MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Gỗ Trường Thành không chịu bất lợi nào từ TPP"

14-11-2015 - 08:13 AM | Doanh nghiệp

TPP yêu cầu sản phẩm gỗ phải sử dụng trên 50% nguyên liệu có xuất xứ từ các nước TPP mới được ưu đãi thuế.

Ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ được đánh giá là một trong những ngành chịu nhiều tác động đa chiều nhất trong trường hợp TPP chính thức được ký kết. Niềm vui và sự lo lắng của các doanh nghiệp trong ngành luôn đan xen với nhau trước thông tin TPP đang đến rất gần.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Diệp Văn Tuấn – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước - xung quanh những ảnh hưởng của Hiệp định thương mại thế kỷ tới doanh nghiệp này,

- Xin ông cho biết những thuận lợi đối với Gỗ Trường Thành khi Việt Nam chính thức tham gia TPP?

Ông Võ Diệp Văn Tuấn: Có 3 thuận lợi chính đối với chúng tôi khi Việt Nam gia nhập TPP.

Thứ nhất, được miễn thuế nhập khẩu vào các nước TPP, chủ yếu là Mỹ và Nhật. Đây là 2 quốc gia có thị trường lớn, chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu của Gỗ Trường Thành.

Thứ hai, việc TPP được ký kết sẽ kích thích khách hàng lâu nay đặt hàng tại Trung Quốc và Asean – những đối thủ chính của gỗ Việt Nam – sang Việt Nam vì thuế suất giảm dẫn đến giá thành sẽ rẻ hơn. Không chờ đến lúc đó, hiện đã có một số khách hàng từ Mỹ và Châu Âu đã chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, mà đích đến là Gỗ Trường Thành. Chính họ cũng đón đầu TPP, chứ không chỉ chúng tôi. Gỗ Trường Thành đã và đang nhận nhiều và đang thực hiện trả đơn hàng mang tính thăm dò. Nếu khả quan, việc đặt hàng chính thức sẽ được thực hiện trong nay mai.

Thứ ba, TPP yêu cầu sản phẩm gỗ phải sử dụng trên 50% nguyên liệu có xuất xứ từ các nước TPP mới được ưu đãi thuế. Đó là bất lợi đối với các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu gỗ để sản xuất, nhưng lại là ưu thế của Gỗ Trường Thành. Công ty có rừng trồng đã đến tuổi khai thác và năng suất khai thác sẽ tăng mạnh vào năm 2016 – 2017 – đúng thời điểm TPP có hiệu lực, theo dự kiến. Gỗ Trường Thành thậm chí không sử dụng hết lượng gỗ công ty trồng, mà chỉ sử dụng một nửa. 50% còn lại sẽ được công ty xuất khẩu cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam – những doanh nghiệp lâu nay chủ yếu nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc.

Hiện tại, doanh số xuất khẩu của TTF sang các nước TPP là bao nhiêu và chiếm tỷ trọng như thế nào? Những con số này sẽ cải thiện như thế nào nếu TPP chính thức được ký kết?

Hiện Gỗ Trường Thành xuất đi Mỹ và Nhật lần lượt 55% và 10% doanh thu xuất khẩu. Như vậy, TPP có thể giúp Gỗ Trường Thành tăng thêm khoảng 3 – 5% lợi nhuận/doanh thu và giúp công ty có nhiều đơn hàng hơn, như chúng tôi đã nói. Tức là cả doanh thu và biên lợi nhuận sẽ cùng tăng.

Về nguồn gốc gỗ, một yêu cầu về mặt kỹ thuật trong TPP, Gỗ Trường Thành đã chuẩn bị đến đâu rồi thưa ông?

Từ nhiều năm nay TTF đã đạt chứng chỉ COC về kiểm soát nguồn gốc gỗ, trong đó có FSC là chứng nhận xuất xứ có giá trị nhất. Đối với rừng của Gỗ Trường Thành, công ty đang hợp tác với Tập đoàn OJI – tập đoàn giấy lớn nhất Nhật Bản liên doanh với 1 trong 1 công ty trồng rừng của TTF tại Phú Yên – để lấy chứng chỉ FSC. Có chứng nhận này chúng tôi sẽ bán được gỗ có giá thành cao hơn 30%.

Các doanh nghiệp FDI sẽ được hưởng lợi với TPP. Vậy Gỗ Trường Thành sẽ cạnh tranh với họ theo cách nào?

Đúng vậy, các doanh nghiệp FDI sẽ được hưởng lợi với TPP. Họ đầu tư vào Việt Nam đã lâu và đón đầu làn sóng TPP khá hiệu quả. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam đa số là doanh nghiệp FDI. Gỗ Trường Thành là doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất thuộc Top 10.

Tuy nhiên, cũng phải biết rằng, các doanh nghiệp FDI đa số là của Đài Loan, Trung Quốc và Malaysia – phần lớn sử dụng nguồn gỗ nhập từ Trung Quốc. Nếu muốn hưởng lợi từ TPP, họ buộc phải “cắt” nguồn cung gỗ quen thuộc bấy lâu nay, quay lại sử dụng gỗ từ Việt Nam. Như tôi đã nói, Gỗ Trường Thành chỉ sử dụng hết 50% lượng gỗ trồng được, còn lại bán cho các doanh nghiệp này. Đây chính là lợi thế của công ty trong thời gian tới.

Như ông nói, hầu như TPP không mang lại bất lợi nào cho Gỗ Trường Thành?

Đúng vậy, Gỗ Trường Thành không chịu bất lợi nào từ TPP.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên