MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ PVX: 6 tháng ước lỗ khoảng 300 - 400 tỷ

07-06-2014 - 09:51 AM | Doanh nghiệp

1 cổ đông đề nghị đổi ĐV kiểm toán Deloitte, phản hồi từ lãnh đạo DN là: "Deloitte là đơn vị kiểm toán của tập đoàn, được quốc tế đánh giá rồi và sẽ không thay đổi. Cổ đông có thể biểu quyết hoặc không".

Ngày 07/06/2014, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (viết tắt PVC, mã CK: PVX) tổ chức ĐHCĐ thường niên lần thứ 2 sau khi cuộc họp lần 1 bất thành.

Tham dự đại hội có 50 cổ đông đại diện cho 61,6% số cổ phần có quyền biểu quyết.

9h20, ông Bùi Ngọc Thắng – chủ tịch HĐQT đọc báo cáo về KQKD năm 2013 và kế hoạch 2014.

Báo cáo của HĐQT về kết quả kinh doanh năm 2013 cho biết trong năm 2013, Công ty mẹ PVC triển khai chủ yếu là các công trình/dự án chuyển tiếp (Vũng Áng, Thái Bình,...), đối với các phần việc mới (dự án Nghi Sơn, Viện Dầu khí phía Nam, dự án Âu tàu Rạch Chanh) đều đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc bắt đầu triển khai vào các tháng cuối năm, chậm so với dự kiến ban đầu, dẫn đến sản lượng/doanh thu thực hiện cả năm đạt thấp.

Theo đó, tổng giá trị SXKD của Tổng công ty này năm 2013 là 5.745 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 5.300 tỷ - vượt 17,8% so với kế hoạch, trong đó doanh thu của công ty mẹ là 2.356 tỷ. Tuy nhiên, do phải trích lập chi phí dự phòng quá lớn, PVX đã lỗ hợp nhất sau thuế 2.228 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh này chưa bao gồm các khoản tiềm ẩn lỗ như: các khoản lỗ do chi phí dở dang nằm trong phần phát sinh các công trình chưa được chủ đầu tư phê duyệt, các khoản lỗ tại các đơn vị thành viên chưa thể hiện hết, các khoản phải thu của các đơn vị đang rất khó khăn về tình hình tài chính như PVC-SG, PVC-ME, PVC-HN, PVC-MT… và các khoản PVC đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị thành viên đã quá hạn.

BCTC kiểm toán của PVX cho biết tính đến ngày 31/12/2013, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế 3.262 tỷ đồng. Quý I/2014, PVX cũng tiếp tục lỗ hơn 167 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối quý 1 năm 2014, lỗ lũy kế chưa phân phối của PVX là 3.360 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ tại cùng thời điểm là 4.000 tỷ đồng

Trước đó, PVX đã thoát án hủy niêm yết do báo cáo kiểm toán năm 2011 bất ngờ thay đổi từ lỗ sang lãi.

Ông Bùi Ngọc Thắng nhận định, ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến kết quả thua lỗ này là do sự yếu kém trong quản trị điều hành đã tích lũy qua một thời gian dài.

Năm 2014, PVX đặt kế hoạch giá trị sản xuất kinh doanh là 8.500 tỷ đồng – tăng 47,9% và doanh thu là 7.500 tỷ - tăng 41,5% so với năm 2013. Kế hoạch lợi nhuận được bỏ ngỏ.

Với những diễn biến mới nhất về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Ban lãnh đạo PVC chủ trương trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung xử lý những tồn tại trước đây, xử lý những hồ sơ quyêt toán tồn đọng, triển khai các dự án lớn.

“Dự án Vũng Áng ngày 30/06 sẽ cơ bản rút quân, coi như xong. Dự án Thái Bình cũng hoàn thành đúng tiến độ với vai trò của tổng thầu. Các dự án nhỏ khác vẫn đang triển khai.” – ông Thắng cho biết.

Trong năm 2013, PVX đã thoái vốn thành công tại PSA thu về 7,14 tỷ đồng (vốn đầu tư ban đầu là 6,8 tỷ) và hạch toán 340 triệu đồng lợi nhuận. Năm 2014, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí và các đơn vị vẫn tiếp tục tìm kiếm và làm việc với các đối tác để chuyển nhượng phần vốn góp.

Với đề án tái cơ cấu, PVC không kinh doanh bất động sản mà tập trung vào mảng kinh doanh chính. Mục tiêu sau 2015, PVC là đơn vị chủ lực của PVN chuyên các DA trên bờ.

“99% doanh thu mang lại cho tổng công ty là từ Tập đoàn dầu khí, PVN coi PVC như công ty con mặc dù chỉ sở hữu 55%” – ông Thắng nhận định nhờ vậy kế hoạch doanh thu này rất khả quan.

Kết quả 6 tháng đầu năm, PVC tiếp tục lỗ khoảng 300- 400 tỷ. HĐQT đưa ra 2 kịch bản:

- KB1: năm 2014 tiếp tục lỗ 1.000 tỷ, khiến cho PVC hết vốn chủ sở hữu.

- KB2: Nhờ tập đoàn tái cơ cấu lại các khoản nợ, trích lập dự phòng được phân bổ vào các năm sau. Như thế, PVN chịu giảm lãi và lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 của PVC khoảng 3.600 tỷ.

Ông Thắng cho biết, tuần qua PVC vừa thoái vốn được thêm tại một công ty là Fecon Mining, thu về 45 tỷ .

9h35, ông Trần Minh Ngọc – tổng giám đốc báo cáo.

Ông Ngọc cho biết các đơn vị của PVC đã dừng triển khai các dự án bất động sản chưa thực hiện đầu tư hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng không thu xếp được vốn, giãn tiến độ một số dự án không bán được hàng, đẩy nhanh tiến độ các DA gần hoàn thành để bàn giao cho khách đúng thời hạn và  tìm đối tác để thoái vốn khỏi một số dự án.

Hiện nay, PVC mẹ đang thi công 20 công trình. Do biến động về giá cả và điều chỉnh thiết kế dẫn đên phát sinh chi phí tại một số dự án nhưng chưa được chủ đầu tư phê duyệt trong khi PVC vẫn phải bù đắp chi phí, tiếp tục triển khai để đảm bảo tiến độ DA…

PVC đã làm việc với tập đoàn về việc gia hạn khoản vay ủy thác qua Oceanbank. Theo đó, tập đoàn đã có văn bản chấp thuận gia hạn các khoản vay ủy thác của PVC đến 31/12/2014 với lãi suất ủy thác bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, áp dụng từ thời điểm PVC không trả được lãi và phí ủy thác 0%.

Năm 2014, Công ty mẹ dự kiến đầu tư mới trạm trộn bê tông thương phẩm 90m3/h tại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tỉnh Thái Bình với giá trị đầu tư 13,41 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có.
Các công ty con tập trung đầu tư tại một số dự án trọng điểm như:

- Dự án Bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại và thiết bị dầu khí Sao Mai Bến Đình (giai đoạn II) của PVC-MS;

- Dự án Khu nhà ở CBCNV tại 242 Nguyễn Hữu Cảnh- Vũng Tàu của PVC- IC;

- Chung cư Mỹ Phú tại Quận 7, TP. Hồ Chí Minh của PVC- Petroland;

- Chung cư Petro Vietnam Landmark tại Q2. TP. Hồ Chí Minh của PVC Land;...

Đồng thời thực hiện thoái vốn và chuyển nhượng các Dự án:

- Quyết toán/thẩm định, chuyển nhượng Dự án Hạ tầng KCN Soài Rạp cho Tập đoàn hoàn thành trong Quí II/2014.

- Làm việc với PVEP để chuyển nhượng Dự án Tổ hợp khách sạn dầu khí Thái Bình.

- Khu nhà ở CBCNV NM Nhiệt điện Thái Bình 2: 7,6 ha của PVC- TB.

