MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT rất đúng đắn khi muốn bán FShop, và Thế giới di động cũng nên làm như vậy!

21-03-2016 - 14:23 PM | Doanh nghiệp

Sự phát triển của chuỗi bán lẻ di động không thể chỉ dựa vào lượng tiêu thụ điện thoại ngày càng tăng hay dân số trẻ để kết luận như các công ty nghiên cứu thị trường vẫn “vẽ” ra cho khách hàng.

Gần đây, FPT bắt đầu thông báo rộng rãi việc tìm đối tác bán lại mảng phân phối bán lẻ của mình, bao gồm FPT Trading và FPT Shop. Dù FPT tuyên bố chỉ bán cổ phần thay vì bán toàn bộ mảng này, nhưng trên thực tế mục tiêu thoái vốn khỏi lĩnh vực này đã được ban lãnh đạo đặt ra từ lâu. Trong đại hội cổ đông hồi năm ngoái, chủ tịch FPT Trương Gia bình không giấu giếm ý định bán mảng phân phối bán lẻ để quay về đầu tư cho viễn thông.

Về tổng thể, mảng phân phối bán lẻ của FPT không hề tệ. Doanh thu từ mảng này đang chiếm khoảng 2/3 tổng doanh thu của FPT và mảng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tập đoàn. Năm 2015, riêng mảng bán lẻ đạt doanh thu gần 8.000 tỉ đồng, đưa Fshop trở thành chuỗi bán lẻ di động lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau Thế giới di động.

Một số dự báo cho thấy mảng bán buôn (FPT Trading) bắt đầu chững lại khó duy trì đà tăng trưởng tốt trong tương lai. Tuy nhiên, đây khó có thể là lý do để FPT nói lời từ biệt với cả Fshop.

Trừ khi, ban lãnh đạo FPT đã nhận ra một điều: Đó là lợi thế cạnh tranh của chuỗi cửa hàng bán lẻ di động sẽ ngày càng giảm theo thời gian.

Nếu nhìn vào sự phát triển chung của chuỗi mô hình này trên thế giới, có thể thấy “ngày tàn” của chuỗi mô hình bán lẻ di động tại Việt Nam không còn xa. Không sớm thì muộn, vai trò của những chuỗi bán lẻ này sẽ trở nên không cần thiết, dần dần bị loại bỏ, như những gì người ta đã chứng kiến với thương hiệu bán lẻ điện tử và di động lớn nhất nước Mỹ một thời Radio Shacks.

Có nhiều lý do giải thích điều này.

Đầu tiên, một câu chuyện đó là sự ra đi của các hãng điện thoại lớn.

Nếu chỉ vài năm trước, chúng ta còn phân vân giữa đủ các thương hiệu điện thoại như Nokia, Sony Ericsson, Black Berry, LG, HTC, Apple, Samsung,… thì ngày nay, lựa chọn của chúng ta đã ít đi rất nhiều.

Nguyên nhân là vì các hãng điện thoại lớn đã lần lượt ra đi, Nokia, Sony Ericsson hay BlackBerry giờ chỉ còn tồn tại ở những cửa hàng bán điện thoại cũ, HTC thì đang thẳng tiến trên con đường phá sản còn LG thì cũng chẳng mấy sản phẩm nổi bật.

Thực tế kết quả kinh doanh của các hãng sản xuất điện thoại đã chỉ ra rằng, duy nhất Apple và Samsung là hai hãng có lợi nhuận trên thị trường di động. Những dòng sản phẩm “đinh” cũng không ra ồ ạt như trước mà theo định kỳ hàng năm.

Chỉ còn lại iPhone và vài dòng điện thoại của Samsung như Galaxy, Note cùng một số dòng điện thoại cấp thấp khiến công việc lựa chọn để mua điện thoại dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Chủng loại điện thoại giảm sẽ kéo theo diện tích trưng bày các mặt hàng điện thoại giảm dần theo thời gian. Trong tương lai gần, những cửa hàng có diện tích lớn các trăm mét vuông như Thế giới di động sẽ sớm trở nên thừa thãi.

Sự ra đi của các hãng điện thoại trên thế giới đang khiến việc lựa chọn smartphone đơn giản hơn trước rất nhiều.

Không chỉ dễ dàng trong lựa chọn, sử dụng một chiếc điện thoại cũng đơn giản hơn trước rất nhiều. Đã qua rồi cái thời muốn bán điện thoại phải cần đủ thứ như nhân viên tư vấn, nhân viên kỹ thuật, hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng,… Người tiêu dùng đang ngày càng thông minh hơn và những hệ điều hành đồng nhất với nhau giúp việc học cách dùng chẳng còn khó khăn như trước.

Một xu thế rất quan trọng khác đó là sẽ tới lúc những hãng sản xuất điện thoại lớn như Apple tự bán sản phẩm của mình tại Việt Nam.

