MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Digiworld và cú "đổi tay" chiến lược

04-02-2016 - 09:32 AM | Doanh nghiệp

Đặt trọng tâm phát triển kinh doanh ngành điện thoại di động thay vì mảng sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị văn phòng, liệu rằng Digiworld có "sống sót" khi bước vào "vùng đất" lành ít dữ nhiều này!

Từ buôn linh kiện đến... phân phối sản phẩm CNTT và thiết bị di động

Công ty Cổ phần Thế Giới Số - Digiworld (Mã: DGW – HoSE) chính thức niêm yết trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2015 với các hoạt động kinh doanh chính là nhà phân phối bán buôn các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị di động như Acer, Asus, HP, Dell, Toshiba, Samsung, Lenovo, Ricoh, Wiko, Xiaomi, Obi….

Digiworld hiện có hệ thống kênh phân phối trên 6.000 đại lý phủ kín 63 tỉnh, thành trong cả nước cùng 5 trung tâm bảo hành ủy quyền DGCare, 4 trung tâm kinh doanh và chuỗi hệ thống quản lý bằng phần mềm ERP, SAP – cung ứng hàng hóa DGSupply Chain với tổng diện tích 7.000m2.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tiền thân của Digiworld là Công ty TNHH máy tính Hoàng Phương, có mặt trên thị trường từ năm 1997, là một công ty hiếm hoi kinh doanh linh kiện để lắp ráp máy tính, một ngành mới mẻ và đón đầu xu thế sử dụng Internet tại Việt Nam lúc bấy giờ.

“Những năm 1997 – 2000, ngành bán lẻ ở Việt Nam còn rất nhỏ lẻ và manh nha, trong khi đó chúng tôi đã củng cố và phát triển hệ thống bán sỉ của công ty mỗi ngày. Khi có hệ thống ổn định và vững chắc, chúng tôi kiên định đưa Digiworld theo con đường phân phối bán sỉ”, bà Tô Hồng Trang, một trong ba thành viên sáng lập Digiworld cho biết.

Theo bà Trang, sức mạnh công nghệ và sự đổi mới là những lý do thuyết phục bà cùng 2 thành viên khác – ông Đoàn Hồng Việt, bà Đặng Kiện Phương đi theo con đường kinh doanh gắn liền với thiết bị công nghệ, thiết bị di động.

Nói về những khó khăn trong quá trình tham gia điều hành Digiworld, bà Trang nhớ lại cách đây gần 10 năm, khi Công ty đứng trước áp lực phải mở rộng, thu hút nhân sự quản lý từ nhiều nguồn (từ đối thủ, từ ngành hàng khác…), Ban lãnh đạo Công ty đã phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là sự mâu thuẫn văn hóa.

Bà Trang chia sẻ thêm, những người mới vào công ty mang theo văn hóa của nơi họ từng làm và mâu thuẫn với văn hóa hiện tại ở Digiworld. Những xung đột văn hóa này xảy ra mỗi ngày. “Họ phải thay đổi vì mình hay mình sẽ thay đổi theo họ đây”, bà Trang luôn tự hỏi. Và rồi, suốt 3 năm liên tục, bà Trang cùng Ban lãnh đạo Công ty kiên trì với các chương trình đào tạo, team building, lan tỏa văn hóa tôn trọng sự khác biệt nhưng vì mục tiêu chung.

Đến nay, mỗi thành viên trong Công ty đều đã cảm nhận được họ là những người tạo nên văn hóa DGW với 5 giá trị cốt lõi: đồng thuận, tận tâm, làm chủ, chính trực và trách nhiệm.

Điện thoại di động sẽ là mũi nhọn

Trong nhiều năm nay, mảng máy tính xách tay chiếm hơn 50% cơ cấu doanh thu nhưng Digiworld lại định hướng chuyển dịch sang mảng kinh doanh ĐTDĐ. Bên cạnh đó, công ty vẫn phát triển mảng máy tính xách tay và thiết bị văn phòng, tuy nhiên doanh số sẽ giảm xuống.

Dự báo của IDC cũng cho biết, thị trường ĐTDĐ, đặc biệt là smartphone sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 23,5% trong giai đoạn 2014 - 2018. Doanh số thị trường ước tính tăng từ 11,6 triệu chiếc (năm 2014) lên 26,9 triệu chiếc (năm 2018). Do đó, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tin tưởng tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ còn cao hơn nữa và là cơ hội để Digiworld chen chân.

