MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN nói về việc "vay qua vay lại" với Nhiệt điện Phả lại

10-01-2014 - 15:56 PM | Doanh nghiệp

EVN ban đầu cũng đề nghị Bộ Tài chính cho Nhiệt điện Phả Lại vay trực tiếp nhưng BTC yêu cầu phải thông qua EVN vì EVN là đơn vị quản lý công ty này và là đơn vị đầu mối SX kinh doanh điện

Tại cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ sáng ngày 10/01/2013, trước câu hỏi về việc EVN cho công ty Nhiệt điện Phả lại (NĐPL-PPC) vay với lãi suất thấp, nhưng đồng thời lại đi vay lại của công ty này với lãi suất cao hơn, Thanh tra Chính phủ Ngô Quang Khánh cho biết: kết luận của Thanh tra là không có gì vi phạm.

Nhưng thực chất của việc này là gì? Phó tổng EVN Đinh Quang Tri đã có câu trả lời.

Theo ông Tri, việc EVN cho các công ty con vay vốn với lãi suất thấp rồi vay lại với lãi suất cao là một thực tế đúng. Nó có xuất xứ từ việc Nhiệt điện Phả lại trước đây hạch toán phụ thuộc EVN. Khi Nhiệt điện Phả lại cổ phần hóa thì phải đánh giá lại tài sản, đấu giá công khai chuyển thành Công ty cổ phần và hoạt động theo luật DN. Vốn vay để xây dựng Nhiệt điện Phả lại là Chính phủ Việt Nam vay ODA của Nhật bản lãi suất thấp. Chính phủ Việt Nam cho EVN vay lại trong 10 năm, lãi suất cộng thêm các phí.

Lãi suất vay ODA cho Nhiệt điện Phả lại bằng đồng yên, dao động từ 1,8-2%/năm. Khi một hợp đồng vay thường được giải ngân nhiều lần. Mỗi đợt thì lại thay đổi lãi suất, và trả bằng yên. Còn EVN vay của Nhiệt điện Phả lại bằng VND.

Khi Nhiệt điện Phả lại được cổ phần hóa, thì về mặt pháp lý, EVN phải cho công ty này vay lại để thu hồi nộp lại cho Bộ tài chính. Bộ tài chính đã đồng ý với cơ chế đó.

“Chúng tôi ban đầu cũng đề nghị Bộ Tài chính cho Nhiệt điện Phả lại vay trực tiếp nhưng Bộ Tài chính yêu cầu phải thông qua EVN vì EVN là đơn vị quản lý công ty này và EVN là đơn vị đầu mối để SX kinh doanh điện.”

"Khi Nhiệt điện Phả lại hoạt động thành Công ty cổ phần thì họ hoạt động có lãi. Một số năm hoạt động có lãi lớn. Doanh thu của họ tăng vọt hơn so với kế hoạch, so với phương án giá khi cổ phần hóa. Thời gian trả nợ được kéo dài theo ODA nên dư vốn khấu hao chưa dùng hết. Vì thế họ được quyền cho Ngân hàng sử dụng, gửi lãi suất cao hoặc cho các doanh nghiệp vay lại. Việc cho EVN vay lại là vì EVN đã được Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép huy động từ các công ty con. Mà huy động thì phải theo lãi suất thỏa thuận (lãi suất ngân hàng công thêm phí) nhưng tính ra vẫn là rẻ hơn của chúng tôi đi vay ngân hàng. Chúng tôi đã thỏa thuận với Nhiệt điện Phả lại cho EVN vay để đầu tư vào các dự án cấp bách của tập đoàn" - ông Tri phát biểu.

Chính vì thế mà lãi suất Phả Lại cho EVN vay cao hơn rất nhiều lãi mà EVN cho Nhiệt điện Phả lại vay lại. Theo ông Tri nhận xét, trong quá trình cổ phần hóa, pháp nhân mới niêm yết trên TTCK đã được tạo ra với rất nhiều cổ đông. Họ không đồng ý đi cho vay với lãi suất thấp mà phải theo thỏa thuận, đặc biệt là phải lấy gốc là lãi suất trung bình của 4 NHTM.

Công ty con được bù lỗ, do đâu?

Trước câu hỏi về vấn đề một số công ty con được bù lỗ, ông Tri cũng cho biết, thực chất các Tổng công ty điện lực lỗ hơn 3000 tỷ. Bản thân EVN 2011 lỗ nên cũng phải chuyển giao lỗ cho các công ty con. Do đặc thù SX kinh doanh điện, khi các hộ tiêu thụ điện tăng thì các phụ tải, máy phát của EVN cũng tăng lên. Điện mua ngoài cũng tăng lên. Vào ban đêm, khi tiêu thụ điện giảm xuống thì EVN giảm hoạt động của các nhà máy. Hệ thống điện là hệ thống phức tạp. Việc sử dụng nhà máy nào phát là do sự quản lý của Trung tâm điều tiết.

Thị trường điện hiện nay cạnh tranh mãnh liệt khiến các nhà máy phải tối ưu hóa chi phí để chào giá trên thị trường. Cơ chế giá điện đã được Thủ tướng cho phép kê các con số đầu vào ví dụ như giá nguyên liệu tăng/giảm, chênh lệch tỷ giá lớn hoặc cơ cấu sản lượng điện thay đổi… Giá thị trường là do cung cầu quyết định, công suất nhà máy quyết định.

Nhưng ở Việt Nam thì Chính phủ đã chỉ đạo phải kiềm chế giá điện. Thiếu điện cũng không được chào với giá cao hơn để ổn định giá điện ở Việt Nam. Trong nước Chính phủ cũng chỉ đạo, đơn vụ nào sản xuất với giá thành thấp thì phải bán cho EVN với giá thành thấp. Giá điện tương đối rẻ như hiện nay là do chính sách của Chính phủ và Bộ công thương.

Ông Tri khẳng định, bản thân EVN đang lên kế hoạch để tối ưu hóa toàn bộ chi phí.

Lấy lợi nhuận bù đắp...mua ô tô vượt định mức!

Về việc tiền mua ô tô vượt định mức, theo ông Tri, EVN đã thực hiện theo đúng quy định Bộ tài chính. Phần trong định mức được trích khấu hao. Phần vượt phải lấy lợi nhuận sau thuế để bù đắp.

Việc huy động này của EVN không trái quy định vì theo quy chế hoạt động, điều lệ của EVN là EVN được phép huy động vốn nhàn rỗi của công ty con cho hoạt động đầu tư điện. "Đầu tư cái khác thì không được."

Ý kiến của Thanh tra chính phủ

Thanh tra Chính phủ Ngô Quang Khánh cũng nói thêm về vấn đề này. Ông phát biểu: "Giữa 2 việc đi vay ODA và vay để thực hiện các DA đầu tư điện thì việc thực hiện các DA điện là có mục tiêu, chương trình, nó không gắn với việc đi vay lại. Việc đi vay lại là gắn với chủ thể khác. Từ đơn vị thành viên ấy có những nguồn khấu hao hoặc những nguồn khác còn chưa dùng đến nhàn rỗi chứ không thể gắn 2 loại với nhau để so sánh lãi suất và gây hiểu lầm.”

Vay ODA là việc của Chính phủ 2 nước và EVN phải đứng ra nhận. Có những vấn đề về mặt lịch sử và có những vấn đề về mặt tư cách pháp nhân mà tập đoàn phải đứng ra. Không thể nói đơn thuần là “ông cho vay người ta lãi suất thấp rồi đi vay lại với lãi suất cao”

Về việc bù lỗ của công ty mẹ cho các đơn vị thành viên, ông Khánh cũng cho biết:

"Ở đây, với câu chuyện giao kế hoạch của công ty mẹ đối với các đơn vị thành viên thì trong đó có các chỉ tiêu. Qua thanh tra thấy chu trình SX, cung ứng điện của TĐ là khép kín nên việc để xác định nhiệm vụ SX và chỉ tiêu tài chính tích hợp nhiều yếu tố khác nhau. Việc bù lỗ là rất lớn nên việc xác định rằng đơn vị này trong năm này chấp nhận một mức lỗ. Việc đó là đặc thù của quá trình SX cung ứng điện. Chúng tôi xác định đây là việc rất bình thường trong qúa trình SX điện."

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên