Điện máy về tỉnh tiềm năng nhưng không dễ
Mở trung tâm điện máy ở các tỉnh xung quanh các TP lớn như TPHCM, Hà Nội đang trở thành con đường được nhiều DN điện máy chọn. Song với quy mô nhỏ của những thị trường này có thực sự hấp dẫn?
- 06-08-2015Ngành bán lẻ điện máy vẫn là mảnh đất đầy “màu mỡ”?
- 08-07-2015Điện Máy Xanh: Quá nhanh có quá nguy hiểm?
Chuyển hướng mua sắm
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Toàn, hiện đang sinh sống tại Thái Bình, từ khi có siêu thị điện máy HC anh và gia đình gần như không còn mua các sản phẩm điện máy ở những cửa hàng nhỏ lẻ như trước nữa mà cứ cần mua gì sẽ vào HC. Lý do được anh Toàn đưa ra là siêu thị có rất nhiều sản phẩm, giá thành khá hợp lý và đặc biệt có nhiều chương trình khuyến mại tặng quà, giảm giá.
“Trước đây, khi phải mua hàng ở những cửa hàng nhỏ lẻ chúng tôi gần như không bao giờ biết đến hàng khuyến mại vì họ lấy ra bán lẻ hết. Rồi giá cả cũng vô tội vạ, quen giảm nhiều, khách lạ cứ thoải mái chặt chém. Khổ nhất là khâu bảo hành, mua thì hồ hởi, khi mang đến bảo hành giống như đi xin” - anh Toàn kể.
Ngày 29-8 vừa qua, Điện máy Xanh đã chính thức đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường miền Bắc. Nhưng khác với lẽ thường thấy khi ra phía Bắc sẽ ra Hà Nội, Điện máy Xanh chọn khai trương siêu thị đầu tiên tại khu vực miền Bắc ở Cao Bằng.
DN này nhìn nhận, Cao Bằng là nơi nhu cầu mua sắm các thiết bị điện tử, điện lạnh của người dân địa phương rất cao nhưng do cản trở về mặt địa lý nên vẫn chưa có chuỗi hệ thống bán lẻ điện máy theo phương thức hiện đại nào có đủ sức vươn ra và phục vụ người tiêu dùng tại đây. Sau Cao Bằng, những địa điểm tiếp theo Điện máy Xanh dự kiến có mặt là Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Hải Phòng… nhưng chưa thấy DN này nhắc đến Hà Nội.
“Chúng tôi nhìn nhận khu vực miền Bắc là cả một thị trường rộng lớn không chỉ gói gọn tại Hà Nội, Hải Phòng mà là cả một khu vực Tây Bắc với 6 tỉnh thành, Đông Bắc 9 tỉnh thành, đồng bằng sông Hồng 10 tỉnh thành với mật độ dân cư đông đúc. Do vậy tiềm năng ở thi trường này vẫn còn nhiều” - ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc CTCP Thế giới di động, chia sẻ.
Có thể nói, chiến lược đi về các tỉnh của các DN điện máy cả khu vực trong Nam và ngoài Bắc đang trở thành một hướng đi đúng đắn khi thị trường ở các TP lớn đang dần bão hòa do có quá nhiều trung tâm điện máy cùng mọc lên. Thế nhưng ngay cả hướng đi ấy cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, bởi nếu không khéo cũng lại vướng cảnh đất chật DN đông.
Thị phần còn nhỏ
Điều đầu tiên có thể nhận thấy là thị trường các tỉnh tuy tiềm năng nhưng quy mô thị trường lại không lớn, thậm chí có một số khu vực còn khá nhỏ. Trở lại câu chuyện của Thái Bình, với chỉ một siêu thị HC có thể vẫn chưa đủ đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng nếu có nhiều hơn 2 siêu thị điện máy có lẽ bài toán thị phần sẽ buộc phải tính lại.
Thêm vào đó, thói quen của người dân ở các tỉnh, nơi thu nhập còn chưa cao, chính là “ăn chắc mặc bền”. Những món đồ điện tử như tivi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, thậm chí là bình đun nước siêu tốc cũng có thời gian gắn bó lâu dài với gia chủ. Nếu nó chưa hỏng hóc thật khó khiến người tiêu dùng móc hầu bao mua cái mới.
Trước những khó khăn của thị trường, các DN gần như không chùn chân mà còn đặt ra nhiều tham vọng trong việc mở rộng mạng lưới của mình. Là chuỗi bán lẻ điện máy có nhiều điểm bán nhất đến thời điểm này với 35 điểm bán tại 21 tỉnh thành, Điện máy Xanh đặt mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ có 60-70 siêu thị phủ rộng toàn quốc và qua năm 2016 sẽ phủ sóng khắp 63 tỉnh thành và có hơn 100 siêu thị.
Một trong những cái tên cũng gây được sự chú ý trong thời gian qua đó chính là Điện máy Trần Anh, sau thời gian bị lỗ khá dài, kết quả kinh doanh 6 tháng của Trần Anh khá khả quan với lợi nhuận bằng 136% kế hoạch. DN này cũng có kế hoạch tăng số lượng siêu thị lên con số 19 vào cuối năm nay và sang năm 2016 sẽ Nam tiến.
Giai đoạn đầu trong cuộc đua về tỉnh mọi thứ còn đang rất hấp dẫn, song có đi đường dài mới hay sức ngựa.
Sài Gòn đầu tư tài chính