- Tiếp tục tìm kiếm đối tác chuyển nhượng dự án Bạc Liêu Tower của PVC- Mekong, Khách sạn Lam Kinh…

- Xây dựng phương án và xử lý dứt điểm các tồn đọng tại các dự án đang gây bức xúc cho dư luận như: PetroVietnam Landmark, chung cư Mỹ Phú – quận 2…

- Tìm kiếm các đối tác để hợp tác/chuyển nhượng các dự án hoặc thoái phần vốn góp của PVC tại các đơn vị không trong chiến lược của Tổng công ty.

Theo lời ông Ngọc, năm nay, nếu không có các giải pháp quyết liệt hoặc có các “phương án đặc thù” từ cấp trên thì PVC sẽ lỗ 3 năm liên tiếp. PVC đã đề nghị lên Tập đoàn, Bộ công thương và đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về các hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài. Ông Ngọc nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng nhất có thể cứu PVC là được các cấp có thẩm quyền “cấp cho cơ chế đặc thù để tìm kiếm việc làm”.

11h, ông Nguyễn Thanh Liêm thay mặt cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu.
Ông Liêm tán thành việc năm 2013, PVC đã cương quyết không giao nhiệm vụ cho các đơn vị yếu kém như PVC-ME, PVC-MT… và nhấn mạnh về các nguyên nhân chủ quan của việc kéo dài tiến độ dự án, lập giá trị DA không phù hợp thực tế. Công tác quản trị doanh nghiệp, tài chính … chưa chuẩn mực và trong quá trình thực hiện, không căn cứ vào hợp đồng kinh tế, không quan tâm đến hiệu quả mà “chỉ quan tâm việc cấp trên giao”.

Ông Liêm cho biết DA Vũng Áng 1 đã được PVN trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư và đã chuyển lại cho Bộ Công thương. Các việc luân chuyển dòng tiền và phân bổ dự án cũng đã được kiến nghị. 

“Nếu suôn sẻ PVC sẽ có thêm 800 tỷ nữa, tạo điều kiện cho PVC phát triển hoạt động của mình.”

Nhận xét tiếp về lãnh đạo PVC, ông Liêm nói, bản kiểm điểm của Ban lãnh đạo PVC trình lên PVN chưa hoàn toàn nghiêm túc, không nhận lỗi chủ quan mà đều nêu nguyên nhân khách quan.

“Tập đoàn sẽ xem xét lại những bản kiểm điểm này” – ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, doanh thu của PVC đều là từ các DA của tập đoàn dầu khí, không có DA ngoài nên PVC cần cố gắng đánh giá lại và mở rộng khả năng tìm kiếm khách hàng bên ngoài. Một việc quan trọng hơn nữa là phải quyết liệt xử lý các hợp đồng bảo lãnh về công nợ để thu hồi nợ, cắt giảm chi phí, tìm giải pháp “hết sức đột phá” về tài chính, về nhân sự vì PVC hiện là đơn vị khó khăn nhất của PVN, nếu không phải là các giải pháp “hết sức đột phá” thì không thể giải quyết được các vấn đề nội tại.

“PVN không thể để PVC chết, một đơn vị mấy năm trước vừa nhận danh hiệu đơn vị anh hùng lao động, sao để chết được? Nhưng PVC phải nỗ lực vực mình dậy. Còn khó khăn thì chúng tôi vẫn còn ủng hộ.”

Theo đó, PVN đã làm việc với các tổ chức tín dụng để khoanh, giãn nợ cho PVC.

11h15, bắt đầu phần thảo luận.

Một cổ đông có kinh nghiệm trong ngành xây lắp dầu khí từ năm 1987 bày tỏ sự đau lòng về PVC hiện nay. Trách nhiệm thuộc về ai? – cổ đông này đặt câu hỏi. Theo cổ đông này, PVC hiện nay có dấu hiệu phá sản chứ không phải chỉ là lỗ.

“Con số lỗ được công bố đã chính xác chưa? Tôi đề nghị PVN nghiêm túc xử lý sai phạm tại PVC, góp phần lấy lại phần vốn thất thoát. Dấu hiệu hình sự thì để các cơ quan pháp luật xử lý.
Xin cho biết ý kiến rõ ràng về việc tái cơ cấu nhân sự khi mà việc tái cơ cấu nhân sự do PVN quyết định chứ PVC không tự quyết định được.

Nhà máy NĐ Thái bình 2 có dấu hiệu không tốt: có đấu tranh nâng giá thầu lên không? Có chuyện PVN chuyển trước 5000 tỷ cho PVC, đề nghị báo cáo việc sử dụng số tiền này.
PVC liên doanh với Lilama tại DA NĐ Thái Bình 2 này cần làm rõ. PVC có làm nổi 70% không? Không thì sẽ phạm luật.

Đề nghị xem lại BKS, BKS vừa qua không kiểm soát được gì hết.

Kiến nghị thay đổi đơn vị kiểm toán. Đã lộ ra những sai phạm từ các khoản lỗ của PVC. Tại sao cứ là Deloitte, thay đơn vị khác để soi lại những gì công ty kiểm toán này đã làm.

Yêu cầu PVN và PVC xin lỗi cổ đông!”

Chủ tịch HĐQT của PVN trả lời:

“Chúng tôi đã kiểm điểm rất nghiêm túc với Bộ công thương, sẽ công bố công khai bằng văn bản.

Tái cơ cấu là quyết tâm của tập thể PVC, căn cứ vào chỉ đạo của TTCP. Việc thực hiện rất nghiêm túc với mục tiêu PVC là đơn vị chủ lực của PVN trên bờ. Quyền lợi và sự mất mát của PVN lớn hơn nhiều so với quyền lợi 3.000 cổ phiếu của cổ đông vừa phát biểu nên PVN chỉ đạo rất nghiêm túc.

Về NĐ Thái Bình, 5000 tỷ đưa vào DA có hồ sơ quyết toán đàng hoàng. Việc sử dụng sai mục đích 700 tỷ không phải phạm luật mà là đưa vào các DA khác có tên tuổi đàng hoàng, PVC đã báo cáo A85 về việc này, các cổ đông hãy yên tâm là minh bạch.

Việc liên minh với Lilama ký hợp đồng 2 tổ máy là chỉ định thầu. Đây là hợp tác toàn diện giữa 2 đơn vị của Bộ công thương và Bộ xây dựng, theo quan điểm “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

BKS hoạt động đúng điều lệ công ty, nếu cổ đông thấy sai thì hãy chỉ ra cụ thể.

Deloitte là đơn vị kiểm toán của tập đoàn, được quốc tế đánh giá rồi và sẽ không thay đổi. Cổ đông, với 3.000 cổ phiếu của mình, có thể biểu quyết hoặc không.

Tại cuộc họp này, tôi thay mặt HĐQT xin lỗi cổ đông, xin lỗi tập đoàn. Trách nhiệm của ai người ấy chịu nhưng sẽ phải làm minh bạch hoạt động của PVC.”

Trước các câu hỏi tại đại hội, Tổng giám đốc trả lời, ngày 23/5/2014, Bộ công thương đã trình TTCP điều chỉnh giá trị DA Thái Bình 2, sẽ có lợi cho PVC.

PVC với tư cách nhà thầu chính, chọn Lilama tham gia DA Thái Bình 2 (chưa đến 40%), đó là nguyên tắc thông thường khi ký hợp đồng giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Còn hợp đồng ký hợp tác toàn diện với Lilama là riêng biệt và không chỉ ở DA Thái Bình.

Về kế hoạch thoái vốn, theo chỉ đạo của Thủ tướng đến hết 2015 phải thoái hết 36%.

Một cổ đông khác hỏi, PVC có đăng ký kinh doanh ngành nghề đầu tư cổ phần cổ phiếu không, khi đã đầu tư vào 40 công ty khác (rút kinh nghiệm từ vụ xử bầu Kiên hiện nay)? Ông Thắng trả lời: chúng tôi có đủ chức năng để thực hiện việc này. Chúng tôi đang thực hiện rất tốt. Hiện đang hoán đổi, thoái 1 số cổ phiếu theo lộ trình.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên