Doanh nghiệp thủy sản gặp vướng khi nhập khẩu phụ gia thực phẩm
Trước mắt, để giảm bớt gánh nặng chi phí lưu kho, lưu bãi, VASEP kiến nghị cho phép DN được đưa lô hàng về kho của DN bảo quản trong thời gian chờ giấy phép của cơ quan thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 2,điều 62 của Luật An toàn thực phẩm (Luật ATTP) về trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP thì: “Bộ Y tế quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, XNK, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ”.
Khoản 1,điều 3, Chương II, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP quy định: “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường”.
Như vậy, hiện nay sản phẩm thủy sản NK đang chịu sự quản lý của 3 bộ là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Tùy theo thẩm quyền, từng bộ ra văn bản quy định thủ tục kiểm tra chất lượng, ATTP nhưng nội dung không giống nhau.
Theo VASEP, để tăng giá trị XK, các DN XK thủy sản phải thường xuyên nghiên cứu sản phẩm GTGT, tìm kiếm bạn hàng và hạn chế XK sản phẩm thô, giá trị thấp. Theo đó, để sản xuất nhiều mặt hàng GTGT, các DN buộc phải NK các phụ gia thực phẩm, bột, nước sốt, rượu thực phẩm, vitamin… để phối trộn, tẩm ướp sản phẩm chế biến cao cấp, ăn liền tiện sử dụng theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài.
Tuy nhiên,theo phản ánh của một số DN thủy sản, việc NK các loại sản phẩm trên đang gặp phải vướng mắc về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp với quy định ATTP. Trong đó có thủ tục kiểm tra chất lượng, ATTP thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế do mất quá nhiều thời gian chờ đợi kiểm tra viên xuống lấy mẫu, nhất là đối với những hàng mẫu làm thử trong thời gian ngắn và phải có kết quả ngay để kịp ký kết hợp đồng.
Theo trình tự và thủ tục thì DN thủy sản phải làm công văn gửi CụcATVSTP để xin phép kiểm tra ATTP đối với các lô hàng phụ gia NK ngay tại cửa khẩu, kho bãi trước khi làm thủ tục thông quan. Sau khi nhận được công văn, Cục sẽ có công văn gửi cho Viện Vệ sinhy tế công cộng tại nơi DN làm thủ tục NK.
Sau đó, Viện sẽ cử cán bộ đến lấy mẫu kiểm tra và sau khi có kết quả kiểm tra hàng hóa mới được thông quan. Tuy nhiên, phải mất khoảng 1 tuần Cục ATVSTP mới có công văn gửi xuống Viện Vệ sinhy tế công cộng. Thông thường, sau khi nhận được công văn, phải mất thêm nhiều thời gian nữa Viện Vệ sinhy tế công cộng mới cử người đi lấy mẫu.
Trong thời gian chờ kết quả, các lô hàng NK buộc phải nằm tại cảng và phải chịu tất cả các chi phí lưu bãi, lưu kho. Còn với các lô hàng mẫu làm thử cần gấp thì cũng buộc phải chờ đợi khiến DN mất nhiều cơ hội để ký kết hợp đồng.
Để kịp thời giải tỏa các lô hàng phụ liệu để có nguyên liệu cho sản xuất, kịp tiến độ đơn hàng đã ký kết, giảm bớt chi phí phát sinh lưu kho bãi, VASEP và các DN kiến nghị Bộ Y tế quy định rõ thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin phép NK đối với phụ gia thực phẩm, nguyên liệu hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật dụng bao gói…Đồng thời thực hiện thủ tục hành chính1 cửa qua hệ thống điện tử để tạo thuận lợi cho DN không phải đi lại và dễ tra cứu.
Trước mắt, để giảm bớt gánh nặng chi phí lưu kho, lưu bãi, VASEP kiến nghị cho phép DN được đưa lô hàng về kho của DN bảo quản trong thời gian chờ giấy phép của cơ quan thẩm quyền.
Theo Duy Quang