Doanh nghiệp có đang “đánh bắt xa bờ” và bỏ ngỏ thị trường ASEAN?
"Tôi cho rằng không có sự bỏ ngỏ thị trường nào mà sẽ có những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với những thị trường khác bởi các lý do của thị trường", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
- 26-01-2016Logistics: 80% thị phần vào tay nước ngoài, doanh nghiệp nội tính sao?
- 24-01-2016Cần có chính sách đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp
Phản hồi thông tin cho rằng Việt Nam đang bỏ ngỏ thị trường trong khối ASEAN, chỉ chú tâm vào việc “đánh bắt xa bờ” tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU... , Thứ trưởng Hải nêu quan điểm rằng, không có sự bỏ ngỏ thị trường nào.
Thứ trưởng cũng dẫn số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Châu Á đạt 79,8 tỷ USD, tăng 7,2% trong đó xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD.
"Chúng ta hay nghe nói tới việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật, Nga.. bởi các thị trường này có kim ngạch xuất khẩu tương đối cao như xuất khẩu sang Mỹ năm 2015 đạt 32,8 tỷ USD, EU đạt 30,9 tỷ USD", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, các thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn kể trên một phần là do tính tương hỗ, bổ trợ của các thị trường đối với Việt Nam là rất cao, trong khi đối với các nước ASEAN, nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta có tính tương đồng cao.
Thứ trưởng cũng cho biết, không có thị trường nào giống với các thị trường còn lại khi so sánh các thị trường trong khối ASEAN với các thị trường Mỹ, Nhật Bản do đặc tính của thị trường được quy định bởi quy mô dân số, văn hóa, tôn giáo, thói quen tiêu dùng, đặc điểm khí hậu và nhiều yếu tố khác.
"Các thị trường trong khối ASEAN chắc chắn có sự khác biệt đối với thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Sự khác biệt ở đây có thể thấy rõ ở quy mô thị trường, đặc tính tiêu dùng và văn hóa. Do đó, để có thể thành công trên từng thị trường, điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu kỹ từng đặc tính riêng của thị trường để có các hoạt động thâm nhập phù hợp", Thứ trưởng nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới sẽ được tập trung để tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa, và tận dụng lợi thế mở cửa thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ không chỉ tập trung vào thị trường ASEAN, mà còn nhiều thị trường khác.
Cụ thể, các hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được thực hiện như phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại quốc gia tại các thị trường; tiếp tục khuyến khích các đề án xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình, và cao, phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới.
Đồng thời, tập trung phát triển, khai thác cả các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn.
Tăng cường các hoạt động phổ biến và nâng cao nhận thức về vai trò của xây dựng, quản trị, bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh hội nhập.
BizLIVE