MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây có thể là lý do cổ phiếu Dược Hậu Giang tăng 40%

01-03-2016 - 09:28 AM | Doanh nghiệp

Thuận lợi lớn nhất cho KQKD năm 2015 của DHG chính là việc nhà máy Nonbetalactam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% trong 4 năm (2015 – 2018).

Đóng cửa phiên giao dịch 29/2, giá cổ phiếu DHG của CTCP Dược Hậu Giang tiếp tục tăng 2.500 đồng lên mức giá 89.500 đồng/cp, tương ứng mức tăng hơn 40% trong tháng 2/2016 . Ngành Dược nói chung và cổ phiếu DHG nói riêng vẫn giữ phong độ trong hoàn cảnh thị trường chung điều chỉnh.

 


Giá cổ phiếu DHG tăng dựng đứng trong tháng 2/2016

Giá cổ phiếu DHG tăng "dựng đứng" trong tháng 2/2016

Điều gì đã tạo nên phong độ cho DHG?

Nhìn sơ bộ con số trên báo cáo kết quả kinh doanh của công ty thì trong năm 2015, trước sự canh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm đã khiến cho doanh thu thuần của DHG giảm 8% so với năm 2014, chỉ còn đạt 3.609 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 54% trong năm 2014 xuống còn 39% và theo đó, lợi nhuận trước thuế giảm 2,5% còn 704 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đi vào sâu hơn, báo cáo mới đây của CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, doanh thu của DHG giảm còn có nguyên nhân là do ghi nhận hơn 500 tỷ đồng tiền chiết khấu vào các khoản giảm trừ doanh thu thay vì ghi nhận vào chi phí bán hàng, theo yêu cầu của thông tư 200. Nếu không tính ảnh hưởng của thông tư 200, doanh thu thuần của DHG tăng 5%.

Về lý do biên lợi nhuận gộp giảm, BSC cho biết do dược phẩm sản xuất giảm mạnh (11%) trong khi doanh thu hàng phân phối tiếp tục tăng tới 182% nên tỷ trọng hàng phân phối đã tăng mạnh từ 8% lên 29%.

Nhưng thuận lợi lớn nhất cho KQKD năm 2015 của DHG chính là việc nhà máy Nonbetalactam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% trong 4 năm (2015 – 2018), tương đương giảm 44 tỷ đồng tiền thuế TNDN trong năm 2015. Đó là lý do khiến cho lợi nhuận sau thuế của ông lớn ngành Dược tăng 11% và đạt 590 tỷ đồng.

Tiết kiệm thuế thu nhập cũng chính là yếu tố thuận lợi để DHG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 679 tỷ đồng – tăng 14,2%.

Trong con sóng nới room của thị trường chứng khoán đầu năm 2016, việc cổ phiếu thuộc nhóm ngành Dược tăng trưởng mạnh mẽ đã khiến nhiều nhà đầu tư đồn đoán về khả năng nới room trong nhóm này. Điều này chưa được xác nhận nhưng cũng có thể là một yếu tố làm tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu Dược.

Nhưng dù thế nào, doanh nghiệp Dược từ trước đến nay vẫn được đánh giá là doanh nghiệp phòng thủ vững chắc bởi các yếu tố cơ bản tốt và tiềm năng trong tương lai. Như DHG, công ty này gần như không có nợ vay ngân hàng, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh cao, các hệ số thanh toán luôn ở mức cao.

Trong năm 2016, Dược Hậu Giang đặt kế hoạch củng cố và cải thiện hệ thống phân phối, cơ cấu lại danh mục sản phẩm thông qua việc mở rộng sản xuất các dòng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Đồng thời xây dựng nhà máy mới theo tiêu chuẩn PICs (dự kiến hoàn thành trong năm 2018 hướng tới thị trường xuất khẩu). Công ty kỳ vọng chiến lược này sẽ giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn năm 2015 với tốc độ tăng trưởng doanh thu mục tiêu trên 15% và ROE trên 28%.

Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn phải lưu ý về áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại sẽ khiến chi phí bán hàng của công ty tăng cao. Chi phí chiết khấu và khuyến mại đã tăng vọt từ con số 444 tỷ đồng năm 2014 lên 760 tỷ đồng trong năm qua. Điều này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016.

Tú Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên