Định giá 2 triệu đô gọi vốn hơn 1 triệu đô, Lozi đã về tay quỹ ngoại?
Lozi - một Startup gọi món Việt Nam vừa nhận được hàng triệu USD từ nhà đầu tư Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan – đã từng từ chối nhiều quỹ đầu tư Việt Nam.
Câu chuyện Startup Việt nhận được quỹ đầu tư lên đến hàng triệu USD làm xôn xao cộng đồng khởi nghiệp những ngày vừa qua. Dư luận không hết lời khen ngợi và tò mò song câu hỏi chính xác số vốn được đầu tư là bao nhiêu vẫn còn bỏ ngỏ.
Bỏ qua mọi dấu hỏi, đối với một Startup, điều quan trọng hơn cả gọi vốn thành công là định hướng phát triển trong thời gian tới. Và kinh nghiệm để lại cho cộng đồng khởi nghiệp muốn gọi vốn thành công phải làm gì?
Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với các founder (Người sáng lập) của Lozi về vấn đề này.
Vừa nhận được hàng triệu USD từ nhà đầu tư Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan. Tâm trạng của Lozi là gì?
Founder Phạm Quang Huy: Sung sướng. Vì nguồn lực này giống như là học sinh giỏi thì được thưởng. Có nguồn vốn này Lozi có thể đầu tư vào nhiều mục đích khác. Tất cả mọi người đều cảm thấy vui hơn và tự tin hơn.
Không dễ để gọi vốn thành công từ nhà đầu tư nước ngoài, Lozi đã thuyết phục họ như thế nào?
Founder Phạm Quang Huy: Đương nhiên cái gì cũng phải có điều kiện. Họ đã đưa ra những yêu cầu rất cụ thể về kế hoạch kinh doanh, đề án maketing... Người ta cũng phải tiếp xúc với team của chúng tôi nữa.
Chủ yếu là giai đoạn đầu họ sẽ đầu tư vào phần ý tưởng. Đến giai đoạn của Lozi thì họ đã nhìn thấy con số rõ ràng rồi.
Con số rõ ràng ở đây cụ thể là gì?
Founder Phạm Quang Huy: Đó là sản phẩm của Lozi rất đặc biệt. Lozi được lấy cảm hứng từ một mạng xã hội của nước ngoài là Pinterest. Nhìn bề ngoài thì Lozi có vẻ giống Pinterest nhưng thực ra Lozi gần như là một bản dùng riêng cho Việt Nam.
Nhiều người nói Lozi vướng phải sức ép rất lớn từ những đối thủ gạo cội như Foody… Tuy nhiên, phiên bản của Lozi khác với Foody. Lozi có nhiều ảnh và nội dung mà người dùng đánh giá lại. Với một phiên bản gần gũi như vậy thì ứng dụng của Lozi đạt được lượng người dùng lớn như lượng truy cập traffic trên web chẳng hạn.
Lozi đã phát triển mạnh ở 2 thành phố là Hà Nội và Sài Gòn. Riêng bản web có tầm khoảng 4 triệu lượt visit mỗi tháng. Và trên web đã có khoảng 600.000 người đăng ký.
Quay lại câu chuyện Lozi đi tìm kiếm các nhà đầu tư, tại sao không phải là nhà đầu tư Việt Nam mà Lozi lại chọn nhà đầu tư nước ngoài?
Founder Trần Minh Sơn: Mọi thứ bắt đầu từ khi sản phẩm của Lozi còn là phôi thai, chuẩn bị ra mắt. Đó là thời điểm năm 2013. Lúc đó, Lozi được rất nhiều quỹ cũng như các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm. Chẳng hạn như Bitexco trong miền Nam.
Nguồn lực người ta không thiếu. Họ có thể cho mình hơn rất nhiều so với những gì mình yêu cầu. Vấn đề đặt ra là phát triển và doanh thu.
Tuy nhiên, thời điểm đó Lozi cũng không vội trong vấn đề đầu tư lắm. Vì vậy, sau khi cân nhắc, Lozi từ chối và quyết định đi theo hướng phát triển sản phẩm.
Chủ chương của Lozi là tìm thấy những nguồn lực hay nguồn hỗ trợ trước hết là có thể phát triển lâu dài hoặc là phát triển có chiều sâu. Lozi mong muốn cái mà chúng tôi nhận được là có thể tin tưởng được.
Thứ 2 là người ta cũng phải có cùng tầm nhìn với chúng tôi trên khía cạnh là người có kinh nghiệm trong mảng đấy.
Sau đó, từ những mối quan hệ móc nối dần dần, Lozi đã tìm ra được những người có mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Hầu như các quỹ đó lại là quỹ nước ngoài. Lozi cảm thấy con đường đó sẽ đúng đắn hơn. Chúng tôi không muốn từ chối các nhà đầu tư Việt Nam. Bản thân Lozi cũng từng tham dự một đề án khởi nghiệp và cũng tìm được một số tiếng nói nhất định
Nói như vậy có nghĩa là Lozi đã từng từ chối rất nhiều các nhà đầu tư trong nước?
Founder Trần Minh Sơn: Cả chúng tôi từ chối người ta lẫn người ta từ chối chúng tôi. Người ta nói thẳng là mô hình này không phù hợp với thị trường Việt Nam.
Khi nhận được vốn, áp lực của Lozi từ nhà đầu tư như thế nào? Có áp đặt là 1 năm Lozi phải đạt được doanh thu và lợi nhuận bao nhiêu không ?
Fouder Trần Minh Sơn: Thực ra thì không có mấy áp lực. Tức là họ hỗ trợ về vốn chứ không đi quá sâu vào cách chúng tôi vận hành hoạt động như thế nào. Chúng tôi cần hỗ trợ gì thì chúng tôi tìm đến họ thôi. Họ vẫn muốn chúng tôi phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, phát triển công ty đi lên. Điều đó đối với họ quan trọng hơn.
Có thể nói đây là giai đoạn hai người đang tìm hiểu nhau. Còn chưa có một hứa hẹn hay đòi hỏi gì.
Còn các áp lực khác thì sao? Chẳng hạn như thị trường hay đối thủ cạnh tranh?
Founder Trần Minh Sơn: Một trong những khó khăn hiện nay của Lozi là phát triển sản phẩm. Nói về vấn đề này thì có vẻ đơn giản. Nhưng thực tế là team tech của Lozi phải đầu tư thời gian vào để nghiên cứu behavior (thái độ, hành vi) của người dùng rất là nhiều. Xem xem họ tương tác trên Lozi thế nào. Rồi đọc dữ liệu...
Các bạn trong quá trình làm phải giải quyết nhiều vấn đề. Đôi khi cũng có vài lỗi nhỏ nhưng cái chính là làm thế nào để đưa ra được các tính năng mới để đáp ứng được đúng cái người dùng cần. Đó là một vấn đề rất khó.
Trước đây, Nguyễn Hoàng Trung - CEO của Lozi chia sẻ rằng kế hoạch của các founder của Lozi là gói khách hàng từ lúc tìm kiếm món ăn cho đến lúc trả tiền. Liệu điều đó có phải là Lozi quá tham vọng không?
Founder Phạm Quang Huy: Ở thời điểm này thì Lozi có ý định phát triển thêm một vài cái dựa trên sản phẩm. Tất nhiên điều mà Lozi muốn đó là tất cả những cái Lozi đang làm sẽ đem lại những giá trị cho người dùng nhiều hơn. Tức là người dùng không chỉ cảm thấy là ở đó chỉ share ảnh, viết review mà nó sẽ trở thành một phần cuộc sống của họ.
Thông tin cho thấy Lozi được định giá 2 triệu USD, trong khi mới đây quỹ gọi vốn được 6 con số (ít nhất là 1 triệu USD), điều này đồng nghĩa với việc 50% cổ phần của Lozi đã về tay quỹ đầu tư, Lozi đã là “của người khác?”
Founder Phạm Quang Huy: Lozi vẫn là Lozi chứ. Không mất gì cả. Lozi không bán mình. Những nguồn vốn như là cái đà để Lozi phát triển mạnh lên.
Thực ra vấn đề ở đây là kỳ vọng của các nhà đầu tư. Họ muốn xem Lozi phát triển như thế nào, đến tầm mức độ như thế nào. Thì đó thực sự nằm trong lộ trình phát triển chung của Lozi.
Vì nếu Lozi không phát triển lên thì khoản tiền đó sẽ bị bỏ phí, điều đó hoàn toàn phù hợp. Họ cũng muốn Lozi phát triển và chũng tôi cũng vậy.
Vậy giờ có vốn rồi, Lozi sẽ làm gì?
Founder Phạm Quang Huy: Lozi sẽ đầu tư vào phần R&D để nghiên cứu sâu về behavior. Và nguồn vốn này sẽ được sử dụng để phát triển ra các thành phố khác của Việt Nam. Lấy ví dụ đi Hải Phòng chẳng hạn. Sau đó thì sẽ là các nước lân cận...
Nhưng phát triển thị trường trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu của bọn Lozi trong thời điểm hiện tại.
Nếu vốn đầu tư không làm Lozi hoạt động hiệu quả trong những bước phát triển từ 1-5 năm tới, Lozi sẽ có hướng giải quyết như thế nào ?
Founder Trần Minh Sơn: Thực ra khi đã chấp nhận đâu tư thì các nhà đầu tư đã nhìn thấy được các bước phát triển sắp tới của Lozi rồi. Điều này khác với việc là sau khi nhận tiền rồi thì mới chứng tỏ cho người ta. Chúng tôi phải chứng tỏ được rằng mình có khả năng đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư thì mới nhận dc tiền chứ.
Tất nhiên không thể nói cụ thể được doanh thu của Lozi là bao nhiêu hay là phần trăm như thế nào nhưng Lozi đang trên đà phát triển khá tốt ở thời điểm hiện tại.
Xin cảm ơn bạn!
Trí Thức Trẻ/CafeBiz