Doanh nghiệp lạc quan về xu hướng kinh doanh trong quý 3
Kết quả điều tra từ gần 3.400 doanh nghiệp cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 phát triển hơn so với quý 1.
- 19-08-2015Công ty khởi nghiệp khác gì doanh nghiệp tư nhân?
- 19-08-2015Đề xuất tăng lương, doanh nghiệp kêu khó
- 15-07-2015Xu hướng Marketing mới cho doanh nghiệp kinh doanh online
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 49% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng kinh doanh trong quý 3 sẽ tốt lên, trong khi 13,2% dự báo kém đi và 37,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh sẽ ổn định.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ 3.389 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 2 và quý 3/2015 ổn định và phát triển hơn so với quý 1/2015.
Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2015, cả nước vẫn có trên 32.370 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ đóng mã số thuế, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Đây là con số cho thấy thực trạng bức tranh doanh nghiệp chưa hẳn sáng sủa do những diễn biến phức tạp của nền kinh tế cũng như sự hồi phục chưa đủ mạnh của chính cộng đồng doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định và tăng trưởng khá, nhưng trước áp lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập sâu rộng, hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.
Trong khi đó, kết quả cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh của các cấp, ngành hiện chưa đáp ứng, thỏa mãn được sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những yêu cầu cụ thể của giới công thương ngày càng bức thiết.
Tương tự, nhiều áp lực khác cũng đặt ra đối với các doanh nghiệp như: yêu cầu giảm thời gian cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh…. Đây sẽ là thách thức nhãn tiền và thường xuyên, đòi hỏi sự cố gắng liên tục, với quyết tâm rất cao của Chính phủ, chính quyền các địa phương.
Để nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (Ciem) cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là cần cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ công theo hình thức đối tác công-tư, kể cả một số dịch vụ quản lý nhà nước; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công để chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; tăng cường cổ phần hóa…Nếu làm được như vậy đồng nghĩa với sự “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị Nhà nước cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đặc biệt, cần nhấn mạnh công tác giám sát, đánh giá hiệu quả phục vụ doanh nghiệp của cơ quan công quyền cũng như với từng cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự chuyển biến tích cực.
Vietnam+