Với các nhà bán lẻ di động lớn tại Việt Nam, lợi thế quan trọng của họ đó là “bảo hành chính hãng”. Một trong những yếu tố giúp Fshop thành công nhanh chóng đó là nhờ trở thành nhà phân phối chính hãng của Apple. Hiện tại, trong hầu hết các cửa hàng bán lẻ di động, chúng ta đều có thể thấy iPhone bán ra được chia làm 2 loại: iPhone và iPhone FPT.

iPhone FPT có giá đắt hơn và được bảo hành bởi Apple. Chính nhờ yếu tố này mà FPT nhanh chóng nổi lên, trở thành địa chỉ bán iPhone tin cậy nhất.

Mặc dù vậy, lợi thế này của FPT có thể không tồn tại lâu. Mới đây, Apple đã mở công ty tại Việt Nam và vừa tuyên bố đầu tư 1 tỉ USD để xây dựng trung tâm R&D. Dù “Quả táo” chưa có giấy phép bán lẻ, nhưng không có gì khẳng định sau này Apple sẽ không trực tiếp phân phối các sản phẩm của mình tại Việt Nam.

Xu thế nhà sản xuất tự bán hàng của mình qua kênh trực tuyến, thay vì thông qua đại lý cũng đã nở rộ tại các công ty lớn. Nike mới đây cho biết, doanh số bán hàng của công ty thông qua trang chủ Nike.com đã tăng tới 50%. Thay vì đổ hàng cho đại lý, Nike bắt đầu ưu ái hơn cho chính trang chủ của mình và khuyến khích khách hàng mua ngay trên đó.

Các đại lý tất nhiên chẳng hề vui vẻ gì trước điều này, vì áp lực từ kênh online sẽ buộc các cửa hàng di động phải giảm giá theo để cạnh tranh. Biên lợi nhuận của mảng này vốn đã mỏng, sẽ tiếp tục mỏng hơn.

Apple cũng đang làm như vậy. Hiện tại, các sản phẩm của Apple chủ yếu bán qua trang chủ của hãng và thông qua các hợp đồng với nhà mạng, chứ không phải các cửa hàng bán lẻ di động.

Thậm chí, kể cả một số hãng điện thoại Trung Quốc như Oppo hay Xiaomi cũng bán hàng trực tiếp thông qua hệ thống của riêng mình, thay vì trung gian qua các chuỗi bán lẻ di động.

Nhắc tới vai trò của các nhà mạng, sự thành công của Samsung tại thị trường Mỹ chỉ tới khi nhà mạng AT&T quyết định sẽ bán dòng Galaxy để cạnh tranh với iPhone. Tất nhiên, chiếc Galaxy là một sản phẩm chất lượng, nhưng chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của AT&T.

Tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia phát triển khác, các hãng sản xuất điện thoại đều “gắn chặt” mình với nhà mạng. Điều này khá đơn giản vì nhà mạng có rất nhiều ưu thế trong mắt người tiêu dùng: Đáng tin cậy, thương hiệu quen thuộc và nếu cần hỗ trợ gì, nhà mạng có thể giải quyết giúp bạn nhanh chóng.

Với thị trường viễn thông đặc thù tại Việt Nam không cho phép các đối thủ mới xuất hiện, đây là những ưu thế rất bền vững.

3 hãng viễn thông lớn hiện tại là Viettel, Mobifone và Vinaphone. Trong đó Viettel và Mobifone đã bước vào thị trường bán lẻ di động và nếu các hãng viễn thông này xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với những nhà sản xuất điện thoại, đây cũng sẽ là đối thủ nguy hiểm của các chuỗi bán lẻ di động.

Cái kết không khó đoán

Diện tích cửa hàng lớn không còn cần thiết, vai trò tư vấn giảm sút, các hãng sản xuất điện thoại muốn bán hàng trực tiếp và các nhà mạng sẽ sớm lấn lướt, có quá nhiều lý do cho thấy tương lai ảm đạm đang chờ đón chuỗi bán lẻ di động.

Việc loại bỏ dần dần những yếu tố này cũng giống như cắt giảm hết những lợi thế cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ di động hiện nay.

Dù doanh thu hiện vẫn tăng trưởng tốt, nhưng xu thế này đang rất gần và Thế giới di động hay FPT Shop không thể cưỡng lại xu thế này. Việc cắt giảm sẽ trở nên bắt buộc vì cố gắng duy trì mặt bằng hay đội ngũ sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng chi phí trên mỗi cửa hàng.

Giống như nước Mỹ, những cửa hàng bán di động sẽ sớm thoái trào, thay vì đứng tách biệt, sẽ sớm chỉ cần một góc nhỏ vài mét vuông ở trong siêu thị hay trung tâm điện máy.

Vậy FShop và Thế giới di động nên làm gì?

FPT đã có câu trả lời của mình khi sớm có ý định bán. Còn Thế giới di động, có lẽ cũng nên... bán luôn để tập trung nguồn lực sang lĩnh vực điện máy và thực phẩm sạch.

Sự phát triển của chuỗi bán lẻ di động không thể chỉ dựa vào lượng tiêu thụ điện thoại ngày càng tăng hay dân số trẻ để kết luận như các công ty nghiên cứu thị trường vẫn “vẽ” ra cho khách hàng.

Theo Trang Lam

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên