MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bán lẻ ứng phó sao với bão đầu tư nước ngoài?

09-03-2016 - 08:05 AM | Doanh nghiệp

Làn sóng đầu tư của các nhà bán lẻ nước ngoài đang tạo áp lực rất lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam.

Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực, thị trường Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ của rất nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Họ sẽ tận dụng lợi thế về chính sách miễn thuế thông qua siêu thị có liên doanh với các nhà bán lẻ nội địa để cung cấp hàng hoá vào Việt Nam. Đây là một trở ngại lớn với tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam nếu không có chiến lược phát triển rõ ràng.

Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ và thâm nhập mạnh mẽ của doanh nghiệp Thái Lan qua các thương vụ mua - bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn, đặc biệt là với Metro và tương lai sẽ là Big C. Nếu thương vụ này thành công thì tập đoàn bán lẻ của Thái Lan sẽ chiếm lĩnh gần 70% thị trường bán lẻ của Việt Nam. Trong đó riêng Metro đã có 19 điểm, Big C có tới 32 điểm. Tổng số điểm của các siêu thị nước ngoài ở Việt Nam khoảng 100, thì Thái Lan chiếm một nửa, ngoài ra Aeon, Lotte mart... vẫn đang tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động liên doanh liên kết cũng là xu hướng được các nhà bán lẻ tính đến đến để thâm nhập và thâu tóm thị trường Việt Nam. Điển hình là hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ của Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua hình thức liên doanh, liên kết đã mua từ 20-40% cổ phần của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như Nguyễn Kim và Trần Anh, Fivimart hay Citimart. Đây là một trong những trở ngại lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi phải đối đầu và cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ngay trên sân nhà.

Các nhà bán lẻ Việt Nam phải liên kết lại, khắc phục nhanh những điểm yếu của mình. (Ảnh minh họa: KT)
Các nhà bán lẻ Việt Nam phải liên kết lại, khắc phục nhanh những điểm yếu của mình. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ladoza cho rằng, phải có chiến lược phát triển riêng để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. “Hiện tại công ty đã có kế hoạch dài hơi để làm sao hạ được giá thành sản phẩm với nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí thuê đất hoặc lãi suất ngân hàng và những chi phí khác. Công ty cố gắng từng bước giảm thiểu những chi phí nhỏ nhất để có giá thành mang tính cạnh tranh”, ông Tuần cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã có một đề án phát triển thương mại trong nước, tuy nhiên, những điều kiện cần và đủ như nhân lực, tài lực, sự liên kết, tổ chức lại sản xuất chưa có. Trong khi công nghiệp bán lẻ muốn phát triển thì phải phát triển mạnh ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam đang có một số nhà bán lẻ mới nổi như Vinmart hoặc Saigon Coop mart nhưng con số này còn khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang co cụm lại, bán bớt cổ phần hoặc rút bớt những điểm không hiệu quả, xây dựng lại thương hiệu. Theo ý kiến của các chuyên gia, điều quan trọng nhất hiện nay là các nhà bán lẻ Việt Nam phải liên kết lại, khắc phục nhanh những điểm yếu của mình.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước đảm bảo công bằng, minh bạch trong kinh doanh, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên. Hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay còn yếu về chiến lược kinh doanh, về vốn, công nghệ quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực, thiếu tính liên kết đã tạo ra sự rời rạc trong thu mua hàng hóa. Do đó, các doanh nghiệp phải từng bước khắc phục bằng cách liên kết lại, cải thiện chiến lược cũng như văn hóa kinh doanh.

Làn sóng đầu tư của nhà bán lẻ nước ngoài dù đang theo hướng trực tiếp đầu tư vào hệ thống, hay mua lại thương hiệu Việt đều sẽ tạo áp lực lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam. Mỗi nhà bán lẻ nước ngoài đều có mạng lưới cung cấp riêng, có chiến lược riêng để tạo nên sự khác biệt của thương hiệu nhằm chinh phục người tiêu dùng thế giới.

Trong khi đó, ngành bán lẻ nước ta chưa có chiến lược đầy đủ, thiếu vốn, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Điều đáng nói, hơn 70% doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn thờ ơ với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ít quan tâm tìm hiểu đến các chính sách pháp luật để phản biện, góp ý cho chính phủ và cơ quan soạn thảo.... Điều này dẫn đến các doanh nghiệp thiếu thông tin hội nhập, thị trường và khó định hình chiến lược hướng đi mới cho mình.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam mong muốn, cần có một hệ thống văn bản pháp luật minh bạch, rõ ràng và có tính khả thi, để tất cả các doanh nghiệp có một môi trường kinh doanh bình đẳng và sẵn sàng hội nhập, cạnh tranh. Tuy nhiên, chính sách đó cũng cần phải phù hợp với tình hình chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở từng bước phát triển, đảm bảo chính sách, văn bản pháp luật đi được vào cuộc sống.

Xu hướng đổ bộ của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam đang là một thách thức lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt tự nhìn lại, tự thay đổi để đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài./.

Theo Chung Thủy

VOV

Trở lên trên