MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HBC đặt kế hoạch LNST 175 tỷ đồng, trở lại với BĐS

04-05-2014 - 08:58 AM | Doanh nghiệp

Những năm trước, chính các dự án bất động sản HBC đầu tư vào cùng với trượt giá thi công công trình, nợ khó đòi đã khiến cho HBC gặp khó khăn với dòng tiền.

Sáng ngày 29/04/2014 CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (MCK: HBC) đã tiến hành thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2014. Đại hội đồng cổ đông đã thống nhất thông qua nội dung tất cả các tờ trình trình tại Đại hội.

Năm 2013, HBC không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và đạt mức thấp so với năm 2012. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 26,4 tỷ đồng, bằng 14,3% kế hoạch và bằng 20% thực hiện 2012.

Cổ tức thực hiện tỷ lệ 15%/mệnh giá trong đó bằng tiền mặt 5% và bằng cổ phiếu 10%. Để thực hiện chia cổ tức năm 2013 tỷ lệ 15%/mệnh giá – tương đương trích hơn 71,8 tỷ đồng, HBC đã sử dụng đến nguồn lợi nhuận chưa phân phối của các năm trước.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về hàng tồn kho, khoản phải thu, và dự phòng nợ phải thu khó đòi tại ngày 31/12/2013, ông Phan Ngọc Thạnh cho biết:

(i) Tại ngày 31/12/2013, số dư hàng tồn kho khoảng 212 tỷ đồng trong đó chi phí sản xuất dỡ dang 30 tỷ đồng (công trình do HBC thi công được trả bằng sản phẩm), hàng hóa bất động sản sẵn sàng bán 67 tỷ đồng (các dự án thuộc Nhà Hòa Bình mua để bán); tồn kho nguyên vật liệu 60 tỷ đồng (chủ yếu là sắt thép chưa đưa vào thi công). HBC trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho khoảng 370 triệu đồng.

(ii) Số dư khoản phải thu ngắn hạn là 2.200 tỷ đồng bao gồm khoản phải thu theo tiến độ. HBC đã trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2013 là 54 tỷ đồng, lũy kế đến hết năm 2013 là 71 tỷ đồng.

Năm 2014, HBC nhận thấy tình hình chưa khả quan để hoàn nhập dự phòng trích lập khoản phải thu, công ty kỳ vọng quý III và IV mới có thể hoàn nhập.

Liên quan đến năng lực chủ đầu tư, ông Lê Viết Hải – chủ tịch HĐQT chia sẻ: Trong thời gian qua, HBC chưa đánh giá chính xác năng lực của chủ đầu trong thanh toán (có nguồn tiền kịp thời để thanh toán cho nhà thầu) cũng như lường trước các rủi ro mà chủ đầu tư có thể gặp phải qua đó ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán cho nhà thầu (khả năng thanh toán của chủ đầu tư tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và phát triển dự án, nhưng thị trường bất động sản trong những năm qua gặp khó khăn). 

Năm nay, HBC đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 45,7%; lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, bằng 7,4 lần so với thực hiện 2013; cổ tức 15%/mệnh giá.

Năm 2014, HBC dự kiến không trích lập dự phòng giảm hàng tồn kho; nợ khó đòi dự kiến 22 tỷ đồng (sau khi đã hoàn nhập và trích lập).

Trả lời câu hỏi của cổ đông về giá trị hợp đồng đã ký từ năm 2013 chuyển sang 2014, hợp đồng ký trong năm 2014, chủ tọa đoàn cho biết: Doanh thu hợp đồng đã ký từ 2013 chuyển sang 2014 giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng; các hợp đồng ký mới trong năm 2014 trị giá 2.200 tỷ đòng; HBC còn các hợp đồng đang thương lượng  trị giá 500 tỷ đồng; và một hợp đồng liên danh vừa có thông báo trúng thầu trị giá 2.900 tỷ đồng.

Tổng giá trị các hợp đồng khoảng 8.000 tỷ đồng. HBC ghi nhận doanh thu theo khối lượng công trình thực hiện được.

Về việc bán 3.972.490CPQ, HBC cho biết HBC chỉ bán CPQ với giá khoảng từ 23.000 đồng/CP trở lên.

Đại hội đã thống nhất ủy quyền cho HĐQT thực hiện các dự án BĐS, cụ thể: triển khai, quyết định phương án thực hiện, mở rộng thu nhỏ quy mô các dự án đầu tư hiện có, có thể tăng/giảm tỷ lệ tham gia của HBC. Nghiên cứu, triển khai, thực hiệ thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi cao.

Liên quan đến nội dung phát triển bất động sản – trở lại với bất động sản, ông Lê Quốc Duy thừa nhận HBC thất bại khi tham gia phát triển bất động sản từ năm 2008, HBC đã thoái vốn, rút vốn ra khỏi các dự án tham gia trong giai đoạn đó.

Năm 2014, HBC nghiên cứu một vài dự án – không phải nhiệm vụ trọng tâm, nhưng có thể mang lại lợi nhuận đột biến cho HBC. Bởi HBC là nhà thầu có nhiều cơ hội thương lượng với chủ đầu tư; một số dự án nhỏ chủ đầu tư có thể chiếm dụng vốn – chưa thể trả tiền ngay, họ có thể trả lại HBC bằng chính sản phẩm của dự án. (Dự án quận 4, và dự án Quận 2 – chủ đầu tư đã làm hết công trình ngầm, giấy phép đầu tư, sổ đỏ, HBC tiếp nhận dự án này HBC có thể bán hàng ngay).

Đối với, khai thác tòa nhà văn phòng  tại Nguyễn Đình Chiểu (Q. 3, Tp. HCM), HBC  – thuê lại Tổng công ty địa ốc Sài Gòn, HBC đã sử dụng 4 sàn, phần còn lại HBC cho thuê. Đầu năm 2014, HBC khai thác một tòa nhà khác, thuê lại với giá ưu đãi, hiện đã có khách thuê.

Những năm trước, chính các dự án bất động sản HBC đầu tư vào cùng với trượt giá thi công công trình, nợ khó đòi đã khiến cho HBC gặp khó khăn với dòng tiền. Tuy nhiên, với bối cảnh mới, và rút kinh nghiệm từ những năm trước, kỳ vọng HBC có thể gặt hái được thành công khi trở lại với lĩnh vực bất động sản, qua đó giải quyết được bài toán nợ đọng của các chủ đầu tư đối với nhà thầu.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên