MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư ngành nước: Tiền có vào như nước?

30-10-2015 - 09:50 AM | Doanh nghiệp

Đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, đến năm 2020, dân số thành thị ở Việt Nam sẽ tăng lên 37% (từ 30%), chủ yếu tập trung ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... Sự tăng trưởng này kéo theo những yêu cầu cấp bách về hạ tầng, trong đó có nước sạch.

Phân tích "khoảng trống" để đầu tư vào ngành này, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) cho rằng, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng nên khả năng cung ứng nước sạch ở các đô thị lớn còn hạn chế, theo đó, hiện chỉ có khoảng 60% dân số đô thị được tiếp cận nước sạch.

Đó là chưa nói đến tỷ lệ thất thoát nước vẫn ở mức cao, trên 30% so với mức bình quân của các nước phát triển (15%), một phần là do hệ thống phân phối nước sạch khá cũ kỹ.

Nhìn thấy tiềm năng của ngành sản xuất và cung cấp nước sạch, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài đã tham gia đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp vào lĩnh vực này.

Thu hút doanh nghiệp tư nhân

Các công ty sản xuất và cung ứng nước sạch của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Năm 2007, với chủ trương xã hội hóa ngành nước, hàng loạt DNNN trong ngành đã tiến hành cổ phần hóa (CPH).

Theo Báo cáo về tình hình CPH ngành cấp nước Việt Nam của Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, tính đến năm 2013, có 35 công ty thực hiện IPO trong tổng số 90 công ty, tổng công ty.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 9 DNNN trong ngành nước tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trong 5 năm, kể từ khi xã hội hóa ngành nước, nhiều DN tư nhân đã mua cổ phần trong các công ty cấp nước.

Điển hình như trường hợp của Ngân hàng TMCP Đông Á, trước 2012, đã "tranh thủ lấn sân" sang ngành nước thông qua việc mua cổ phần từ các đợt IPO của một số công ty trực thuộc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco, đơn vị chiếm khoảng 90% mạng lưới phân phối nước tại TP.HCM).

Theo đó, Đông Á đã đầu tư vào Công ty Cấp nước Gia Định, Bến Thành, Nhà Bè, Phú Hòa Tân, Chợ Lớn... Không chỉ Đông Á mà thời điểm đó, Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) cũng có những khoản đầu tư vào các công ty ngành nước.

Cụ thể như việc sở hữu gần 14% cổ phần tại Công ty Cấp nước Gia Định và là một trong ba cổ đông lớn (nắm giữ 10% vốn điều lệ, cùng Quỹ VOF Investment., Ltd - VinaCapital và Sawaco) tại Công ty CP Cấp nước Thủ Đức (HOSE: TDW) khi DN này thực hiện CPH vào năm 2007.

Có một điều dễ nhận thấy là trước năm 2012, các khoản đầu tư vào ngành nước đa phần tồn tại dưới dạng đầu tư tài chính của các công ty "ngoại đạo" và các quỹ đầu tư tài chính.

Bên cạnh VOF, Dragon Capital cũng là cổ đông của Nhà máy B.O.O Nước Thủ Đức, Maybank Kim Eng Securities Pte. Ltd đầu tư vào Công ty Cấp nước Bến Thành (công ty con của Sawaco), còn Công ty Cấp nước Nhà Bè thì đón các cổ đông lớn như Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VMFVF1) và Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Việt Nam (VFMVF2) thuộc Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM).

Chính vì lý do đó mà khi khủng hoảng tài chính nổ ra từ năm 2008, nhiều quỹ đầu tư, DN buộc phải cơ cấu lại hoạt động đầu tư, phải tiến hành thoái vốn mạnh trong giai đoạn 2008 - 2013. Chẳng hạn, Vinamilk đã nhanh chóng thoái vốn khỏi các khoản đầu tư vào ngành nước.

Hay, với chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư, VOF thoái vốn khỏi TDW vào năm 2013, trong khi trước đó, vào năm 2010, Vinamilk cũng đã thoái khỏi khoản đầu tư vào Công ty Cấp nước Gia Định.

Như một quy luật tất yếu trong đầu tư, sự ra đi của DN này sẽ là cơ hội cho những DN khác. Cùng năm 2013, khi VOF và Vinamilk thoái khỏi TDW thì Công ty CP Cơ Điện lạnh (HOSE: REE) trở thành cổ đông chiến lược của TDW với việc nắm giữ 42% vốn điều lệ.

Đặt nền móng dài hạn

Tuy mới tham gia ngành sản xuất và cung cấp nước sạch vài năm trở lại đây nhưng trong chiến lược phát triển dài hạn, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là cơ điện lạnh (M&E) và sản xuất máy điều hòa nhiệt độ (thương hiệu REETECH), REE định hướng đầu tư vào một số ngành có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển như điện, nước, than và bất động sản.

Đáng chú ý, ngành nước được REE xem là mảng đầu tư dài hạn nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và mang về dòng tiền ổn định sau này. Đến cuối năm 2014, REE đã đạt tỷ lệ sở hữu trên 20% tại 6 nhà máy điện và 5 nhà máy sản xuất, kinh doanh nước sạch.

Nửa đầu năm 2015, trong số 12 công ty con, REE chiếm tỷ lệ sở hữu đến 99,97% tại Công ty CP Đầu tư nước sạch Việt Nam (cung cấp nước) và đầu tư vào các khoản khác như Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Khánh Hòa, với khoảng 53,1 tỷ đồng và góp vốn vào Công ty CP Cấp nước Đồng Nai có giá trị 76,6 tỷ đồng.

Riêng với 17 khoản đầu tư vào công ty liên kết, có đến 5 khoản REE đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch (tỷ lệ sở hữu từ 29% trở lên), cụ thể như Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức, Công ty CP Cấp nước Thủ Đức, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư nước Tân Hiệp, Công ty CP Cấp nước Trung An. Ước tính, giá trị đầu tư vào 5 công ty này ở vào khoảng 593 tỷ đồng.

Đầu tư vào ngành nước lại diễn ra khá mạnh mẽ từ sau năm 2012, đặc biệt là sự xuất hiện của những công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng và xác định đây là khoản đầu tư mang tính chiến lược.

Dĩ nhiên, điều đó không loại trừ khả năng có những khoản đầu tư mà DN tận dụng tốt cơ hội M&A để tìm lợi nhuận thông qua việc bán toàn bộ dự án hoặc cổ phần công ty sở hữu dự án cho một nhà đầu tư khác.

Được biết, những DN đầu tư vào ngành nước đợt này đang tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư sang các đô thị khác ngoài TP.HCM thông qua việc tham gia các đợt đấu giá IPO những công ty cấp nước địa phương.

Một trong những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực đầu tư nước sạch ở khu vực phía Nam có thể kể đến là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII).

CII được xem là một trong số những cổ đông sáng lập của Nhà máy Nước B.O.O Thủ Đức (nhà máy cung cấp nước lớn thứ hai tại TP.HCM với sản lượng 300.000m3/ngày/đêm).

Sau khi tái cấu trúc hoạt động công ty theo mô hình holdings, CII hoạch định 3 mảng đầu tư chiến lược là hạ tầng giao thông, hạ tầng nước và hạ tầng bất động sản nằm dưới sự quản lý của 5 công ty thành viên, trong đó Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn - Saigon Water (HOSE: SII) đảm trách đầu tư về hạ tầng ngành nước.

Theo chia sẻ từ CII, năm 2014, do Công ty tập trung chủ yếu cho đầu tư và thi công một số dự án thuộc ngành nước nên lợi nhuận của Saigon Water còn khiêm tốn.

Trong tương lai, tiềm năng phát triển của Công ty rất lớn do thị trường ngành nước tại TP.HCM và cả nước đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ và chủ trương xã hội hóa đầu tư ngành nước của Nhà nước đã thoáng hơn. Hơn nữa, các dự án thời điểm đó cũng đã đi vào vận hành.

Cho đến ngày 30/6/2015, CII đã đầu tư vào 20 công ty con và 11 công ty liên doanh, liên kết chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất nước sạch và đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều tỉnh - thành bên cạnh thị trường truyền thống TP.HCM.

Điều này được minh chứng qua các khoản đầu tư của CII từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2015.