Theo thống kê của GfK, thị phần của DGW trong lĩnh vực phân phối bán buôn điện thoại di động hiện chiếm khoảng 8%, sau 2 công ty lớn nhất là PET và FPT. Đây là một kết quả khá ấn tượng nếu so sánh về thời gian hoạt động của DGW với PET và FPT (đã phân phối ĐTDĐ từ những năm 2005 - 2006).

Theo định hướng của Digiworld, thị trường nông thôn được xem là rất tiềm năng cho ngành phân phối những mặt hàng điện thoại thông minh thuộc phân khúc bình dân, đặc biệt là những thương hiệu với giá cả hợp lý từ Trung Quốc và các thương hiệu nội địa.

Năm 2016, Digiworld đặt kế hoạch doanh thu sẽ đến từ 3 mảng chính, gồm Máy tính xách tay & Máy tính bảng, Điện thoại thông minh và Thiết bị văn phòng. Phân phối điện thoại Nokia – mảng kinh doanh chiếm 100% doanh thu của DGW năm 2013 đã bị sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2015 với tỷ lệ 64%. Với những chính sách chuyển đổi chiến lược kinh doanh nên Nokia dần hạn chế nguồn lực vào việc sản xuất điện thoại. Vì vậy, năm 2016, doanh thu từ mảng Nokia không còn tồn tại trong kế hoạch của DGW.

Kế hoạch kinh doanh năm 2016 của DGW
Kế hoạch kinh doanh năm 2016 của DGW

Đặc biệt, tiếp tục chiến lược dài hạn, Digiworld xác định năm 2016 sẽ là năm "bùng nổ" của mảng kinh doanh điện thoại di động, tăng từ 656 tỷ đồng lên tới 2.337 tỷ đồng, tương đương tăng 256%. Ông Việt tự tin Digiworld sẽ đạt được con số kinh doanh này dựa trên nền tảng Digiworld đã trở thành nhà phân phối chính thức của nhiều hãng điện thoại mới như Obi, Intex, Lenovo và Motorola.

Đặc biệt, Intex là một thương hiệu đến từ Ấn Độ, phân khúc trung bình, sẽ rất có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc không thương hiệu. Các sản phẩm Intex, Lenovo dự kiến sẽ có mặt trên thị trường trong quý I/2016 và sẽ nhiều hơn từ quý II/2016.

“Biển lớn” còn nhiều rào cản?

Hiện tại, thị trường bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam phát triển khá sôi động với một số thương hiệu lớn như thegioididong.com, FPTshop. Hai chuỗi này lần lượt có khoảng gần 600 cửa hàng và 250 cửa hàng trên toàn quốc. Trong khi đó, khả năng các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tự mình nhảy vào làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp cung ứng không phải không thể xảy ra. Vì thế, sức ép cạnh tranh đối với DGW là khá cao.

Đánh giá về triển vọng phân phối smartphone giá rẻ, CTCK Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thế mạnh về phân phối điện thoại di động giá rẻ và lợi thế độc quyền từ một số sản phẩm của DGW sẽ phát huy trong năm 2016. Thương hiệu Wiko đã khẳng định vị thế ở thị trường châu Âu vốn khắc nghiệt, vì vậy có cơ sở để cho rằng thương hiệu này sẽ tiếp tục thành công ở thị trường Việt Nam. Năm 2016, BVSC dự đoán sẽ là năm bùng nổ doanh số của Wiko tại Việt Nam. Đối với thương hiệu Obi, BVSC cũng đánh giá tương tự. Do đó, đối với BVSC, triển vọng kinh doanh năm 2016 của DGW là khả quan.

Ngược lại với những dự báo của BVSC, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại có một số lo ngại. Cụ thể, VDSC chỉ ra thị trường điện thoại di động đang bước vào giai đoạn gần như bão hòa tại khu vực thành thị. Đồng thời, sự lớn mạnh rất nhanh của các nhà bán lẻ điện thoại khiến thị phần của công ty phân phối bị sụt giảm và triển vọng dài hạn của các công ty này cũng bị nhà đầu tư quan ngại nhiều hơn.

VDSC nhận thấy DGW sẽ tập trung khai thác thị trường mà tại đó các nhà bán lẻ lớn khó có thể khai thác được, tức khu vực vùng xa thành thị (các cửa hàng nhỏ lẻ). Thị phần tiêu thụ sản phẩm điện thoại của phân khúc này hiện đang chiếm 50% thị phần toàn thị trường. Do đó, nếu DGW thành công với chiến lược này, hoạt động kinh doanh của DN vẫn có thể phát triển ổn định trong ngắn hạn nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ ở mức vừa phải.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

Trở lên trên