MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai công ty bị “tố” có tham vọng độc quyền thị trường inox

08-06-2013 - 21:12 PM | Doanh nghiệp

Hai công ty vừa gửi đơn lên Bộ Công Thương yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm inox được nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 6/5/2013 Cục đã nhận được hồ sơ của Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình (Hòa Bình Inox) yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ (inox) cán nguội, nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Theo quy định, trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ ra quyết định có hay không khởi xướng điều tra vụ việc này.

Lý do được Posco VST và Hòa Bình Inox, hai doanh nghiệp đang chiếm khoảng 80% thị phần inox tại Việt Nam đưa ra, là do giá inox nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan đều thấp hơn khoảng 25% so với giá các sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ.

Đáng chú ý là trong vòng 3 năm, từ 2009 - 2011, sản phẩm inox nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng tới 34%.

Vì thế, hai doanh nghiệp này kiến nghị mức áp thuế chống bán phá giá trung bình là 20% đối với các sản phẩm inox được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, sau khi đề xuất của hai doanh nghiệp trên gửi tới Bộ Công Thương, hơn 20 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ inox, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp sản xuất inox trên thế giới tại Việt Nam đồng loạt lên tiếng rằng, nếu áp thuế chống bán phá giá như kiến nghị của Posco VST và Hòa Bình Inox, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ inox sẽ bị đẩy vào “đường cùng”, và nguy cơ Posco VST và Hòa Bình Inox độc quyền thị trường inox tại Việt Nam là “hiện hữu”.

Hơn 20 doanh nghiệp trên đang nhập khẩu các chủng loại inox cán nóng, cán nguội từ Phần Lan, Đức, Brazil, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…, phục vụ dân dụng, công nghiệp, an ninh quốc phòng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đại diện các doanh nghiệp này liệt kê, nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, "giá thành của sản phẩm cuối cùng tăng cao do giá nguyên liệu tăng, làm tác động trực tiếp đến giá bán", "giá thành công nghiệp chế tạo, dầu khí, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, y tế… đối diện với nguy cơ suất đầu tư bị tăng cao".

“Đây là một đề nghị nhằm hướng tới sự độc quyền, thao túng thị trường”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ inox nói.

“Hệ lụy lớn nhất nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ dẫn tới độc quyền nhóm trong việc sản xuất sản phẩm thép không gỉ cán nguội do nguồn nguyên liệu sản xuất thép không gỉ cán nguội là thép không gỉ cán nóng chưa sản xuất được tại Việt Nam; các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có nguy cơ bị thua lỗ lớn do ký hợp đồng khung nhận hàng với sản lượng lớn từ các nhà nhập khẩu nước ngoài”, đại diện các doanh nghiệp trên lo ngại, và cho biết “đang lấy chữ ký lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất để sang tuần sẽ gửi công văn kiến nghị lên Bộ Công Thương, phản đối về yêu cầu áp thuế chống bán phá giá của Posco VST và Hòa Bình Inox”.
Theo Thủy Diệu

thanhhuong

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên