Doanh nghiệp gia công than khổ
Sau khi xuất khẩu (XK) sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) bỗng dưng phát hiện số lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất "vênh" khá lớn so với lượng đã khai báo nhập khẩu (NK).
Trong khi một số DN gia công đang "mắc kẹt" với các đơn hàng bị hủy ngang vì đối tác bỏ trốn, hoặc phá sản.
Với các trường hợp này, DN sẽ không được hoàn thuế, mà còn phải chịu thêm nhiều khoản thuế, phí phát sinh. Những nội dung này đã được chia sẻ thẳng thắn tại cuộc đối thoại giữa Cục Hải quan Hà Nội và các DN chuyên sản xuất hàng gia công, XK diễn ra ngày 24/9.
Lỗi do doanh nghiệp?
Theo Cục Hải quan Hà Nội, tình trạng sai lệch định mức nguyên phụ liệu NK này đang khá phổ biến trong khối DN gia công - XK. Hiện có 4 DN đang xin điều chỉnh định mức nguyên phụ liệu NK phục vụ sản xuất hàng gia công, XK đã đăng ký tại cơ quan hải quan; 3 DN khác đã được chấp thuận sửa định mức tiêu hao.
Lý do là vì sau khi đưa nguyên liệu vào sản xuất, lượng tiêu hao tính trên đơn vị sản phẩm sản xuất ra đã tăng hoặc giảm đi, dẫn tới không khớp với lượng nguyên liệu đã nhập về. Đáng chú ý là chỉ đến khi lô hàng được XK đi hết, DN làm thủ tục hoàn thuế thì lỗi vi phạm này mới "lòi" ra.
Công ty CP Hanel xốp nhựa (Hà Nội) là một trong 3 đơn vị có đề xuất sửa định mức tiêu hao nguyên liệu liên quan đến 6 mã hàng XK. Khi làm thủ tục thanh khoản tờ khai, DN phát hiện… bị âm nguyên liệu sản xuất (lượng nguyên liệu nhập về thiếu so với lượng sản phẩm xuất đi tính trên định mức tiêu hao). Công ty đã có văn bản giải trình sai lệch, đề nghị Cục Hải quan Hà Nội xem xét cho điều chỉnh giảm định mức tiêu hao. Đề xuất này phải trình lên Tổng cục Hải quan hướng dẫn và sau đó, DN mới được chấp thuận sửa đổi.
Theo ông Trịnh Ngọc Toàn - cán bộ Công ty, sai sót này là lỗi của DN nhưng không tránh khỏi trong quá trình đăng ký, kê khai. Nhất là với DN phải đăng ký cùng lúc hơn trăm mã hàng hóa. Đại diện một số DN khác cho rằng do đặc thù sản xuất gia công - XK, DN thường phải nhập dư nguyên liệu đề phòng sản phẩm bị lỗi, hỏng. Định mức hao hụt nguyên liệu chỉ là con số tương đối, có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào tay nghề công nhân, trình độ quản lý, máy móc…
"Với DN làm ăn chân chính, lỗi sai sót định mức không có yếu tố gian dối thì cơ quan hải quan nên rút ngắn thời gian xử lý, tạo thuận lợi hơn cho DN", ông Toàn đề xuất.
Công ty Nippo cũng vừa được đồng ý cho điều chỉnh giảm định mức đối với hợp đồng gia công hàng hóa đã thanh khoản rồi (đã xuất hàng, làm thủ tục hoàn thuế). Việc đối chiếu hồ sơ, chứng từ, làm việc giữa DN và hải quan kéo dài nhiều tháng, Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long mới có phương án xử lý. Bà Trần Thị Thơm - đại diện Công ty, phân trần: vì DN làm gia công luôn chịu áp lực phải giao hàng gấp gáp, cán bộ kê khai không bám sát thực tiễn sản xuất, nên sai sót định mức là không tránh khỏi.
Méo mặt vì đối tác phá sản
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Bình - Phó phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan Hà Nội), 7 DN trên có phát sinh định mức tiêu hao là do lỗi quản lý của đơn vị. Vì tỷ lệ định mức do DN tự xây dựng, đăng ký với cơ quan hải quan để làm căn cứ tính số lượng nguyên phụ liệu được phép NK phục vụ sản xuất. Nếu DN quản lý chặt chẽ thì không thể có chuyện phát sinh thêm định mức như vậy.
Do đó, "khi DN cung cấp hồ sơ hoàn thuế hợp lệ, định mức điều chỉnh phù hợp thì hải quan có thể xem xét, đề xuất cho sửa định mức. Còn DN đăng ký tỷ lệ hao hụt, đơn cử là 3%, sau đó xin tăng định mức thêm 2% là vô lý", ông Bình nói.
Trong
bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều DN gia công Việt Nam hiện đang phải
"khóc dở, mếu dở" vì đối tác nước ngoài bội tín, phá hợp đồng. Một số DN
còn thê thảm hơn khi nhập lượng lớn nguyên phụ liệu về sản xuất, hàng
xuất đi rồi mà đối tác nước ngoài bỗng dưng… phá sản hoặc mất tích. DN
không sao đòi được tiền công, tiền nguyên liệu, cũng không được hoàn
thuế đối với nguyên liệu NK.
Đơn cử như trường hợp của Công ty Hà Nội Steel đã xuất bán hàng hóa cho đối tác nước ngoài thông qua một DN trong nước. Hiện DN này đã phá sản, không hỗ trợ công ty xử lý công nợ, hàng tồn kho.
Đại diện Công ty than thở: "Chúng tôi hiện chỉ còn thiếu mỗi chứng từ thanh toán lô hàng XK trong hồ sơ hoàn thuế. Nhưng mọi liên lạc với đối tác bất thành. Chúng tôi biết được khách hàng đã bị phá sản dù chưa có văn bản nào xác nhận việc này". Do đó, phía cơ quan hải quan không chấp nhận việc DN thiếu chứng từ thanh toán - một trong các cơ sở để hoàn thuế cho DN.
Theo Cục Hải quan Hà Nội, tình trạng DN nước ngoài thuê DN Việt Nam gia công và sau đó từ bỏ hợp đồng gia công là khá phổ biến. Theo quy định, nếu quá hạn thanh khoản hợp đồng gia công, DN nhập nguyên liệu sẽ phải chịu thuế suất NK. Điều này sẽ càng gây thêm khó khăn cho DN. Trong trường hợp xin tiêu hủy toàn bộ nguyên phụ liệu, DN lại phải chịu thêm chi phí tiêu hủy cùng những thủ tục phức tạp để xử lý số hàng hóa này.
Do đó, đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị xử lý số nguyên liệu này theo dạng "tài sản vô chủ", thu sung công, thay vì tiêu hủy như hiện nay. Dù vậy, việc xử lý các trường hợp này cần thận trọng để hạn chế DN lợi dụng đưa rác thải, hàng hóa không tiêu hủy được ở nước ngoài về Việt Nam.
Theo Thu Hằng