"Doanh nghiệp nhà nước giống như một đứa trẻ được cầm súng"
Chính vì doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực để tạo ra ưu thế một cách tự nhiên so với các khu vực kinh tế khác, cho nên buộc phải được trang bị "súng đạn" nhiều để tạo ra ưu thế...
Trong cuộc trao đổi đầu xuân giữa PV NTNN và chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt về vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - 1 trong 3 lĩnh vực nóng của nền kinh tế nước nhà - ông Bạt đã đưa ra một hình ảnh khái quát đầy ấn tượng về DNNN:
“DNNN giống như một đứa trẻ được cầm súng, và nó có uy thế chứ không phải ưu thế. Chính vì nó không đủ năng lực để tạo ra ưu thế một cách tự nhiên so với các khu vực kinh tế khác, cho nên nó buộc phải được trang bị súng đạn nhiều để tạo ra ưu thế. Và kết quả của việc ấy chính là sự khủng hoảng kinh tế hiện nay”.
Khó mất đi "vai trò chủ đạo"
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã không còn xác định kinh tế nhà nước là chủ đạo nữa, có nghĩa rằng vai trò của kinh tế nhà nước, mà đại diện là các tập đoàn, tổng công ty sẽ không có được vỏ bọc "mỹ miều". Ông nhận xét gì về khuynh hướng này?
- Tôi nghĩ vấn đề đặt ra là kinh tế nhà nước có nhất thiết phải giữ vai trò chủ đạo không và kinh tế nhà nước có được hiểu và có cần phải hiểu trùng với khái niệm DNNN không? Kinh tế nhà nước ở đâu cũng có, nhưng DNNN thì không. Doanh nghiệp là công cụ, là những tế bào, những mô - đun của xã hội để thực hiện các dự án kinh tế. Nếu DNNN hay các loại hình doanh nghiệp khác bình đẳng với nhau trước pháp luật, bình đẳng với nhau trước chính sách, bình đẳng với nhau trước quyền tiếp cận tài nguyên thì nó có là DNNN hay doanh nghiệp tư nhân, cũng không thành vấn đề!
Vấn đề chính là chúng ta ưu tiên DNNN và sự ưu tiên này đã khiến chúng ta "gặt hái" những thất bại rất lớn. Những vấn đề kinh tế xã hội hiện nay chính là hậu quả của quan niệm về vai trò của DNNN, về mối liên hệ giữa kinh tế nhà nước với DNNN.
Chúng ta không thể tiếp tục duy trì các quan niệm cũ về DNNN. Phải phân biệt rõ giữa khái niệm DNNN và kinh tế nhà nước. Nhà nước có tiền, Nhà nước có vốn, Nhà nước có nhiệm vụ kinh tế, có các đơn đặt hàng và Nhà nước quan hệ với bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào.
“...Nếu không cải cách, không tái cơ cấu các năng lực bên trong thì DNNN không chỉ làm những nhiệm vụ cũ mà còn vấp phải các căn bệnh cũ”. |
Vậy theo ông, lý do gì khiến DNNN được hưởng những sự ưu tiên đó?
- Trong xã hội chúng ta, không có nhiều doanh nghiệp ở các khu vực khác đủ quy mô, đem lại một độ tin cậy về năng lực thỏa mãn đòi hỏi của Nhà nước khi giao cho nó các hợp đồng kinh tế. Ví dụ trong khu vực xây dựng cơ bản, với những dự án cơ sở hạ tầng lớn thì rất khó có một doanh nghiệp tư nhân nào đủ độ tin cậy để Chính phủ đặt hàng. Cho nên chúng ta đành phải giao nó cho các DNNN.
Nói như vậy có nghĩa DNNN vẫn khó có thể bỏ đi "vai trò chủ đạo" của mình trong nền kinh tế?
- Dù quan niệm không phải DNNN là chủ đạo thì trên thực tế chúng ta cũng vẫn phải rơi vào thực trạng cũ tức là lại tiếp tục duy trì quan hệ với các xí nghiệp nhà nước, các DNNN. Chúng ta có những cái sai về nguyên lý. Giới trí thức vẫn bàn mãi là có nhất thiết phải có DNNN không, có nhất thiết DNNN hay xác định kinh tế nhà nước là chủ đạo không. Bây giờ nó vẫn như thế!
Mặc dù dự thảo Hiến pháp, dự thảo các Nghị quyết của Đảng đã bắt đầu nói đến câu chuyện bình đẳng giữa các khu vực, thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ vẫn tiếp tục bị buộc phải sử dụng các DNNN để thực hiện các dự án kinh tế của nhà nước, dự án kinh tế công. Ở giai đoạn sắp tới có thể có sự thận trọng hơn. Tuy nhiên nếu chúng ta không thấy được đầy đủ hậu quả của các quan niệm cũ về DNNN thì cùng với thói quen cũ, sự phân biệt đối xử giữa các khu vực kinh tế khác nhau sẽ xuất hiện trở lại.