Theo đó, CII đang triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nước sạch bao gồm nhà máy Nước Tân Hiệp 2, đang chuẩn bị đầu tư dự án giảm thất thoát nước vùng 6 (thực hiện với Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn), dự án quản lý mạng phân phối nước khu vực Tân Hòa (dự án thí điểm), Trung An.

Đồng thời tham gia cổ phần vào các công ty cấp nước thuộc tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang, Gia Lai, Lâm Đồng, Long An khi những DNNN ở đây được CPH.

Hiện CII đang nắm trên 50% cổ phần tại Công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Đankia (Lâm Đồng), nắm 33,28% tại Công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Pleiku, nắm 14,41% tại Công ty TNHH MTV Cấp nước Long An, nắm 49% của Công ty CP BOO Nước Đồng Tâm (Tiền Giang) và đầu tư hơn 147 tỷ đồng vào Công ty CP Cấp nước Cần Thơ.

Riêng khoản đầu tư và phát triển mạng lưới phân phối nước theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, CII đã mua thành công 28% cổ phần của Công ty Cấp nước Tân Hòa và đề xuất mua 65% cổ phần vốn nhà nước còn lại tại đây. Dự án mạng lưới phân phối nước khu vực Tân Hòa sẽ triển khai trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM), dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành.

Liên quan đến dự án này, Nhà máy Nước Kênh Đông mà Manila Water (thuộc Tập đoàn Ayala, Philippines) mua của CII sẽ trở thành cấp 1, còn hệ thống phân phối từ nhà máy này đến các hộ dân sẽ do Saigon Water (công ty con của CII Holdings, Manila Water cũng là cổ đông tại đây) đầu tư.

Cũng trong nửa đầu năm 2015, CII đã mua thành công hơn 3,9 triệu cổ phiếu của SII để nâng tỷ lệ sở hữu từ 49,13% lên 55,94%.

Song song với hoạt động đầu tư, CII cũng xác định, 49% cổ phần của Công ty CP BOO Nước Đồng Tâm do CII nắm giữ sẽ nhằm mục đích bán lại trong tương lai.

Cùng với các DN trong nước, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đầu tư vào hạ tầng ngành nước ở Việt Nam.

Chẳng hạn như Tập đoàn Ayala của Philippines, ngay từ năm 2008, thông qua công ty con là Manila Water, Ayala đã thực hiện dự án giảm thất thoát nước vùng 1 tại TP.HCM có giá trị 44 triệu USD (bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới).

Không chỉ là cổ đông của CII, Manila Water cũng đã tiến hành các thương vụ mua lại một số nhà máy nước, điển hình như việc mua lại 49% cổ phần tại Công ty CP B.O.O Nước Thủ Đức từ CII vào năm 2011 và mua tiếp 49% cổ phần tại Công ty CP Cấp nước Kênh Đông cũng của CII vào năm 2012.

Hơn nữa, với việc là cổ đông lớn tại Saigon Water, Manila Water cũng đồng thời đầu tư vào nhiều dự án cung cấp nước sạch khác, trong đó có Nhà máy Nước Sài Gòn - Pleiku. Ước tính, thời điểm hiện tại, Manila Water cung cấp khoảng 35% lượng nước sạch tại TP.HCM.

Không dừng lại ở đó, mới đây, vào tuần đầu tiên của tháng 10/2015, Manila Water Asia Pacific Ptd., Ltd - Singapore (đơn vị quản lý Manila Water South Asia Holdings, Công ty CP B.O.O Nước Thủ Đức và Kênh Đông) đã công bố đầu tư thêm 13 triệu USD vào các dự án tại Philippines, Singapore và Việt Nam, trong đó sẽ có 4,26 triệu USD đầu tư tại thị trường Việt Nam thời gian tới.

Một thông tin khác là vào tháng 9/2015, thông qua Công ty Chứng khoán Bản Việt và Decker&Co, CII đã gặp trực tiếp các quỹ đầu tư từ Mỹ.

Các nhà đầu tư này nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng tốt của các lĩnh vực mà CII đang kinh doanh, đặc biệt là ngành nước, trong đó, các quỹ đầu tư Mỹ đánh giá cao việc CII hợp tác với Manila Water (DN đang phân phối nước sạch ở toàn vùng phía Đông của thủ đô Manila, Philippines).

Theo NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên