Doanh thu máy cũ, phụ kiện tại Thế Giới Di Động đạt 400 tỷ đồng mỗi tháng
Tổng hợp hai ngành hàng máy cũ và phụ kiện, Thế Giới Di Động có thể đạt doanh thu 400 tỷ đồng mỗi tháng.
- 28-03-2016Nếu không bán nhanh thì chỉ vài năm nữa, Thế Giới Di Động sẽ gục ngã bởi "ngàn vết xước"
- 25-03-2016VinPro khẳng định không có chuyện “chơi xấu” Thế Giới Di Động
- 21-03-2016FPT rất đúng đắn khi muốn bán FShop, và Thế giới di động cũng nên làm như vậy!
Ngành hàng điện thoại cũ tại Thế Giới Di Động có quy mô doanh thu từ 150 đến 200 tỷ mỗi tháng, riêng doanh thu ngành hàng phụ kiện hơn 200 tỷ đồng/tháng, ông Lê Huy Toàn – Giám đốc ngành hàng tại Thế Giới Di Động – trả lời ICTnews cho biết. Như vậy, tính tổng doanh thu hai ngành này có thể đạt khoảng 400 tỷ đồng/tháng.
So với tổng doanh thu năm 2015 của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh là 25.250 tỷ đồng, doanh thu hai ngành hàng nói trên chiếm gần 20%. Đây là lý do rất thuyết phục để Thế Giới Di Động vừa mở riêng thử nghiệm một cửa hàng chỉ chuyên bán điện thoại cũ và phụ kiện ở Tân Bình mà ICTnews đã đưa tin .
Có thể xem Thế Giới Di Động là hệ thống tiên phong trong việc bán điện thoại cũ so với các hệ thống bán điện thoại chính hãng lớn hiện nay. Ngay từ giai đoạn đầu, hệ thống này đã triển khai bán máy cũ tại nhiều cửa hàng, lấy đi một phần rất lớn lượng khách hàng hay mua điện thoại cũ ở các cửa hàng nhỏ hầu hết có nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng, trong khi mua máy cũ ở Thế Giới Di Động thì dù mức giá trung bình cao hơn nhưng được bảo chứng bằng uy tín của hệ thống này.
Bên cạnh máy cũ, Thế Giới Di Động cũng có thể xem là tiên phong trong việc mở rộng ngành hàng phụ kiện, ngành hàng doanh thu chiếm xấp xỉ 10% doanh thu tổng, và chắc chắn tỷ suất lợi nhuận không thua kém ngành hàng nào.
Trước đây Thế Giới Di Động vẫn thu mua máy cũ từ những khách hàng không mua máy của công ty, tuy nhiên ông Toàn cho biết hiện nay cả Thế Giới Di Động lẫn Điện máy Xanh không mua lại máy không do công ty bán ra, trái với nguồn tin trước đó cho ICTnews biết hệ thống này vẫn mua máy ngoài nhưng với số lượng hạn chế. Công ty cũng không có chính sách mua lại máy cũ, hiện chỉ bán máy cũ từ nguồn hàng đổi, trả.
Ông Toàn cho biết nguồn máy thu mua ngoài nguồn gốc trôi nổi và thường có nhiều rủi ro về xuất xứ, về chất lượng và linh kiện bên trong; và nó đòi hỏi phải có một nguồn lực riêng biệt và chuyên môn sâu thì mới kiểm tra chất lượng được. Do đó, nguồn máy cũ bán tại cửa hàng chuyên bán máy cũ, phũ kiện sắp khai trương sẽ chủ yếu đến từ nguồn hàng đổi trả của khách hàng.
Thế Giới Di Động cho biết, do họ áp dụng chương trình "một đổi một" trong 1 tháng khi mua sản phẩm nên có những khách hàng mới dùng sản phẩm chưa tới 1 tháng đã trả máy. Những máy “đổi, trả” này sẽ là nguồn máy cũ bán ra cho cả hệ thống. Các máy cũ này vẫn được bảo hành đầy đủ theo chính sách của công ty.
Cửa hàng này thuộc mô hình cửa hàng nhỏ, diện tích 60-70 mét vuông - Ảnh: Trương Hữu Dũng
Nói về cửa hàng bán máy cũ, phụ kiện sắp khai trương, ông Lê Huy Toàn cho biết, cửa hàng này nằm trong mô hình cửa hàng nhỏ, có diện tích 60-70 mét vuông, thường nằm trong các con hẻm nhỏ đông đúc. Trước đó, một cửa hàng thử nghiệm dạng này nằm trên đường Nguyễn Kiệm (TP.HCM) là mô hình cửa hàng lớn, có không gian rộng và nằm ở các góc ngã tư lớn (nay đã không còn chuyên bán máy cũ).
Cửa hàng máy cũ của Thế Giới Di Động sắp khai trương sẽ hướng đến những con đường nhỏ, hẻm nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng. Cửa hàng này sẽ chỉ bán điện thoại cũ và phụ kiện mới, không bán điện thoại mới.
“Đối tượng mua máy cũ thường là những người hiểu về điện thoại hơn so với khách hàng thông thường, họ biết khá rõ về model mình muốn mua và quan tâm về giá, muốn tiết kiệm hơn so với mua máy mới”, ông Lê Huy Toàn thông tin thêm.
ICTnews