- DNNN sớm hay muộn cũng trở lại vai trò của nó trong các dự án phát triển sắp tới. Bởi xã hội chưa đủ lực lượng để tiếp cận một cách bình đẳng với những doanh nghiệp mà nhà nước đầu tư để phát triển, xây dựng nó. Cho nên dù nói kinh tế nhà nước không còn là chủ đạo, nhưng trên thực tế DNNN vẫn tiếp tục đóng một vai trò nhất định.Và với vai trò "chủ đạo", DNNN vẫn có thể vin vào đó để được hưởng những ưu đãi của Nhà nước?
Vai trò ấy là hệ quả của các quan niệm trước đây chứ không phải là vai trò tự nhiên của DNNN. Bởi nếu trước đây chúng ta có những quan niệm khác thì có lẽ các loại hình doanh nghiệp, các khu vực kinh tế khác, thậm chí thói quen chỉ huy, thói quen đặt hàng của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các khu vực kinh tế khác nhau cũng sẽ khác.
Hiện nay chúng ta vừa không có bộ máy quản lý nhà nước, vừa không có thói quen sử dụng các công ty thuộc khu vực kinh tế khác. Các công ty thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước không được tiếp cận với các hợp đồng như vậy nên họ cũng không phát triển quy mô, năng lực tương xứng để có thể gánh vác được những dự án kinh tế lớn. Đấy là một điều mà chúng ta phải nói trước về tính không thực tế của sự thay đổi chủ trương. Báo chí cần phải chuẩn bị để tiếp cận với một thực trạng như vậy.
Sự nguy hiểm của đa sở hữu
Những thất bại của DNNN đã quá rõ ràng. Vì thế, nếu cơ chế cũ có "tái xuất" như ông nói thì điều nguy hiểm nhất cần tránh là gì?
- Trước hết, chúng ta cần phải thấy rõ hậu quả của việc quan niệm sai lệch về chức năng của DNNN khi chúng ta đa dạng hóa ngành nghề, đầu tư ngoài ngành tràn lan. Nếu DNNN chỉ thực hiện đúng chức năng gốc của nó, chức năng đảm bảo cho khung sườn của đời sống kinh tế phát triển tốt thì có thể hậu quả không thế này. Nhưng bởi DNNN được giao quá nhiều ngành nghề hay tự đa dạng hóa ngành nghề, vì thế đã trở thành kẻ "đi ăn sương, đi ăn đêm" ngoài các nhiệm vụ chính, gây ra thất thoát lớn. Đấy cũng là một cách quan niệm. Tôi nghĩ đấy là một nhược điểm lớn của DNNN.
Nhưng, điều nguy hiểm hơn là sự đa sở hữu trong các DNNN, tức là trong các tập đoàn kinh tế nhà nước có cả các tổ chức cổ phần, có cả các tổ chức đồng minh của nó là các công ty tư nhân có quan hệ kinh doanh với nhau. Tính đa sở hữu cũng là một trong các "đám sương mù" để tạo ra hiện tượng tiêu cực.
Thứ ba là năng lực quản trị. Việc bổ nhiệm cán bộ cho các doanh nghiệp lớn như hiện nay theo một công thức hoàn toàn không phù hợp với đời sống thị trường.
Ba đặc điểm ấy tạo ra tính không hiệu lực, không hiệu quả, sự thiểu năng của các DNNN.
Nhưng chúng ta đã có cả đề án, nghị quyết để tái cơ cấu DNNN trong năm nay, thưa ông?
- Nếu không cải cách, không tái cơ cấu lại các năng lực bên trong thì DNNN không chỉ làm những nhiệm vụ cũ mà còn lại vấp phải các căn bệnh cũ, các biểu hiện cũ, tức là chúng ta đi trọn một vòng luẩn quẩn. Chính vì thế mới có Nghị quyết về tái cơ cấu các DNNN. Nhưng tái cơ cấu theo khuynh hướng nào thì không rõ và vào thời điểm này theo tôi cũng không thuận lợi. Không thuận lợi vì toàn bộ nền kinh tế xuống dốc cùng với sự đi xuống của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Cho nên có cải cách kiểu gì thì cũng không có môi trường thực nghiệm để các DNNN thể hiện sự thay đổi một cách tích cực trước và sau những tái cơ cấu, cải cách bên trong của nó.
Nên tôi cho là nếu xem tái cơ cấu DNNN như là một biện pháp khẩn cấp để tăng cường tính hiệu quả của phát triển, của hoạt động kinh tế cụ thể của nó, thì có lẽ thời điểm này không thuận. Nhưng nếu xem nó là một quá trình lâu dài, tái cơ cấu nó một cách chín chắn, và trước hết là tái cơ cấu quan niệm về vai trò của DNNN đối với sự phát triển kinh tế lại là việc cần thiết. Hay nói cách khác, chúng ta cần tái cơ cấu lại quan niệm của Đảng và Nhà nước đối với các DNNN. Việc ấy là việc phải làm trước nhất.
Chúng ta nói nhiều về hạn chế của DNNN. Chẵng lẽ DNNN không có ưu điểm gì sao, thưa ông?
- Tôi nghĩ là DNNN không có ưu điểm gì cả. Chúng ta cố gắng để nó có ưu điểm mà nó không có được. Thực tế đã cho thấy khu vực này ngăn cản việc xây dựng một nền kinh tế thị trường thật sự, bởi vì nó không chịu bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Một đứa trẻ mà được cầm súng thì sức mạnh của nó lớn hơn một ông lực sĩ cầm gậy. DNNN giống như một đứa trẻ được cầm súng, và nó có những uy thế chứ không phải có những ưu thế. Chính vì nó không đủ năng lực để tạo ưu thế một cách tự nhiên so với các khu vực kinh tế khác, cho nên nó buộc phải được trang bị súng đạn nhiều để tạo ra ưu thế. Và kết quả của việc ấy chính là sự khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Một bài toán khó!
Vậy làm sao để giải bài toán doanh nghiệp tư nhân chưa đủ quy mô và năng lực, khiến DNNN vẫn phải giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển?
- Các doanh nghiệp là hệ quả của sự phát triển kinh tế, chứ không phải là hệ quả của việc đầu tư của nhà nước. Chúng ta sốt ruột cho nên chúng ta đầu tư, cố gắng làm cho một đứa trẻ trở nên bình đẳng với người lớn bằng cách trang bị “súng đạn” cho nó, và do đó chúng ta rơi vào tình trạng như thế này. Cho nên tôi nói tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta chính là tái cơ cấu lại các quan niệm của Đảng và Nhà nước đối với nền kinh tế, và đối với các thành phần khác nhau của một nền kinh tế. Để từ đấy dần dần cùng với thời gian, chúng ta có một tương quan, mối quan hệ sản xuất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế. Như thế chúng ta sẽ hạn chế được các mặt tiêu cực của DNNN. Phải nhớ DNNN là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp được nhà nước ưu tiên!
Với vai trò là một học giả, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách được đông đảo bạn đọc đón nhận như cuốn Suy tưởng, Cải cách và sự phát triển, Văn hóa và Con người, Cội nguồn cảm hứng, Đối thoại với tương lai…
Hướng sắp tới là sẽ chuyển các DNNN về cho các bộ, địa phương quản lý. Theo ông, đây có phải là giải pháp tối ưu?
- Thay thế sự tập trung quyền lực điều hành của Chính phủ bằng việc phân bố các quyền lực ấy đến các cấp dưới của Chính phủ cũng là một khuynh hướng để giải quyết sự bế tắc hiện nay, nhưng nó không tích cực. Bởi vì các DNNN đã từng thuộc các bộ. Bây giờ vấn đề đặt ra là bản chất của cuộc cải cách là gì. Rõ ràng Chính phủ cũng đã nói rồi, quay trở lại các nhiệm vụ kinh tế chính, xem DNNN bình đẳng với các khu vực kinh tế khác, các doanh nghiệp loại khác trước pháp luật, trước chính sách. Phải làm kiên quyết chuyện ấy. Thứ nữa là phải có một quy trình bổ nhiệm những người điều hành tốt. Đấy chỉ là cải cách vi mô trong khuôn khổ một doanh nghiệp.
Còn về cải cách quản lý nhà nước ở mức vĩ mô, theo tôi nghĩ chúng ta cần xây dựng các DNNN trở thành những tập đoàn công nghiệp, chứ không phải tập đoàn kinh tế. Phải vứt bỏ triệt để khái niệm tập đoàn kinh tế. Tập đoàn công nghiệp phải đảm nhiệm việc phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn để đảm bảo tính tiên tiến của nền kinh tế.
Chỉ Nhà nước mới có thể đầu tư để phát triển trong điều kiện hiện nay, để nền công nghiệp có những bước tiến. Chúng ta đưa về cho các bộ quản là mâu thuẫn, đưa về các địa phương lại càng mâu thuẫn nữa, bởi vì địa phương không đủ năng lực để tạo ra các tập đoàn công nghiệp mũi nhọn, để tạo ra tính tiên tiến của một nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, khi mà các khu vực kinh tế khác chưa đủ lớn. Cho nên phải nói thật là những chuyện này vẫn là một bài toán khó.
Chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp, chẳng hạn như cải tiến quản lý bằng cách thành lập các Ban kiểm soát trong các DNNN để chống lợi ích nhóm… Theo ông, những giải pháp quản trị như vậy có phát huy hiệu quả, khắc phục được tình trạng lạm quyền các DNNN?
- Chừng nào chưa tìm được lối thoát về mặt lý thuyết để giải phóng khu vực kinh tế nhà nước khỏi sự kiểm soát và quản lý trực tiếp của Nhà nước, chúng ta vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này.
Xin cảm ơn ông và chúc ông một mùa xuân mới với nhiều niềm vui!
Theo Phương Hà
Dân Việt