MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp không thể “âm thầm” làm việc theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” được nữa

19-11-2014 - 08:45 AM | Doanh nghiệp

"Doanh nghiệp cần rất nhiều công cụ hiện đại để cạnh tranh trong đó có hoạt động quảng cáo. Việc khống chế trần quảng cáo và khuyến mại là hoàn toàn không hợp lý."

Vấn đề áp trần quảng cáo trong chi phí của Doanh nghiệp vẫn được tranh luận lâu nay nhưng ngày 3/11 vừa qua, Bộ Tài chính mới trình lên Quốc hội 2 phương án về việc áp này trong đó có kiến nghị dỡ bỏ hoàn toàn chi phí trần quảng cáo. Ngày 26/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua hay không.

Theo quy định hiện hành, mức chi quảng cáo vượt quá 15% tổng chi phí của doanh nghiệp sẽ không được coi là hợp lý và sẽ không được khấu trừ thuế.

Tại Hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của Doanh nghiệp”, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ đã chia sẻ với báo chí những quan điểm của mình.

Theo bà, việc áp trần chi phí quảng cáo 15% có ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Chúng ta đã có rất nhiều hội thảo nói về vấn đề này rồi. Những năm qua có thể thấy việc khống chế trần chi phí quảng cáo khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là trong bối cảnh sức mua đang đi xuống.

Điều dễ thấy nhất là khi các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra các sản phẩm mới, hoặc các DN mới đang cố gắng khởi nghiệp, rất cần hoạt động quảng cáo để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình thì hoạt động này lại bị hạn chế. Doanh nghiệp mất đi một vũ khí trong quảng bá, tuyên truyền để đi đến với người tiêu dùng mà người tiêu dùng bây giờ rất thông minh, có rất nhiều lựa chọn. DN không thể “âm thầm” làm việc theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần rất nhiều công cụ hiện đại trong đó có hoạt động quảng cáo thích hợp. Việc khống chế trần quảng cáo và khuyến mại theo chúng tôi là hoàn toàn không hợp lý.

Việc dỡ bỏ trần quảng cáo đó sẽ giúp gì cho doanh nghiệp nội trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp FDI?

DN nước ngoài có thế mạnh rõ rệt về mặt tài chính, mạng lưới, thương hiệu. DN Việt càng cần phải được chủ động trong chi phí quảng cáo khuyến mại để nâng cao hình ảnh sản phẩm và DN, khẳng định vị thế của DN Việt và sản phẩm Việt. Không thể để mặt trận quảng cáo hay khuyến mại chỉ là sân chơi của các DN FDI vốn đã nhiều tiềm lực như vậy.

Có những e ngại là chi phí quảng cáo sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng, làm tăng giá sản phẩm. Chúng tôi thấy đó là những suy nghĩ phiến diện, không khoa học. Trong nền kinh tế thị trường như thế này, đặc biệt là năm 2015 chúng ta gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng hóa của các nước tràn ngập thị trường, nếu hàng hóa Việt Nam không quảng cáo thì làm sao đến được tay người tiêu dùng? Điều này là bó tay bó chân làm DN không phát triển mạnh được.

Hiện nay chỉ có Việt Nam và Trung Quốc còn áp trần quảng cáo. Nhưng Trung Quốc cũng mềm dẻo hơn Việt Nam rất nhiều. Theo bà, áp trần cho việc quảng cáo của doanh nghiệp chỉ nên dừng lại ở mức độ như thế nào?

Tôi nghĩ chúng ta đã có những công cụ khác khá tốt để quản lý việc quảng cáo, ví dụ như Luật Quảng cáo. Nếu thực thi nghiêm túc thì việc quảng cáo sẽ đảm bảo đi đúng hướng. Bên cạnh đó còn có công cụ pháp luật hiệu quả như Luật cạnh tranh, luật Thương mại, Luật bảo vệ người tiêu dùng… hoàn toàn có thể sử dụng để các hoạt động quảng cáo có ích thật sự cho người tiêu dùng. Không thể vì một trường hợp không tốt hay chưa hiệu quả ở một nơi nào đó mà lại bó buộc DN không được chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn của người ta.

Trong 2 phương án mà Bộ Tài chính đưa ra trình Quốc hội, bà ủng hộ phương án nào?

Đương nhiên là Hiệp hội Bán lẻ chúng tôi cùng các Hiệp hội đại diện cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ và cho rằng quyết định đúng đắn là dỡ bỏ hoàn toàn chi phí quảng cáo khuyến mại.

Bà đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh của DN bán lẻ trước sự đổ bộ của doanh nghiệp nước ngoài?

Hiện nay Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài và cả nhà đầu tư trong nước nên thị trường này rất sôi động và phát triển. Đương nhiên là với việc mở cửa thị trường, các DN ngoại sẽ thâm nhập vào Việt Nam và DN Việt Nam phải nỗ lực hết sức để tăng cường khả năng cạnh tranh của mình.

Sự có mặt của DN ngoại không chỉ là các DN bán lẻ chuyên nghiệp như siêu thị bán lẻ, mà còn có làn sóng thương hiệu ngoại như thời trang, thức ăn nhanh… tràn vào. Đó là việc phải đối mặt và chắc chắn không thể đảo ngược. Điều đáng nói là bản thân DN phải lựa chọn đường đi hiệu quả cho mình. Không có mô hình nào có thể thành công với tất cả DN.

Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các DN là bên cạnh việc củng cố nội lực, phải hết sức chú ý đến trào lưu bán lẻ của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại đang thay đổi rất sôi động và phong phú. Cũng không thể không chú ý đến hoạt động bán lẻ trực tuyến. Bán lẻ trực tuyến không chỉ bó hẹp trong các kênh truyền hình, internet mà bây giờ với sự phát triển của điện thoại di động, việc bán lẻ đa kênh đã trở thành mấu chốt thành công của nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới.

Xin cảm ơn bà.

>>  Có nên bỏ "áp trần" chi phí quảng cáo?

Hồng Hà

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên