Doanh nghiệp nông nghiệp chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược?
Lĩnh vực nông nghiệp đang được đánh giá là hấp dẫn, song vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược làm chậm quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa.
- 25-02-2016Bà Thái Hương: Đã có những doanh nghiệp như TH Milk, đừng nói ngành nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nữa
- 20-02-2016Doanh nghiệp ít đầu từ vào nông nghiệp vì “kẹt” ở chính sách
- 04-01-2016Doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp - Xu hướng đầu tư mới
- 08-12-2015Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư nông nghiệp tại Hà Nam
- 21-11-2015[Bàn tròn chính sách] Doanh nghiệp đang có 2 khó khăn khi đầu tư nông nghiệp
Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ NN&PTNT đã sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) được 12 Tổng công ty (TCT) và 2 công ty Thuốc Thú y trực thuộc Bộ, 2 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các công ty con thuộc các TCT; đồng thời đã CPH 10 doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp cho thấy, để thực hiện thành công tái cơ cấu, CPH mấu chốt là phải tìm được nhà đầu tư chiến lược có vốn, trình độ quản lý và cả tâm huyết với sự phát triển của doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng phương án CPH, doanh nghiệp xây dựng phương pháp và thang điểm đánh giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị liên quan.
Đánh giá về kết quả tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, mặc dù ngành nông nghiệp được đánh giá là đang dần hấp dẫn các nhà đầu tư hơn, song tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm. Việc triển khai chủ yếu là chuyển giao trong nội bộ giữa các tập đoàn, TCT hoặc giữa doanh nghiệp nhà nước với nhau nên chưa tạo ra động lực cũng như áp lực cho các doanh nghiệp.
Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, CPH tập đoàn, các TCT 100% vốn Nhà nước. Mục tiêu đặt ra trong năm 2016 - 2017 sẽ thực hiện CPH 1 Tập đoàn, tiếp tục triển khai thực hiện CPH các doanh nghiệp đang triển khai. Trong năm 2017 - 2018 sẽ CPH Công ty mẹ 2 TCT 100% vốn Nhà nước là Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Đồng thời tiếp tục triển khai công tác thoái vốn tại các TCT mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Để đẩy nhanh quá trình này, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung tổ chức chỉ đạo xác định, phê duyệt và công bố giá trị doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, triển khai phương án thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện, báo cáo các cơ quan liên quan và chỉ đạo doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện…/.
VOV