Hãng hàng không SkyViet sắp ra đời từ công ty gốc VASCO
Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Công ty cổ phần hàng không VASCO trong đó điểm đáng chú ý nhất chính là việc, Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO) - chi nhánh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ được chuyển đổi thành một hãng hàng không cổ phần tên là SkyViet.
- 29-03-2016Ông chủ thực sự của hãng hàng không mới Vietstar Airlines là ai?
- 28-03-2016Hé lộ chủ hãng hàng không mới Vietstar Airlines
- 28-03-2016Việt Nam có thêm hãng hàng không mới Vietstar Airlines
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, VASCO đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ khai thác tàu bay và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế cấp mã vận chuyển theo quy định. Với cơ cấu là đơn vị hạch toán phụ thuộc Vietnam Airlines, Công ty VASCO được giao đội tàu bay ATR72 để khai thác, cung cấp dịch vụ vận tải hàng không đi/đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp (Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang), đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Vào cuối tháng 10/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép Vietnam Airlines xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO. Ngày 30/12/2015, Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines (Người đại diện phần vốn) đã có Công văn số 2336/BC-TCTHK-NĐDVNN về việc xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại VASCO có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông và tỷ lệ góp vốn, Đề án thành lập Công ty Cổ phần hàng không VASCO được trình Bộ Giao thông Vận tải trong đó nêu rõ, tỷ lệ vốn góp của Vietnam Airlines là 51% vốn điều lệ bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là trên 53,7 tỷ đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) 48% vốn điều lệ; Công ty cổ phần phát triển dự án Techcomdeveloper 1% vốn điều lệ.
Trên cơ sở dự báo thị trường, các nguyên tắc rà soát mạng đường bay và các kịch bản cạnh tranh, Tổng công ty và nhà đầu tư đã cùng tính toán, xây dựng phương án kinh doanh của Công ty cổ phần Hàng không VASCO. Theo đó, công ty hoạt động có hiệu quả, cân đối và có lãi ngay từ năm đầu, mức lợi nhuận sẽ tăng dần cho các năm tiếp theo. Hiệu quả hoạt động của Công ty cả giai đoạn 2016-2018 dự kiến đạt 1,9 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, Vietnam Airlines là công ty cổ phần, pháp luật không quy định thực hiện cổ phần hóa đối với chi nhánh hay công ty con 100% vốn của công ty mẹ là công ty cổ phần. Do vậy, Vietnam Airlines đề xuất thành lập VASCO theo hình thức góp vốn cùng 2 cổ đông khác là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý quỹ Kỹ thương và Công ty cổ phần phát triển dự án Techcomdeveloper thành lập công ty cổ phần theo đúng quy định Luật doanh nghiệp.
“Mức vốn điều lệ của VASCO là 300 tỷ đồng, Vietnam Airlines chiếm 51% vốn điều lệ và hai nhà đầu tư như đã nêu trên giữ 49% vốn điều lệ. Việc lựa chọn đối tác góp vốn trên tinh thần tự nguyện của các cổ đông. Vietnam Airlines là hãng không không quốc gia, có kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác về vận tải hàng không. Do đó, căn cứ vào nhu cầu, chiến lược phát triển của công ty cổ phần, Vietnam Airlines đã lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính để hỗ trợ nguồn lực tài chính, phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của VASCO thành công, hiệu quả,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận định, VASCO vốn là một đơn vị hạch toán phụ thuộc, sắp xếp lại để thành lập một công ty cổ phần độc lập với công ty mẹ về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí. Do đó, thời gian đầu, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, VASCO tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi từ/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được máy bay tàu bay phản lực thân hẹp Airbus hay Boeing như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên... Đây cũng các đường bay có ý nghĩa phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập cũng như đặc thù của đường bay sẽ khai thác.
Ngày 10/3/2016, Công ty cổ phần Hàng không SkyViet đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0313687528. Công ty dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào ngày 01/4/2016 sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.
Sau khi xem xét, đánh giá Đề án thành lập Vasco, Bộ Giao thông Vận tải thấy rằng Đề án được xây dựng theo đúng quy định pháp luật, đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung cho Công ty cổ phần Hàng không SkyViet theo đúng quy định./.
Vietnam+