ngành chăn nuôi nhưng hiện giờ, một mặt tôi phải kiếm tiền trả nợ vay, tiền lương người lao động vì hàng hóa bán không được.

Gần một năm nay cả hệ thống kinh doanh của công ty tôi chỉ lo bán thuốc gom tiền để trả nợ ngân hàng. Nguồn cơn bắt đầu từ việc công ty dồn sức xây nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP để lớn mạnh hơn. Vốn liếng tự có bao năm tích góp được một nửa, cộng vốn vay ngân hàng gần 50 tỉ đồng để xây nhà máy trên 100 tỉ đồng.

Nhưng khi nhà máy đi vào hoạt động cũng là lúc thị trường thuốc thú y sụt giảm do người dân không dám đầu tư chăn nuôi gia cầm vì dịch bệnh lớn liên tục xảy ra, thậm chí có lúc giá gà rẻ như rau.

Mặt khác, chúng tôi phải trả lãi vay ngân hàng lãi suất trên 15%/năm. Thị trường sụt giảm, thuốc sản xuất ra bán không được, nhà máy hoạt động cầm chừng, chi phí bán hàng và quản lý gia tăng… khiến vòng quay tiền lưu động thiếu trước hụt sau. Có thời điểm tôi còn nợ lương người lao động để cầm cự. Giờ tình trạng công ty như ngọn đèn trước gió, rất mong manh!

Ngày nào tôi cũng ăn không ngon ngủ không yên. Tôi sợ vay vốn ngân hàng lắm rồi! Giờ có cho vay lãi suất thấp cũng không vay. Còn nếu được quay trở lại kinh doanh thì tôi chỉ muốn làm gia công sản xuất nhỏ bằng nguồn vốn của chính mình.

Tôi đã tìm mọi cách chạy đôn chạy đáo tìm vốn giá rẻ từ các quỹ đầu tư để đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Người bên ngoài muốn rót vốn vào bằng hình thức mua cổ phần nhưng thấy đầu ra sản phẩm bế tắc nên họ… chạy luôn.

Mệt mỏi chẳng muốn kêu ca

Từ năm 2012 đến giờ, khó khăn về lãi suất của doanh nghiệp đã được kêu nhiều, đến nay vẫn chưa hết.

Thông tư số 10/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực ưu ngành kinh tế bao gồm: công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 11% xuống 10%/năm. Nghe có vẻ hấp dân nhưng cách ngân hàng thực hiện mới là điều quan trọng.

Lúc trước ngân hàng đã giảm lãi suất vốn vay nhưng nhiều DN có tiếp cận được đâu. Hầu hết các DN đều đang vay ngân hàng với lãi suất cao, nếu muốn vay tiếp thì phải xóa nợ cũ, có tài sản thế chấp đảm bảo. Có bao nhiêu DN làm được?

Hiện tại hầu hết các DN không muốn vay vốn nữa vì đầu ra sản phẩm bị tắc, hàng hóa sản xuất ra không bán được, bán giá thấp thì lỗ mà vân không ai mua. Do đó có vay thêm không giải quyết được đống hàng tồn kho, thậm chí còn chồng thêm nợ, tiền đâu mà trả? Tìm đầu ra cho sản phẩm mới là nguyện vọng và chiến lược kinh doanh hàng đầu của các DN sản xuất lúc này.

Mặt khác, lãi suất càng thấp, ngân hàng càng siết chặt thủ tục cho vay và chỉ DN có điều kiện kinh doanh khả thi cao lắm mới tiếp cận được. Nhưng số này rất ít, còn những DN đang “ngắc ngoải” thì nhiều. Thiết nghĩ nếu dự án DN trình lên có tính khả thi thì ngân hàng cũng nên xem xét cho vay.Hãy nhìn vào phương án kinh doanh chứ đừng chỉ nhìn vào tài sản thế chấp của DN!

Trong năm qua đã có hàng ngàn DN thủy sản ra đi vì nợ ngân hàng với lãi suất quá cao. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất về khó khăn của DN. Giờ DN cạn kiệt sức để kêu cúu rồi, nếu Nhà nước cạn chính sách để cúu DN cũng đành chịu. Có bao nhiêu sức thì tự làm bấy nhiêu, không thể dựa vào ai được nữa.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam


Theo M.Thảo - M.Long

thunm

Pháp luật Tp.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên