Đối thủ đáng gờm của Tân Hiệp Phát trên thị trường trà xanh là ai?
Sau hơn 8 năm hoạt động, hiện các sản phẩm của URC có mặt trên thị trường thuộc nhiều lĩnh vực, nổi tiếng nhất phải kể tới thương hiệu trà xanh C2.
- 17-09-2015Tân Hiệp Phát mời sếp nước ngoài quản lý
- 10-03-2015Tân Hiệp Phát - Đại gia "thạch sùng" thiếu cái "mẻ kho"
Universal Robina Corporation (URC) được thành lập vào năm 1954 bởi tỷ phú John Gokongwei (người giàu thứ 4 tại Philippines) thông qua công ty Universal Corn Products, tiền thân là một nhà máy sản xuất bột bắp ở thành phố Pasig, Philippines. Đây cũng là tập đoàn chủ lực trong hệ thống siêu tập đoàn hàng đầu của Philippines là JG Summit Holdings.
Công ty này sau đó dần mở rộng và tham gia vào nhiều lĩnh vực trong kinh doanh thực phẩm bao gồm sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, nhà máy bột, nhà máy đường và tinh luyện đường.
Công ty cũng đầu tư chăn nuôi heo đẻ, gà con giống, sản xuất thức ăn gia súc, thức ăn cho cá, đường cát và hỗn hợp ngành thú y.
3 mảng kinh doanh chính của công ty bao gồm: Thực phẩm tiêu dùng, Sản phẩm công - nông nghiệp và Phân phối thực phẩm. Thu nhập ròng (net income) trong năm 2014 của URC đạt 11,56 tỷ Peso (tương đương hơn 150 tỷ VNĐ).
Những thương hiệu nổi tiếng của công ty bao gồm Trà xanh C2, bánh snack mặn, snack ngọt và bánh kẹo hiệu Jack n' Jill, các sản phẩm cà chua Hunt, mì ăn liền Payless và mì ăn liền Nissin Cup. Mì ăn liền được sản xuất với sự hợp tác của công ty thực phẩm Nissin Foods, Nhật Bản .
Bộ phận thực phẩm tiêu dùng của công ty còn sản xuất và phân phối rất nhiều các loại bánh snack, chocolate, kẹo, bánh quy, bánh mì, nước giải khát, mì và sản phẩm có cà chua. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu qua Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc.
Theo nhà sáng lập John Gokongwei thì mục tiêu của URC là trở thành một trong những đơn vị cung cấp đồ ăn nhanh và thức uống hàng đầu châu Á. Những quốc gia mà công ty này đang nhắm tới gồm có Myanmar, Lào và Campuchia. Thực tế sản phẩm của URC hiện cũng được xuất khẩu tới những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Ghana và Nigeria.
URC làm gì ở Việt Nam?
Chính thức xâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2003 với tổng vốn đầu tư lên tới 14,5 triệu USD, URC hoạt động thông qua 2 đơn vị gồm có Công ty TNHH URC Việt Nam (trụ sở tại KCN Việt Nam - Singapore I) và CÔNG TY TNHH URC HÀ NỘI (địa chỉ Lô CN 2.2 khu công nghiệp Thạch Thất- Quốc Oai, Huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Sau hơn 8 năm hoạt động, hiện các sản phẩm của URC có mặt trên thị trường thuộc nhiều lĩnh vực. Cụ thể, thức uống như trà xanh C2, trà hoa cúc C2 Cool, nước tăng lực Rồng Đỏ, nước ép trái cây Jus. Ngoài ra còn có các loại thực phẩm gồm: Bánh Cream - O, Magic, Piatos, Funbite, Kẹo Dynamite tiêu chuẩn quốc tế hoạt động tại Bình Dương và Hà Nội.
Với mảng nước giải khát nói chung, cùng với Pepsi, Coca Cola, URC tạo thành bộ 3 quyền lực khi nắm trong tay tới gần 50% thị phần tại Việt Nam. Nếu tính riêng thị trường đồ uống không cồn, có thể nói chỉ còn là cuộc đấu song mã giữa C2 và trà xanh 0 độ của Tân Hiệp Phát (THP) khi 2 công ty này nắm giữ tới 92% thị phần.
Tuy nhiên, THP đang ở vị thế "nhỉnh hơn" khi thống kê cho thấy, lợi nhuận trong năm 2014 của URC Việt Nam đạt 620 tỷ VNĐ, URC Hà Nội là 190 tỷ VNĐ. Trong khi đó, con số tương tự của THP là 933 tỷ VNĐ. Điều đáng nói là tổng doanh thu 2014 của cả URC Vietnam và URC Hanoi gộp lại tương đương với Coca Cola Việt Nam.
Hiện tại cùng với Thái Lan, Việt Nam luôn được xem là thị trường trọng tâm phát triển của URC chính vì vậy chắc chắn trong thời gian tới doanh nghiệp này sẽ còn đẩy nhanh tốc độ phát triển hơn nữa.
Trong khi đó, gần đây THP vướng vào bê bối "chai nước có ruồi" khiến uy tín của thương hiệu này đối với người tiêu dùng trong nước bị sụt giảm mạnh. Tuy nhiên chỉ với hai thương hiệu là Không độ và C2 nhưng đã nắm giữ tới 92% thị phần, câu chuyện trà xanh tại thị trường Việt Nam có lẽ sẽ vẫn chỉ là chuyện riêng giữa THP và URC.
Trí Thức Trẻ/CafeBiz